Nhiều khó khăn trong đầu tư xây dựng các dự án truyền tải điện năm 2016

Thứ năm, 3/3/2016 | 17:00 GMT+7
​Theo kế hoạch năm 2016, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) sẽ khởi công 52 dự án lưới điện 500kV và 220kV thuộc diện cấp bách, nằm trong Quy hoạch điện quốc gia lực Quốc gia.

Cùng với đó, 64 công trình truyền tải điện 500kV và 220kV đang thi công phải hoàn thành, đóng điện nhằm đảm bảo nhiệm vụ truyền tải điện công suất cao từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam giai đoạn 2016-2020. Dự kiến, tổng số vốn đầu tư trong năm nay vào khoảng 20 nghìn tỷ đồng (19.663,9 tỷ đồng). Để hoàn thành được khối lượng công việc này không hề đơn giản.

Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được cho là căn nguyên, hệ quả dẫn đến chậm tiến độ các công trình xây dựng thời gian qua. Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, GPMB ở các công trình điện nói chung đã khó, với các dự án lưới điện còn khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều bởi lưới điện càng phát triển thì việc đền bù giải phóng mặt bằng các phức tạp. Một công trình đường dây thường đi qua các KCN, qua các địa phương khác nhau, chế độ đền bù giải phóng mặt bằng ở các địa phương khác nhau thực sự là một thách thức.

Dự án Cụm truyền tải điện Pleiku2 (thuộc diện dự án lưới điện cấp bách - đang được đẩy nhanh tiến độ nhằm đảm bảo hoàn thành toàn bộ các công trình đường dây và trạm biến áp thuộc cụm dự án này trong tháng 3 năm 2016, kịp thời truyền tải công suất điện của Nhà máy thủy điện Xê-ka-man1 được nhập khẩu từ Lào về đáp ứng điện mùa khô năm 2016 cho miền Nam) cũng đang vướng vấn đề giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (AMT) cho biết: công trình đi qua nhiều địa phương, chỉ tính riêng đường dây 220kV tính từ biên giới Việt Nam - Lào (nối tiếp với đường dây 220kV từ NMĐ Xekaman 1 về đến biên giới Việt Nam-Lào do phía Lào đầu tư xây dựng) tới Trạm biến áp 500kV Pleiku 2 dài gần 120km (119,457 km) đi qua địa bàn 7 huyện và thành phố thuộc 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Cùng với những khó khăn do phải thi công tại khu vực có khí hậu thời tiết khắc nghiệt, địa bàn hiểm trở… thì việc chờ đợi giải phóng mặt bằng để kéo dây ở một số nơi trên tuyến đang là một thực tế. Ông Tuyển cho biết, phần khối lượng công việc còn lại của công trình chủ yếu là hành lang tuyến để kéo dây của đường dây Xê-ka-man 1- Pleiku. Dù công tác kiểm kê về cơ bản hoàn tất, nhưng việc trả tiền và vận động người dân giải phóng mặt bằng tiềm ẩn nhiều khó khăn.

Vốn cho các công trình truyền tải điện cũng là một thách thức không nhỏ được của người đứng đầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ rõ. Hiện nay, đầu tư của EVN đang chiếm khoảng 6-10% tổng đầu tư toàn xã hội, trong đó, vốn cho các dự án truyền tải điện khá lớn (gần 20% tổng nguồn vốn đầu tư của toàn tập đoàn) “vượt quá sức chịu đựng của tình hình tài chính của EVN cũng như EVNNPT”. Không chỉ vậy, kể từ năm 2016, các quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính sẽ xiết chặt hơn về bảo lãnh vay vốn, đặc biệt là vay vốn nước ngoài, dẫn đến việc huy động vốn sẽ khó khăn hơn. Theo ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), tỷ giá hối đoái đang là khó khăn lớn nhất dẫn đến bức tranh tài chính và khả năng huy động vốn của các dự án truyền tải điện. Ông Tường cho biết, chênh lệch tỷ giá hối đoái của Tổng Công ty- lỗ chênh lệch tỷ giá của năm 2015 chuyển sang 2016 là 2.500 tỷ, chưa chắc năm 2016 giải quyết được khoản này mà thậm chí với tình hình hiện nay có thể tăng hơn nữa. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu tài chính, đặc biệt là chỉ tiêu nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu, sẽ vượt quá 3 lần, mà vượt quá 3 lần thì không vay vốn được.

Một thách thức căn bản nữa trong đầu tư các công trình điện thời gian tới, theo ông Dương Quang Thành- Chủ tịch HĐTV EVN, đó là: “các quy định về công tác đầu tư xây dựng sẽ ngày càng siết chặt hơn. Quản lý của nhà nước ngày càng chặt hơn khi các luật về quản lý công, đầu tư vốn Nhà nước cũng như các quy định, nghị định liên quan quản lý chặt chẽ nguồn đầu tư. Khả năng các thủ tục đầu tư xây dựng sẽ kéo dài hơn và công tác GPMB tiếp tục càng ngày càng khó khăn”.

Thách thức, nhưng vẫn phải đầu tư để đảm bảo đủ nguồn và lưới điện nhằm cung cấp điện ổn định và đầy đủ cho kinh tế, xã hội là yêu cầu đặt ra. Vì vậy, cùng với coi trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của các dự án truyền tải điện; phối hợp với chính quyền các địa phương có công trình, dự án đi qua, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đặc biệt quan tâm đến giải pháp huy động vốn cho các dự án. Theo đó, 3 trọng tâm được ông Đặng Phan Tường khẳng định, sẽ chú trọng trong năm 2016 này đó là ngoài việc đã chủ động  từ nguồn vốn ODA trước đó, EVNNPT tiếp tục xúc tiến các nguồn vốn vay thương mại trong nước đồng thời nguồn vốn khấu hao cơ bản từ các tài sản hiện có của Tổng công ty - được sử dụng làm vốn đối ứng trong đầu tư xây dựng./.

Nguyên văn bài đọc trên VOV1: 

Nguyên Long/Icon