Mục tiêu chính của cuộc họp là trao đổi, thu thập các thông tin phản hồi từ phía các đối tác của AFD về các vấn đề liên quan tới các hoạt động của AFD tại Việt Nam.
Cuộc họp đã diễn ra dưới sự chủ trì của PTGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam – ông Đinh Quang Tri. Các vấn đề dưới đây đã được hai bên trao đổi hết sức cởi mở và thẳng thắn:
1. Khả năng lắng nghe, sự sẵn sàng phối hợp xử lý các công tác liên quan của AFD Việt Nam với EVN, EVNNPT, HPMB1 trong quá trình triển khai các dự án do AFD tài trợ.
2. Thời gian xử lý các vấn đề phát sinh, sự phản hồi và chất lượng các phản hồi của AFD Việt Nam trong quá trình xử lý các vấn đề phát sinh của các dự án khi EVN, EVNNPT, HPMB1 đề nghị phối hợp giải quyết.
3. Các đề xuất, kiến nghị để dự án có thể triển khai tốt hơn cũng như mở rộng sự hợp tác trong tương lai.
4. Trao đổi về phương án sử dụng phần vốn dư của AFD trong dự án đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Mỹ Phước-Cầu Bông - công trình năng lượng cấp đặc biệt của Việt Nam được AFD đồng tài trợ với ADB.
PTGĐ EVN – ông Đinh Quang Tri làm việc với đại diện Ban Tổng thanh tra AFD
Ông Tri cho biết, AFD là một trong những đối tác quan trọng của EVN, tích cực hỗ trợ EVN trong đầu tư xây dựng hệ thống nguồn, lưới điện và đã có những đóng góp nhất định hỗ trợ phát triển kinh tế của Việt Nam, thông qua tăng cường mạng lưới điện. Ngoài việc tài trợ riêng cho các dự án của EVN, AFD còn đồng tài trợ với một số nhà tài trợ khác Tuy nhiên, xét về tương quan qui mô tài trợ so với một số nhà tài trợ khác như : Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) thì AFD vẫn ở vị trí tương đối khiêm tốn. Đặc biệt, Ông Tri đánh giá cao hình thức cho vay mới mà AFD đã áp dụng đối với một số khoản vay gần đây của EVN. Đó là hình thức cho vay không cần bảo lãnh của Chính phủ mà căn cứ trên cơ sở hợp đồng mua bán điện của EVN. Hình thức này thực sự hiệu quả và thuận lợi cho cả hai phía: rút ngắn đáng kể các thủ tục, giảm thiểu chi phí do chủ đầu tư không phải trả phí bảo lãnh, được Chính phủ Việt Nam ủng hộ do doanh nghiệp tự vay, tự trả không ảnh hưởng đến nợ công của Chính phủ. Hơn nữa, hình thức này đồng thời cũng thể hiện vị thế của EVN, chứng tỏ EVN có đủ năng lực tự thu xếp vốn trên thị trường thế giới. Theo đó, uy tín của EVN cũng được nâng cao, niềm tin của các nhà tài trợ, các doanh nghiệp Sau khi AFD tiên phong đi đầu áp dụng hình thức cho vay không cần bảo lãnh, một số ngân hàng, nhà tài trợ khác cũng bắt đầu xem xét, cân nhắc cho vay dưới hình thức cho vay mới này.
Đại diện EVN/EVNNPT trao đổi về các vấn đề liên quan đến ĐZ 500kV Pleiku – Mỹ Mỹ Phước-Cầu Bông
Bên cạnh đó, Ông Tri cũng thông báo mới đây, WB đã có sáng kiến đưa ra hình thức cho vay Hỗ trợ phát triển chính sách (DPL). Tức là khoản cho vay với điều kiện Chính phủ Việt Nam phải thực hiện một số chính sách có liên quan đến ngành điện như : thành lập các Tổng công ty phát điện. Dưới hình thức này, toàn bộ số tiền cho vay sẽ được chuyển vào tài khoản của Bộ Tài chính Việt Nam. Toàn bộ số tiền này được sử dụng cho các dự án điện cấp bách do EVN đề xuất và Bộ Công thương phê duyệt. Công tác đấu thầu được áp dụng theo Luật đấu thầu của Việt Nam, WB không can thiệp vào quá trình thực hiện. WB giám sát kết quả thực hiện của dự án thông qua các Báo cáo tài chính đã kiểm toán hàng năm. Hình thức này được cả WB và EVN đánh giá rất hiệu quả. Các dự án vay vốn theo hình thức này được triển khai rất nhanh. Đến nay EVN đã ký kết 02 khoản vay gồm DPL 1 tương đương 314 triệu USD, giải ngân được 99%; DPL2 tương đương 200 triệu USD, giải ngân được 40%. EVN dự kiến tiếp tục đàm phán khoản vay DPL3 khoảng 300 triệu USD trong tháng 5/2014. Tương tự như hình thức cho vay không cần bảo lãnh của Chính phủ của AFD, hình thức vay phát triển chính sách của WB cũng đang được ADB và JICA nghiên cứu. Ông Tri cũng đề xuất AFD xem xét triển khai hình thức này trong các khoản vay sắp tới của EVN.
Một số vấn đề liên quan đến các thủ tục đấu thầu, giải ngân và phương án sử dụng phần vốn dư của dự án đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Mỹ Phước-Cầu Bông do AFD tài trợ cũng được Ông Tri và đại diện của EVNNPT trao đổi và đề xuất. Theo đó, 02 tiểu dự án được đề xuất bổ sung để tận dụng vốn dư là đường dây 500kV Long Phú – Ô Môn và trạm cắt 500kV Pleiku 2.
Đại diện EVN/EVNNPT trao đổi về các vấn đề liên quan đến
ĐZ 500kV Pleiku – Mỹ Mỹ Phước-Cầu Bông
Kết thúc buổi họp, hai bên ghi nhận những thành tựu hai bên đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc về mặt thủ tục cần điều chỉnh cũng như những đề xuất xem xét các hình thức cho vay mới, cam kết cùng nỗ lực cải thiện và tăng cường quan hệ hợp tác trong tương lai.