Mặt bằng cho các công trình lưới điện

Thứ ba, 9/7/2013 | 10:00 GMT+7
  Hiện nay, việc sớm đưa vào hoạt động các công trình lưới điện gồm các đường dây (ÐZ), trạm biến áp (TBA) 500kV và 220kV tại khu vực phía nam đang trở nên bức thiết. Sự cố đường dây 500kV nghiêm trọng tại Bình Dương cuối tháng 5 vừa qua càng cho thấy tính cấp bách của việc sớm đưa các công trình này vào vận hành, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ phát triển thêm các công trình nguồn điện tại chỗ nhằm tăng tính ổn định, an toàn cho hệ thống điện phía nam. ​  
 
a-t4.jpg
 
 
Tuy nhiên, rất nhiều ÐZ bị chậm tiến độ từ vài tháng đến cả năm do đặc thù công trình với hàng trăm vị trí cột đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, mức giá đền bù... Trong khi đó, các địa phương không thể bàn giao mặt bằng đúng hạn cho chủ đầu tư để thi công.
 
Ðiển hình nhất là ÐZ 500kV Plây Cu-Mỹ Phước-Cầu Bông dài hơn 437 km có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc cấp điện ổn định cho khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, dự kiến cuối năm nay phải đóng điện vận hành nhưng đến nay mặt bằng vị trí cột chưa được bàn giao đủ. Việc này khiến chủ đầu tư và các nhà thầu dù có đủ vốn, vật tư, thiết bị, nhân lực vẫn phải thi công cầm chừng, chờ mặt bằng. Có tình trạng nhiều địa phương không "mặn mà" đối với việc giải phóng mặt bằng (GPMB) các công trình lưới điện 220-500kV đóng trên hoặc đi qua địa bàn vì cho rằng "không mang lợi trực tiếp" cho địa phương. Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền nam còn khẳng định, có những công trình đã ký dự án vay vốn tổ chức tài chính quốc tế nhưng do vướng khâu GPMB làm ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn, thậm chí ảnh hưởng cả việc đàm phán vay vốn các dự án lưới điện khác.
 
Trước tình hình trên, chủ đầu tư và các nhà thầu cũng nỗ lực thi công cơ bản các vị trí cột, tích cực phối hợp các địa phương đốc thúc công tác GPMB. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ GPMB không thể khoán trắng cho chủ đầu tư hay các nhà thầu mà điều này phụ thuộc phần lớn chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành chức năng các địa phương có công trình đi qua. Thực tế, địa phương nào quyết liệt vào cuộc như một số tỉnh miền Tây Nam Bộ thì nơi đó mặt bằng được bàn giao sớm và góp phần đưa công trình vận hành đúng tiến độ. Công trình ÐZ 500kV Sơn La-Hiệp Hòa cũng phải có sự vào cuộc quyết liệt từ lãnh đạo Chính phủ tới các bộ, ngành mới bảo đảm vận hành kịp thời truyền tải công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La vào hệ thống điện quốc gia. Các địa phương cũng cần nhận thức rằng, chăm lo cho các công trình lưới điện quốc gia, xét cho cùng cũng là trách nhiệm chung và địa phương cũng được hưởng lợi nếu công trình đi vào vận hành.
 
Quá trình thực hiện công tác GPMB cần thực hiện minh bạch, dân chủ, công khai, đúng pháp luật. Ðịa phương và chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ, lắng nghe ý kiến của người dân, vận dụng linh hoạt các chế độ, chính sách của Nhà nước để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân nằm trong phạm vi dự án, nhất là tập trung xử lý các trường hợp tồn đọng về GPMB. Tuy nhiên, đối với những trường hợp mặc dù đã được vận động, giải thích đầy đủ nhưng vẫn cố tình "chây ỳ", thậm chí chống đối, cản trở quá trình thi công thì chính quyền địa phương cần phải có biện pháp cưỡng chế, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Các địa phương có công trình lưới điện đi qua theo tinh thần Quy hoạch điện VII đã được phê duyệt thì cần sớm triển khai, phê duyệt quy hoạch tại địa phương, bố trí mặt bằng cho các công trình này, tránh tình trạng chồng chéo quy hoạch.
 
 

BẢO TÙNG