Là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong
công tác đền bù giải phóng mặt bằng đối với các dự án truyền tải điện trọng điểm,
nhận thức được khó khăn lớn làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án đường dây 220kV
Phan Thiết-Phú Mỹ 2 là công tác giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý dự án các công
trình điện Miền Trung (CPMB) đã thành lập các Ban tiền phương.
Ban này gồm các cán bộ có năng lực,
kinh nghiệm của các Phòng có liên quan thường trực trên tuyến để bám sát chính
quyền địa phương, Hội đồng bồi thường, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát
sinh làm ảnh hưởng đến kế hoạch thi công của nhà thầu.
Giám đốc Ban Quản lý dự án các công
trình điện Miền Trung, ông Nguyễn Đức Tuyển cho biết, hàng tháng, Ban luôn có
những buổi họp kiểm điểm tiến độ để đánh giá chính xác các việc làm được, chưa
làm được, nguyên nhân cụ thể, cùng nhau bàn bạc tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất.
Mục tiêu là thi công công trình đúng
tiến độ, trên cơ sở biện pháp thi công hạn chế đến mức tối đa các thiệt hại của
các tổ chức, cá nhân trong khu vực dự án.

Chi nhánh Sông Đà 11.5 đang thi
công vị trí 318 thuộc xã Tân Hải, Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Mai
Phương/BNEWS/TTXVN
"Các thiệt hại cho dù là nhỏ nhất,
CPMB cũng báo cáo, kiến nghị để xuất với địa phương để giải quyết thấu tình, đạt
lý cho từng cá nhân, hộ gia đình theo đúng chính sách, quy định về bồi thường
giải phóng mặt bằng của UBND tỉnh”, ông Tuyển nói.
Cùng với đó, “Ban phối hợp với Hội đồng
bồi thường , Trung tâm phát triển quỹ đất các quận/huyện thành lập Tổ công tác
đặc biệt hỗ trợ thi công, giải thích các chính sách đền bù của địa phương, vừa
vận động nhân dân sớm đồng thuận với phương án bồi thường được duyệt. Trong những
trường hợp cần thiết sẽ hỗ trợ lực lượng để đơn vị thi công đào móng, dựng cột,
kéo dây đúng tiến độ”. Phó Phòng đền bù CPMB, ông Lê Đức Ngọc chia sẻ.
Ngoài ra, CPMB và đơn vị thi công
còn cùng tham gia với các tổ chức đoàn thể các cấp huyện, xã phối hợp với Trung
tâm phát triển quỹ đất, UBND các xã đến từng hộ gia đình để giải thích, vận động
bà con hiểu và chấp hành chính sách của Nhà nước, cũng như lắng nghe tâm tư
nguyện vọng của từng hộ dân để đề xuất cấp trên giải quyết kịp thời.
Trên thực tế, có những thửa đất bị ảnh
hưởng khi kê kiểm hiện trạng nằm trên khu vực đường đất, nhưng đến khi xét nguồn
gốc đất để lập phương án đã được thảm nhựa, Tổ công tác đã lắng nghe và nhanh
chóng đề xuất UBND huyện/tỉnh xem xét, tính toán bồi thường cho hộ dân, theo
hình thức có lợi nhất cho dân và đúng quy định. Việc này, được UBND tỉnh thống
nhất và UBND huyện đã phê duyệt để chi trả tiền cho các hộ dân. Ông Lê Đức Ngọc
cho hay.
Ngay cả những vị trí rất khó khăn, hộ
dân đề nghị bồi thường theo yêu cầu chủ quan của gia đình (giá tự đặt ra),
không tuân thủ theo bất kỳ một cơ sở pháp lý hay hướng dẫn cụ thể nào. Sau nhiều
lần vận động vẫn không có kết quả, UBND huyện cũng phải áp dụng các biện pháp
hành chính để thi công theo quy định của Nhà nước.
Tuy nhiên, CPMB, Trung tâm phát triển
quỹ đất huyện và UBND xã liên quan vẫn ngày đêm bám sát, giải thích cặn kẽ nhiều
lần cho từng thành viên trong gia đình. Có những vị trí, hộ dân, Tổ công tác phải
gặp gỡ, vận động hơn chục lần mới có kết quả. Ông Ngọc cho biết thêm.
Với một số trường hợp đặc biệt, Ban
Quản lý dự án báo cáo đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVNNPT các vướng mắc để EVN làm việc với Bộ
Công Thương, Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ
đạo, hỗ trợ chủ đầu tư trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng theo đúng các
quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Đức Tuyển cho biết, ngay
từ khi dự án được duyệt, CPMB đã phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai thông
báo quy hoạch để gắn liền trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản
lý tuyến đã được thỏa thuận trong giai đoạn cắm mốc.
Hay mời chính quyền tham gia để quay
phim, chụp hình hiện trạng trong phạm vi dự án để làm cơ sở cho việc bồi thường
giải phóng mặt bằng sau này. Từ đó, tránh tình trạng xây dựng nhà cửa trong
vùng dự án để trục lợi.
Bên cạnh đó, Ban tiền phương cũng
như cán bộ đền bù phải đi sâu sát tìm hiểu phong tục tập quán của từng địa
phương, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng hộ dân để có biện pháp vận động, giải
thích cụ thể đến từng hộ dân.

