Để truyền tải công suất của Nhà máy nhiệt
điện Duyên Hải 3 (theo dự kiến sẽ vận hành, phát điện từ đầu năm 2016), góp phần
đảm bảo điện cho miền Nam giai đoạn 2016 - 2020, hiện nay, các dự án lưới điện
500/220kV đồng bộ với Trung tâm điện lực Duyên Hải cũng đang được Ban Quản lý dự
án các công trình điện miền Nam - SPMB (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia -
EVNNPT) đẩy nhanh tiến độ, theo kế hoạch
sẽ phải hoàn thành trong năm 2015 này. Tuy nhiên, khó khăn trong công tác giải
phóng mặt bằng (GPMB) đang khiến các nhà thầu, đơn vị thi công các dự án này gặp
rất nhiều khó khăn. Gỡ nút thắt GPMB các công trình truyền tải điện cấp bách cấp
điện miền Nam đang là vấn đề tiên quyết đặt ra.
Theo ông Đoàn Tấn Phong - Giám đốc Ban Quản
lý dự án các công trình điện miền Nam, ngoài 2 dự án Đường dây 500kV Duyên Hải
- Mỹ Tho và Trạm biến áp 500kV Mỹ Tho có tiến độ đồng bộ với Nhà máy nhiệt điện
Duyên Hải III (tổ máy 1), còn 2 dự án truyền tải điện giải tỏa công suất cho Trạm
biến áp 500kV Cầu Bông, cấp điện miền Nam cũng đang phải gấp rút hoàn thành
trong năm nay, đó là dự án Đường dây 220kV Cầu Bông - Đức Hòa và Đường dây
220kV Cầu Bông - Hoóc Môn - rẽ Bình Tân. Hiện nay, chỉ có Trạm biến áp 500kV Mỹ
Tho là hoàn thành xong công tác GPMB và đang kiểm soát được tiến độ. Các dự án
còn lại đều đang gặp rất nhiều khó khăn trong khâu đền bù GPMB. “Thực tế không
dám xin lùi tiến độ nhưng phải nói là hết sức khó khăn, rất khó, bởi vì phương
án đền bù đến giờ đã có đâu” - ông Đoàn Tấn Phong cho biết.
Chỉ tính riêng với dự án Đường dây 500kV Duyên Hải - Mỹ Tho có
tổng chiều dài 113km, gồm 241 vị trí cột, đi qua địa bàn 11 huyện, thị xã thuộc 4 tỉnh miền Tây Nam Bộ là Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang
hiện còn 01 vị trí móng vẫn
chưa bàn giao được mặt bằng thi công do các hộ dân không nhận tiền bồi thường,
khiếu nại đơn giá bồi thường. 62/241 vị trí móng khác thuộc các huyện Vũng Liêm, Măng Thít của tỉnh Vĩnh Long
chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường. Phần hành lang tuyến cũng mới chỉ GPMB
được khoảng 75%. Hiện vẫn còn 1.264/3.700 hộ có nhà trong hành lang tuyến (các
hộ này thuộc các huyện Vũng Liêm, Măng Thít của tỉnh Vĩnh Long) cũng chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hiện
đang áp giá, niêm yết trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại vị trí móng cột 197 thuộc xã Ngũ Hiệp,
huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, theo các hộ dân, mỗi gốc cây sầu riêng trên 10
năm tuổi cho giá trị kinh tế hơn 10 triệu đồng/vụ, trong khi chính quyền địa
phương chỉ áp giá đền bù 2 triệu đồng/cây nên người dân không chấp thuận. Đội
trưởng Đội thi công Công ty Xây lắp điện 2 Nguyễn Đức Thịnh cho biết: “Tỉnh đã
thẩm định giá và thấy giá của địa phương, của huyện lập ra là đúng và đã tiếp
xúc dân vài ba lần và vận động để dân nhận tiền nhưng người ta không nhận mà muốn
được đền bù hoàn toàn. Để thi công được phần móng trụ này, đơn vị đã phải thỏa
thuận hỗ trợ thêm 487 triệu đồng cho 3 hộ dân ngoài phần tiền đền bù của nhà nước
do khu vực này chủ yếu người dân trồng cây sầu riêng cho giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, đối với vị trí móng 196, người dân đòi đền bù quá lớn, lên tới hơn
700 triệu nên đơn vị thi công không thể đáp ứng yêu cầu này.
Theo ông Hồ Phi Minh - Phó Tổng giám đốc
Công ty Xây lắp điện 4, gói thầu của công ty thi công trên tuyến đường dây này
dài hơn 25km, với 51 vị trí cột móng thì chỉ còn 1 vị trí cột móng người dân
không chấp thuận phương án đền bù đã kéo theo tiến độ của dự án bị trùng lại.
