Nhật ký hành trình về địa danh “Củ Chi – Đất thép, thành đồng”

Thứ sáu, 29/7/2016 | 10:00 GMT+7
​Mỗi năm vào dịp 27/7 đã thành truyền thống, Đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Công ty Truyền tải điện 4 không quên nhắc mình tưởng nhớ đến ngày lễ trọng đại của đất nước - “Ngày Thương binh liệt sĩ Việt Nam” - bằng những hoạt động thiết thực mang nhiều ý nghĩa và thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”. Và năm nay 2016, được sự chấp thuận và hỗ trợ của Công ty và Đoàn Thanh niên Công ty, các bạn ĐVTN Chi đoàn Cơ quan lại khoác lên mình chiếc áo xanh thanh niên thực hiện chuyến đi “Về nguồn”, về vùng “Đất thép, thành đồng” mang tên Củ Chi.
Theo chân các ĐVTN trong sáng ngày 27/7/2016 về vùng đất Thép này, có thể nói Củ Chi là vùng đất đẹp và nổi tiếng trong những năm đánh Mỹ nằm ngay giữa lòng “Tam giác sắt” một thời rền vang bom đạn và là nơi ghi nhớ cho các chiến sỹ đã qua đời, cho các anh hùng chiến thắng. Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược được khởi công xây dựng vào năm 1993 để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp và Mỹ.

Điểm đến đầu tiên là Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược và có lẽ đối với những ai lần đầu đặt chân đến đây sẽ không khỏi cảm giác choáng ngợp khi nhìn những dòng tên của các anh hùng, liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng được khắc kín trên các vách tường trong ngôi đền rộng lớn này. Những cái tên gắn liền với năm sinh, năm hi sinh, quê quán và cả những liệt sĩ chưa rõ danh tính, quê quán, có những anh hùng còn quá trẻ... Sao thương quá, thiết tha, ngậm ngùi quá! Đoàn tiến hành dâng hương, với tràn hoa nhỏ bé thay lời tri ân, những nén hương trầm khói tỏa, cùng tấm lòng biết ơn chân thành và những niềm suy tư lắng đọng riêng trong từng các đoàn viên. Cám ơn các anh, những người cha anh, những người anh hùng của Đất nước, những người Mẹ yêu thương, những người đã nằm xuống, đã hi sinh cho đất nước để dành lấy độc lập tự do cho dân tộc. Thế hệ ĐVTN Công ty Truyền tải điện 4 cảm thấy thật tự hào biết bao về các anh, những con người ưu tú, dũng cảm đã hiến dâng trọn tấm thân mình cho quê hương.

DTNPTC4CuChi_290716_1.jpg

Rời đền Bến Dược, đoàn tiến về tham quan địa đạo Củ Chi. Những cảm xúc đong đầy thật khó tả khi dừng lại tham quan khu bảo tàng, xem lại những tư liệu, hình ảnh hiện vật gắn liền với các giai đoạn lịch sử trong thời kháng chiến chống Mỹ. Được nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu sơ lược về đường hầm Củ Chi: “Địa đạo Củ Chi là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Địa đạo là kỳ quan độc nhất vô nhị dài 250 km chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, đặc biệt được làm từ dụng cụ thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc xe xúc đất. Đường hầm sâu dưới đất 3 - 8 m, chiều cao chỉ đủ một người đi lom khom. Tầng một cách mặt đất 3 m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Tầng 2 cách mặt đất 5 m, có thể chống được bom cỡ nhỏ. Còn tầng cuối cùng cách mặt đất 8-10m hết sức an toàn. Ðường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Bên trên nguỵ trang kín đáo, nhìn như những ụ mối đùn, dọc đường hầm có lỗ thông hơi. Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, có bếp Hoàng Cầm, có hầmchỉ huy, hầm giải phẫu,…”.

Tham quan địa đạo Củ Chi, các ĐVTN Chi đoàn như được trải mình với những năm tháng hào hùng của lịch sử, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của  cơ cực của nhân dân ta trong chiến đấu và trong lao động. Những âm thanh vang dội của những giai thoại lịch sử như đâu đó tràn về trong trí óc mỗi người. Như một thời khắc khiến con người ta phải dừng lại, lắng lòng đôi chút để nhìn lại và tưởng nhớ đến công ơn của các bậc ông cha ta, các người lính, những người anh hùng, các Mẹ Việt Nam, những người thương binh, liệt sĩ,… đã ra đi.

Hình ảnh của “đất thép thành đồng” Củ Chi trong thời kỳ kháng chiến như phần nào được tái hiện qua các tượng anh lính giải phóng quân đội mũ tai bèo, phụ nữ mặc áo bà ba đen, quàng khăn rằng và đi dép lốp, ở bên trong những bụi cây, ở mỗi khúc quanh trong khu địa đạo. Có đi mới có thấy, quả thật con người ta trong gian khó thì càng có ý chí cao, có tinh thần thép. Và các ĐVTN Chi đoàn có tự mình trải nghiệm chui mình “lom khom” trong đường hầm Củ Chi mới cảm nhận được sâu sắc hơn được sự kiên trì, bền bỉ và lòng yêu nước mãnh liệt của nhân dân ta trong thời kỳ đánh giặc giữ nước. Đường hầm nhỏ bé, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, không khí ngột ngạt làm các đoàn viên không tránh khỏi những cảm giác rùng mình, sởn vai gáy. Có vậy mới thấy dù trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ đến thế nào thì những người chiến sĩ nhỏ bé, cũng là những người nông dân lao động với ý chí kiên cường vẫn sống, vẫn làm việc. Cùng với sức mạnh của sự đoàn kết và tinh thần yêu nước nồng nàn, họ vẫn sẵn sàng đứng lên, sẵn sàng tranh đấu và sẵn sàng hi sinh. Thật thấy yêu sao những con người và cả mãnh đất này! Ngoài ra các đoàn viên chi đoàn còn được nhìn tận mắt nhìn thấy bếp Hoàng Cầm mà trước đây chỉ được nghe trong thơ ca.

“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đĩa nghĩa là gia đình đấy”

(Thơ: Phạm Tiế​n Duật)

Tình yêu níu bước chân người, thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, chia tay mảnh đất nhỏ bé nhưng đầy gan thép Củ Chi đầy yêu thương và lưu luyến. Chuyến đi kết thúc nhưng đọng lại trong lòng các bạn đoàn viên cũng không ít suy nghĩ: Là một thế hệ trẻ của đất nước, những người lính Truyền tải điện, mỗi ĐVTN Chi đoàn như tự thầm hứa với chính mình sẽ cống hiến hết sức mình cho lẽ sống, cho sự nghiệp, sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Để góp phần nhỏ bé trong sự vương xa của ngành Điện và phát triển bền lâu của Đất nước, để xứng đáng với những gì mà thế hệ cha anh đã hy sinh cho đất nước, cho chúng ta có ngày hôm nay./.

Một số hình ảnh trong chuyến đi về nguồn của chi đoàn Cơ quan PTC4:

DTNPTC4CuChi_290716_2.JPG
DTNPTC4CuChi_290716_4.JPG
DTNPTC4CuChi_290716_5.JPG
DTNPTC4CuChi_290716_6.JPG

Ngọc Nga - Chi đoàn CQ PTC4