Công nhân hoàn thiện các công việc
cuối cùng. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN
Một trong những kinh nghiệm đã được
CPMB áp dụng thành công trong các dự án là công tác kê kiểm lập phương án bồi
thường phải chính xác, tính đúng, tính đủ; phải minh bạch, niêm yết công khai tại
thôn, xã để các hộ dân tự kiểm tra đối chiếu. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với
chính quyền địa phương giải quyết các ý kiến của dân trên tinh thần nắm vững về
pháp luật.
Mặt khác, cùng UBND, Hội đồng bồi
thường các huyện, thị xã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, các Sở ban ngành một số
chủ trương như mức hỗ trợ đất bị ảnh hưởng, đơn giá bồi thường hỗ trợ các loại
tài sản, cây trồng có giá trị cho phù hợp với giá trị thực tế.
Đối với các đoạn tuyến gặp vướng mắc
do các hộ dân xây nhà trên các vị trí móng và mặt bằng trạm biến áp, CPMB chủ động
làm việc với UBND các huyện, thị xã, phối hợp với đơn vị Tư vấn thiết kế đưa ra
biện pháp xử lý, sau đó thành lập Tổ công tác đi kê kiểm hiện trạng thực tế.
Sau khi hoàn thiện các thủ tục liên
quan, Ban Quản lý dự án mới đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo cương quyết
xử lý các trường hợp xây nhà không đúng với quy định.
Ban cũng thường xuyên bám sát, báo
cáo chính quyền cơ sở như thôn, ấp, UBND các xã có dự án đi qua để chủ động hơn
trong việc phối hợp xử lý các vướng mắc phát sinh trong suốt quá trình nhà thầu
thi công kéo dây.
Hay tranh thủ gặp gỡ trao đổi, giao
lưu, vận động thuyết phục nhân dân trong những thời gian nghỉ ngơi, rảnh rỗi để
hộ dân có thời gian suy nghĩ nghiên cứu lại chính sách bồi thường và đưa ra ý
kiến tích cực hơn.
Một kinh nghiệm nữa cũng được CPMB
áp dụng là chủ động phối hợp với tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công xử lý những
vị trí móng đặt chưa phù hợp hoặc khó khăn về bồi thường để từ đó có phương án
thi công hợp lý và hiệu quả nhất.

Đường dây 220kV Phan Thiết-Phú Mỹ
2. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN
Để đẩy nhanh công tác bồi thường giải
phóng mặt bằng các dự án lưới điện truyền tải, trước hết, EVNNPT kiến nghị Chính phủ có văn bản quy định
tiến độ từng bước thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các
dự án lưới điện trọng điểm cho các tỉnh để các chủ đầu tư và các cấp chính quyền
chủ động thực hiện tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng.
Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ
ngành liên quan cũng cần xem xét lại các nội dung như mức hỗ trợ đất nông nghiệp
trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất bị hạn chế khả năng sử dụng trong hành
lang tuyến tại Nghị định 14/2014/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, bổ sung vào các quy định
của Nhà nước hoặc có các biện pháp chế tài khi thực hiện công tác đền bù phục vụ
thi công vì đây là dạng đặc thù, không nằm trong các quy định của Chính phủ, địa
phương, gây khó khăn cho Nhà thầu trong quá trình thi công và ảnh hưởng đến
công tác điều hành tiến độ chung của dự án.
Đồng thời các địa phương cần ưu
tiên, tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục công tác quy hoạch sử dụng đất cho các
công trình lưới điện; quan tâm tạo quỹ đất, đẩy nhanh công tác thẩm tra, phê
duyệt quy hoạch sử dụng đất hàng năm của các tỉnh và sớm cho phép việc chuyển đổi
mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng đối với các dự án lưới điện trong Tổng sơ đồ
Quy hoạch điện đã được Chính phủ phê duyệt.
Đối với UBND cấp huyện, xã kịp thời
chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai tại địa phương,
tránh trường hợp dân tự ý xây dựng trong mặt bằng trạm biến áp, tuyến đường dây
được UBND tỉnh chấp thuận địa điểm, hướng tuyến gây khó khăn trong công tác giải
phóng mặt bằng.
Về vấn đề này, theo ông Châu Anh Tuấn,
Trưởng Ban Quản lý xây dựng EVNNPT,
các cấp chính quyền cần tăng cường quản lý, không để người dân tự ý sử dụng đất
sai mục đích và phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý lỏng lẻo, dẫn đến việc
người dân sử dụng sai mục đích sử dụng đất tại địa phương.
EVNNPT cũng kiến nghị khi để xảy ra chậm tiến độ giải phóng mặt bằng
các dự án lưới điện trong Tổng sơ đồ Quy hoạch điện đã được Chính phủ phê duyệt
thì giao nhiệm vụ trực tiếp cho Chủ tịch UBND các tỉnh bổ sung quy định liên
quan đến trách nhiệm và tổ chức thực hiện việc bồi thường phục vụ thi công để
các địa phương có cơ sở thực hiện./.