
Đội đường
dây Truyền tải Điện Quảng Trị kiểm tra hành lang tuyên đường dây 500kV kết hợp
với phát loa tuyên truyền. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN.
Nhìn trên bản đồ, tỉnh Quảng Trị mang đặc thù của
một vùng đất phên dậu, cận sơn, cận hải như các tỉnh ven biển ở vào trung độ
của đất nước, đó là có độ dốc nghiêng dần từ tây sang đông, có nơi vùng núi và
trung du choãi ra giáp biển, do đó, địa hình bị chia cắt mạnh. Vùng đồng bằng
nhỏ hẹp bị ngăn cách với vùng ven biển qua dải đại trường sa ngút ngàn và lối
lên với núi rừng lại quá nhiều khe suối, dốc đồi thăm thẳm. Bên cạnh đó, mỗi
huyện lại bị ngăn chia bởi một con sông đổ ra cửa biển.
Vĩnh Linh với Gio Linh là Cửa Tùng, Gio Linh với
Triệu Phong là Cửa Việt. Những con sông nhỏ mang đặc trưng xác định địa bàn có
tính quy ước như sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu...với những phân nhánh
phức tạp phần nào cũng góp thêm sự trắc trở trong vận hành lưới điện 220kV và
500kV. Đã vậy, rất ít năm tỉnh Quảng Trị không phải đương đầu với bão lũ, nếu
không ở vùng này thì ở vùng khác, nếu không diện rộng thì cũng cục bộ. Sau bão
lũ, một điều dễ dàng nhìn thấy là không chỉ người dân mà những người lính
truyền tải điện cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước sức tàn phá của thiên tai.
Truyền tải điện Quảng Trị quản lý và vận hành lưới
điện cấp điện áp 220kV và 500kV đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị, gồm gần 150km
đường dây 500kV Đà Nẵng-Vũng Áng và Đà Nẵng-Hà Tĩnh; gần 80km đường dây 220kV
Đồng Hới-Đông Hà và Đông Hà-A Lưới; 1 Trạm biến áp 220kV Đông Hà. Hầu hết các
tuyến đường dây xa khu dân cư và bị sông ngòi chia cắt. Nếu ví đường dây siêu
cao áp 500kV Bắc-Nam như trục xương sống của hệ thống điện Việt Nam thì cung
đoạn qua các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên là điểm xung yếu nhất của trục xương
sống, bất cứ một sự cố nào xảy ra dẫn đến gián đoạn truyền tải điện trên trục
xương sống này đều gây ra tình trạng cô lập hai đầu Bắc-Nam. Đặc biệt năm 2016,
trong các tháng đầu năm, hiện tượng El Nino vẫn tiếp diễn kéo theo tình hình
thủy văn hầu hết các hồ chứa khu vực miền Trung, miền Nam tiếp tục kém.
Để đảm bảo cung cấp điện cho mùa khô 2016, các Nhà
máy thủy điện ở các khu vực miền Trung, miền Nam hầu như chỉ vận hành theo các
ràng buộc nước hạ du. Trong khi đó, cơ cấu nguồn của hệ thống điện Quốc gia
hiện nay, thủy điện chiếm tỷ trọng lên đến 42% (cả về công suất lẫn điện năng).
Chính vì vậy, miền Trung và miền Nam không đủ nguồn để tự cân bằng cung cầu nội
miền, thường xuyên phải nhận sự hỗ trợ công suất từ miền Bắc trong khi khả năng
truyền tải của lưới liên kết bị giới hạn và tiềm ẩn nguy cơ sự cố khi truyền
tải cao. Miền Nam có thể thiếu điện khi hệ thống truyền tải 500kV Bắc-Nam xảy
ra sự cố. Đây thực sự là sức ép hết sức căng thẳng đối với các đơn vị truyền
tải và từng cá nhân người công nhân truyền tải điện khu vực miền Trung-Tây
Nguyên.
Chúng tôi có mặt tại Quảng Trị vào những ngày đầu
tháng 4, cũng là thời điểm Truyền tải điện Quảng Trị hoàn thành nốt công việc
cuối cùng cho Phương án Đảm bảo an toàn cung cấp điện mùa khô năm 2016. Ăn xong
cái Tết Nguyên đán là anh em đã khẩn trương bắt tay vào công việc xử lý các tồn
tại trên lưới, tăng cường kiểm tra, soi phát nhiệt các thiết bị trạm biến áp và
đường dây, đặc biệt khi thiết bị vận hành mang tải cao; quán triệt đến từng
CBCNV nâng cao ý thức kỷ luật, trách nhiệm trong quản lý vận hành, trong từng
ca trực; phối hợp với các ngành chức năng thực hiện công tác kiểm tra giám sát
thường xuyên, nhất là các vị trí xung yếu của đường dây, như: các cột xuất
tuyến; các cột vượt sông, suối, đèo dốc hiểm trở…bảo vệ tuyệt đối an toàn vật
tư thiết bị máy móc và các loại tài sản của đường dây không để xảy ra cháy nổ,
đảm bảo công tác phòng chống cháy rừng không để cháy lây lan gây ảnh hưởng đến
an toàn hành lang lưới điện.
