Hành trình về nguồn của Đoàn thanh niên PTC4 nhân kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất và 131 năm ngày quốc tế lao động

Thứ tư, 26/4/2017 | 10:15 GMT+7
Tháng 4 về, những âm thanh vang dội của những giai thoại lịch sử như tràn về đâu đó, khép lòng mình yên tĩnh để lắng nghe những nhịp đập khao khát âm vang của hai tiếng vọng “Hòa bình”. Có thể nói giữa nhịp sống hối hả của thành phố, giữa những bộn bề lo toan trong cuộc sống thường ngày, có ai đó từng dừng lại để lắng nghe, có ai đó từng dừng lại để hồi tưởng về những trang sử hào hùng hay những đau thương của một dân tộc đói nghèo đã gồng mình trong công cuộc đấu tranh gìn giữ đất nước, bảo vệ đất nước. 
 

Hành trình tìm về những trang sử vàng của Đoàn thanh niên Công ty Truyền tải điện 4 do Chi đoàn cơ quan Công ty phát động, phối hợp cùng các chi đoàn Xưởng Bảo trì Thí nghiệm điện và chi đoàn Truyền tải điện Thành phố Hồ Chí Minh vào một ngày nắng chói chang giữa tiết trời tháng tư, ngày 21/4/2017, nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, nhắc mình tưởng nhớ đến công lao to lớn của cha ông ta đã hi sinh qua bao thế hệ. Từ hình ảnh đất nước Việt Nam chìm trong ách nô lệ, sự tàn ác của thực dân, đế quốc xâm lược, những mất mát của quân và dân ta phải chịu, những dư âm tàn khốc của chiến tranh là người mẹ mất con, người vợ mất chồng, nỗi ám ảnh chết chóc về chất độc màu da người Dioxin hủy diệt thiên nhiên, hủy diệt trên từng tế bào cây cỏ, giết chết biết bao người con của đất Việt và gây hệ lụy nặng nề cho cả thế hệ theo năm tháng,... đến hình ảnh người chiến sĩ bé nhỏ chiến đấu bất khuất, hiên ngang không khuất phục quân thù, những giai thoại anh hùng đã làm nên lịch sử, những thắng lợi vẻ vang, oai hùng của dân tộc được đánh đổi bằng máu xương, bằng da thịt của đồng bào qua nhiều thế hệ chỉ với mục đích để đổi lại sự độc lập, sự tự do cho dân tộc.

Phải nói giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh không khó để bắt gặp các bảo tàng di tích lịch sử, đi suốt các con đường dọc trong thành phố có biết bao bảo tàng như “Bảo tàng Tôn Đức Thắng”, “Bảo tàng chiến tranh Thành phố Hồ Chí Minh”,… Và ngày 21/4, Đoàn thanh niên Công ty Truyền tải điện 4 chọn cho mình hai địa điểm dừng chân đó là “Bảo tàng chứng tích chiến tranh” và “Dinh Độc lập” để cùng ôn lại những giai đoạn lịch sử, nhắc mình những truyền thống hào hùng của dân tộc để nâng cao tinh thần yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời đây là hoạt động của Chi đoàn kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2017 và Quốc tế lao động 1/5/1886 - 1/5/2017.

PTC430415_270417_1.JPG
Tham quan  Bảo tàng chứng tích chiến tranh.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, bom đạn khói lửa không còn nữa nhưng khi tìm về với ký ức của đất nước về một thời khói lửa, có những cảm xúc khó tả thành lời. Tham quan bảo tàng, được nghe về những giai đoạn, những điểm mốc trong cuộc chiến tranh lịch sử 22 năm chống Mỹ cứu nước, các đoàn viên như được tận mắt chứng kiến 22 năm tàn khốc và đau thương của nhân dân ta nói chung và những người cộng sản nói riêng. Được tìm hiểu thêm về đời sống của người tù Côn Đảo thông qua mô hình nhà tù Chuồng cọp thu nhỏ ở bảo tàng. Những bức tranh ảnh được lưu giữ là bằng chứng sống động nhất tố cáo tội ác của kẻ thù, đồng thời là bức tranh chân thật nhất về đời sống cơ cực của nhân dân ta lúc bấy giờ. Những màn tra tấn dã man, hình ảnh cầm tù, cảnh tan tác nhà cửa, ruộng đồng, cảnh chết chóc đau thương đến rợn người. Thử hỏi những con người nhỏ bé, gan góc ấy sao lại có được những sức mạnh phi thường để chịu đựng những đòn roi, tra tấn ghê rợn đến vậy? Phải chăng đó chính là lòng yêu nước, yêu hòa bình, khát khao một bầu trời độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc,… Không gian và thời gian như đọng lại từng giây, từng phút, đâu đó sự đau thương, mất mát như tồn tại chính trong mỗi người đoàn viên. Bỗng dấy lên mình trong mỗi người sự khát khao yêu quê hương đất nước, yêu những con người gan dạ, gan trường, giàu lòng dũng cảm,…

“Có những phút làm nên lịch sử

Có cái chết hóa thành bất tử

Có những lời hơn mọi bài ca

Có con người như chân lý sinh ra”

(“Hãy nhớ lấy lời tôi” - Thơ Tố Hữu)

Cám ơn những người lính Cộng sản, những người anh hùng của dân tộc, cám ơn những hi sinh bằng máu bằng xương thật sự để cho chúng ta có được sự độc lập ngày hôm nay. Cám ơn những chủ trương và đường lối của Đảng Cộng Sản và tấm gương vĩ đại bác Hồ Chí Minh, có phải khi sinh ra trong gian khổ con người ta lại càng có ý chí gan trường và nghị lực thép.

PTC430415_270417_2.JPG
Tham quan các tư liệu hình ảnh lịch sử tại Bảo tàng và nghe thuyết minh về cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ

Rời bảo tàng, Đoàn di chuyển về “Dinh độc lập”, lấy lại cân bằng sau những phút giây lắng đọng hồi tưởng về những năm tháng chiến đấu trường kỳ gian khổ của nhân dân ta. Có một khí thế hào hùng, sôi nổi vang dội  lan tỏa đâu đó khi nhớ đến “Chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” ngày 30/4/1975, một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Hình ảnh xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh độc lập, hình ảnh bác Bùi Quang Thận chạy xộc vào Dinh cắm Quốc kỳ lên nóc Dinh như lời tuyên bố giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà. Bỗng thấy tự hào quá vì được làm người con của đất Việt, một đất nước nhỏ bé nhưng vô cùng can trường và hùng anh.

PTC430415_270417_3.JPG
Ttham quan Dinh độc lập

Kết thúc chuyến đi, cái nóng gay gắt vẫn chưa dịu lại, song trong lòng mỗi bạn đoàn viên còn đọng lại biết bao lưu luyến. Đây thật sự là một chuyến đi hết sức ý nghĩa để tôi luyện lòng yêu nước, nhắc nhở bản thân mỗi người có ý chí vươn lên “Sống và làm việc, học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Và nhất là khi mang danh hiệu là một người lính truyền tải, mỗi đoàn viên như tự nhủ với chính mình phải phấn đấu hơn nữa trong công tác, trong lao động, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Mỗi người có ý thức trách nhiệm hơn trong công cuộc xây dựng hình ảnh người lính truyền tải, góp phần thúc đẩy sự phát triển và vươn xa của ngành điện./.​

Võ Thị Ngọc Nga - Chi đoàn cơ quan PTC4