Công tác tài chính Công đoàn: Những khó khăn trong tình hình mới

Thứ tư, 19/6/2013 | 10:00 GMT+7
    Tài chính công đoàn là một khâu quan trọng nhằm đảm bảo mọi mặt hoạt động của công tác công đoàn. Thực vậy! Bởi hầu hết các hoạt động của xã hội, của các đơn vị, doanh nghiệp hay của con người nói chung và của tổ chức Công đoàn nói riêng thì cũng đều cần đến nguồn tài chính. ​  

Luật Công đoàn năm 2012 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 (thay thế cho Luật Công đoàn năm 1990). Theo đó, bảo đảm về tài chính công đoàn là một nội dung quan trọng trong Chương IV của Luật này. Vấn đề tài chính công đoàn được Luật Công đoàn 1990 quy định mang tính nguyên tắc, không quy định cụ thể mà giao cho Chính phủ, Bộ, ngành quy định dưới hình thức Nghị định và Thông tư nên giá trị pháp lý và hiệu lực không cao, làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của công đoàn trong quá trình tổ chức thực hiện các quyền, trách nhiệm theo Luật định; đặc biệt là những bất cập liên quan đến đối tượng đóng kinh phí công đoàn thiếu bình đẳng, mức đóng, nền đóng chưa thống nhất. Nhằm giải quyết bất cập trên, Luật Công đoàn 2012 đã quy định tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế không phân biệt nơi đã thành lập hay chưa thành lập công đoàn, đều phải có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% tính trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nhằm bảo đảm nguyên tắc quản lý tài chính công đoàn, tính minh bạch và tăng cường công tác quản lý tài chính của Công đoàn vừa theo pháp luật, vừa bảo đảm tính độc lập của Công đoàn, Luật xác định rõ các nội dung chi và quy định Công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng và kiểm tra tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.

 

Tuy nhiên, đối với các đơn vị, doanh nghiệp mà tổng quỹ tiền lương thực hiện lớn hơn so với quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì việc thay đổi này đã làm cho nguồn ngân sách Công đoàn bị giảm đi đáng kể (khoảng 60-70%). Vì vậy, đây là một bài toán khó về công tác tài chính đối với Công đoàn các đơn vị, doanh nghiệp này nói chung và đối với Công đoàn Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia nói riêng. Khó khăn hơn nữa phải kể đến đó là Công đoàn Tổng công ty mới thành lập được 5 năm, chưa có nguồn ngân sách công đoàn tích luỹ; các đơn vị trong Tổng công ty lại phân bố rải rác khắp các tỉnh thành trong cả nước nên bất cứ các hoạt động tập trung nào cũng tốn kém rất nhiều.

 

Với nguồn thu bị giảm đi nhiều như vậy nhưng vẫn phải đảm bảo duy trì được mọi mặt hoạt động của Công đoàn, vẫn làm tốt ba chức năng cơ bản của tổ chức Công đoàn là: Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ; tuyên truyền, giáo dục, động viên CNVCLĐ; sát cánh cùng chuyên môn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đây là một bài toán đặt ra đối với Công đoàn Tổng công ty.

 

Xác định như vậy, nên ngay từ khi Luật Công đoàn 2012 được ban hành, Công đoàn Tổng công ty đã chú trọng đến vấn đề tài chính, tăng cường công tác kiểm tra tài chính công đoàn các cấp, đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời, chi đúng quy định; đã cân nhắc để tiết kiệm hơn nữa các khoản chi cho hoạt động mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Nội dung chi cũng chủ yếu tập trung cho việc tổ chức phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất; thăm hỏi động viên CNVCLĐ trên các công trình trọng điểm hay tại vùng sâu vùng xa có nhiều khó khăn; tổ chức các hoạt động thiết thực thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các hoạt động khác nhằm nâng cao tinh thần người lao động, động viên CNVCLĐ hăng hái hơn nữa nhằm góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

 

Anh kiem tra tai chinh Cong doan.jpg

                                           Kiểm tra công tác tài chính công đoàn tại Công đoàn cơ sở 

 

Với những đóng góp tích cực, hiệu quả, thực sự đi sâu đi sát cùng chuyên môn trong hoạt động sản xuất, Công đoàn Tổng công ty bước đầu đã được chuyên môn công nhận, đánh giá cao và có những chia sẻ khó khăn về tài chính. Các đồng chí lãnh đạo Tổng công ty và lãnh đạo các đơn vị luôn quan tâm, phối hợp tốt với tổ chức Công đoàn, luôn tạo điều kiện và có những hỗ trợ tích cực cho hoạt động của tổ chức Công đoàn như: Chăm lo về cơ sở vật chất, chỗ làm việc cho Công đoàn; hỗ trợ một số các khoản chi mua vé máy bay, công tác phí cho cán bộ công đoàn; hỗ trợ kinh phí tổ chức các sự kiện lớn như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và đặc biệt là tổ chức phát động các phong trào thi đua…

 

Với những hỗ trợ và chia sẻ to lớn như vậy, Công đoàn Tổng công ty vẫn luôn vững tin và tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò chức năng của mình. Với những việc làm thiết thực, những hành động cụ thể, tin tưởng rằng trong thời gian tới Công đoàn Tổng công ty sẽ tiếp tục được Đảng uỷ, lãnh đạo các cấp quan tâm, tạo điều kiện, được CNVCLĐ tin cậy là tổ chức đại diện xứng đáng cho quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong toàn Tổng công ty.

 

Nguyễn Thanh Thu - Kế toán Công đoàn NPT