Có rất nhiều khó khăn, trong đó, GPMB là vấn đề khó khăn nhất. Luật đất đai sửa
đổi năm 2013 thì tháng 7 năm ngoái mới có hiệu lực. Sau đó, các tỉnh mới triển
khai lập đơn giá cho các hạng mục đất, cây cối hoa màu... cho nên bị trễ. “Và
UBND tỉnh lập lại phải thông qua HĐND tỉnh, mà HĐND họp thì nó cũng phải có kỳ
cho nên nó không thể kịp thời được. Cho đến lúc này thì phương án đền bù của tỉnh
Trà Vinh thì có rồi, đã chi trả tiền, nhưng nhiều khoảng néo dân cũng vẫn chưa
nhận hết tiền. Còn tại huyện Vũ Liêm, tỉnh Vĩnh Long hiện nay hoàn toàn vướng về
hành lang. Hành lang chưa có bất cứ một phương án nào cả cho nên đơn vị thi
công chưa thể đốn hạ cây cối. Đặc biệt, đối với nhà ở trong đường dây 500kV là
phải giải tỏa trắng về nhà cửa, mà giải tỏa nhà cũng hết sức khó khăn, nó liên
quan cả đến yếu tố tâm linh của gia đình...” - ông Hồ Phi Minh nói.
Có lẽ, gói thầu số 6 là một trong số ít
gói thầu có thuận lợi hơn cả trong công tác GPMB trên tuyến đường dây 500kV
Duyên Hải - Mỹ Tho. Ông Ngô Văn Cường - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Xây dựng
điện Việt Nam (VNECO) - Chỉ huy trưởng trên công trường gói thầu số 6 cho biết,
đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB của hơn 30 km đường dây và 60 vị trí móng cột.
Hiện nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu bàn giao cho chủ đầu tư toàn bộ
gói thầu vào ngày 15/11/2015. Về kinh nghiệm trong công tác GPMB, ông Ngô Văn
Cường cho biết, mặc dù là đoạn tuyến ban đầu được cho là rất khó khăn trong
công tác GPMB, nhưng nhờ có sự vào cuộc của chính quyền địa phương nên đã được
người dân đồng tình ủng hộ. “Khó khăn chính ở đây cũng vẫn là đền bù và đặc biệt
là bà con dân tộc thiểu số, đồng bào Khơ Me không hiểu sâu về lợi ích cũng như
sự vận hành của nhà máy điện và đường dây, nhưng nhờ chính quyền địa phương rất
nhiệt tình và tốt, lại rất có uy tín với đồng bào, bà con ở đây cho nên việc đền
bù GPMB hoàn toàn theo chế độ chính sách của Nhà nước và chính quyền địa
phương. Các đồng chí thậm chí như Phó Chủ tịch huyện, Trưởng ban bồi thường GPMB
cũng thường xuyên lội tuyến, lội ruộng cùng với chúng tôi để vận động bà con
cho nên tình trạng hỗ trợ thêm ngoài chính sách là gần như không xảy ra trên
cung đoạn này” - ông Ngô Văn Cường chia sẻ.
Hiện nay, trong 5 nhà thầu thi công trên tuyến, các gói thầu của Tổng công
ty CP Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) và Công
ty CP Sông Đà 11 có khả năng đảm bảo tiến độ. Các gói thầu của Công ty TNHH MTV
Xây lắp điện 2, Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4 và Công ty CP Xây lắp điện 1 đều
bị vướng GPMB. Nút thắt lớn nhất
trong công tác GPMB hiện nay vẫn chủ yếu là do người dân không đồng ý với
phương án giá đền bù giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương. Để triển
khai được, nhà thầu thi công phải “thỏa thuận hỗ trợ thêm” với từng hộ dân. Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sông Đà 11 cho
biết, “tại vị trí số 34 của Đường dây 220kV Cầu Bông - Đức Hòa, công ty đang sở
hữu 2 sổ đỏ bởi phải mua đứt mảnh đất này của dân đơn vị mới thi công được”. Về
kinh nghiệm trong công tác GPMB các công trình do đơn vị thi công thời gian qua,
ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: “quan trọng nhất là phải có sự phối hợp rất chặt chẽ
giữa Hội đồng đền bù GPMB của huyện với Chủ đầu tư cũng như Đơn vị thi công. Vì
thực ra cơ chế chính sách của ta hiện nay về giá đền bù cũng chưa thực sự đáp ứng
được yêu cầu của người dân. Ví dụ như cùng một mặt bằng này, những vị trí ở ruộng
thì bình thường thôi nhưng đối với những vị trí ở mặt đường thì rất là khó
khăn. Do đó, nhà thầu có thể cũng phải phối hợp với dân như thế nào để có
phương án hỗ trợ cho nó phù hợp, tránh việc bức xúc của người dân”.
Xác định tầm quan trọng của các dự án truyền tải điện đồng bộ
với Trung tâm điện lực Duyên Hải đối với cấp điện miền Nam thuộc diện cấp bách,
“chậm 1 ngày là thiệt hại rất lớn”, ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công
ty Truyền tải điện quốc gia khẳng định, sẽ tích cực làm
việc với chính quyền địa phương và nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ công trình. “Đối
với GPMB thì hiện nay chính quyền các tỉnh, các huyện cũng rất nhiệt tình giúp
đỡ EVNNPT. Tuy nhiên, hiện nay vẫn
còn một số khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách và đặc biệt là một số hộ dân
còn chưa chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước cũng như của các Hội đồng bồi
thường GPMB. Trong thời gian tới EVNNPT
sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, các huyện có đường
dây đi qua để tập trung chỉ đạo hoàn thành dự án theo đúng tiến độ, kịp hoàn
thành trước khi Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 phát điện” - ông Đặng Phan Tường nhấn mạnh./.