Bên cạnh đó, Truyền tải điện Quảng Trị tiếp tục
thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền vận động quần chúng ở xung quanh khu
vực có hệ thống lưới điện truyền tải đi qua chấp hành tốt các quy định của pháp
luật, của ngành điện. Đồng thời xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ
an ninh Tổ quốc, chủ động phòng ngừa tội phạm xâm phạm an ninh và an toàn lưới
điện”; phối hợp với chính quyền địa phương, Công an tỉnh và các lực lượng tăng
cường công tác kiểm tra hệ thống Truyền tải, thường xuyên kiểm tra nắm bắt tình
hình, không cho người lạ mặt tụ tập, sử dụng vũ khí, chất nổ phá hoại hệ thống
lưới điện cao áp hoặc dùng các phương tiện thi công đào múc đất trong và gần
hành lang, tháo gỡ các cấu kiện của công trình, ngăn chặn người dân đốt nương
rẫy gây cháy rừng, cháy hành lang ảnh hưởng đến vận hành lưới điện truyền tải.

Thí
nghiệm định kỳ thiết bị trạm biến áp 500kV Đông Hà và các tuyến đường dây .
Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN.
Giám đốc Truyền tải điện Quảng Trị Nguyễn Đăng
Thông cho biết, từ đầu năm đến nay, công suất truyền tải chủ yếu từ miền Bắc
cấp vào miền Nam. Trong tháng 1-2016, công suất truyền tải cao nhất trên hai
mạch đường dây 500kV Vũng Áng-Hà Tĩnh và Hà Tĩnh-Đà Nẵng với công suất 1930MW;
tháng 2, công suất truyền tải cao nhất trên hai mạch trên là 1924MW và tháng 3
lên tới 1977MW.
Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác
bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong
năm 2015 đã có 4 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh và Triệu Phong thành lập
Ban Chỉ đạo (BCĐ) bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp cấp huyện do Phó
Chủ tịch huyện phụ trách lĩnh vực Công nghiệp làm Trưởng ban, Phòng Kinh tế
huyện làm cơ quan thường trực BCĐ. Với tư cách là chủ tài sản vận hành đường
dây cao áp, Truyền tải điện Quảng Trị thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra
và phối hợp tốt với chính quyền địa phương để phát hiện, xử lý các vụ việc vi
phạm hành lang an toàn lưới điện, không để xảy ra các vụ việc phức tạp; tổ chức
tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy phạm pháp luật về bảo vệ an toàn lưới
điện cao áp nhằm nâng cao ý thức chấp hành của nhân dân và chính quyền cơ sở.
Vào mùa nắng nóng, nhiệt độ trung bình ở vùng đất
“giàu gió, giàu nắng” này luôn ở khoảng 42 độ C, khả năng cháy rừng rất cao,
nên ngoài dọn sạch thực bì trong hành lang tuyến, Truyền tải điện Quảng trị còn
dọn ở những khu vực nguy cơ cháy rừng tiềm ẩn cao để tránh cháy lan vào hành
lang lưới điện; vận động nhân dân ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa
cháy rừng; thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo cháy rừng của Cục
Kiểm Lâm để tăng cường kiểm tra phát hiện sớm các điểm cháy, huy động lực
lượng, phương tiện chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.
Người dân vùng đất “phên dậu” Quảng Trị còn nghèo
bởi nhiều lý do trong đó có lý do “mưa không thuận, nắng không hòa”, đây cũng
chính là những khó khăn đối với những người làm công tác truyền tải điện, nhưng
những ngày đi tuyến với các anh, chúng tôi cảm nhận được cái tình người Quảng
Trị cũng như người lính truyền tải điện nơi đây mặn như muối biển Cửa Tùng, Cửa
Việt.
Tháng 4, cái nắng của những ngày hè tràn qua. Những
chùm bông ô môi chưa kịp bung sắc hồng đã bị nắng đốt đến héo quắt. Ai đã từng
đến Quảng trị trong những ngày nóng như rang mới cảm nhận được tinh thần trách
nhiệm của những người lính truyền tải điện nơi đây. Bất kể nắng mưa, khó khổ,
họ vẫn ngày đêm âm thầm làm nhiệm vụ. Với họ, hạnh phúc lớn nhất là được góp
sức giữ cho điện thông suốt, chính là góp phần giữ cho cuộc sống người dân ấm
no hạnh phúc./.