PTC4 đẩy mạnh bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp vùng sông nước

Thứ ba, 25/10/2016 | 10:00 GMT+7
Vào mùa mưa, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn hành lang lưới điện cao áp bởi nước lũ và các hoạt động vận tải trên sông. Để đảm bảo việc cung cấp điện ổn định và an toàn, Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) đã đẩy mạnh nhiều phương án nhằm đảm bảo an toàn hành lang lưới điện trong mùa mưa lũ.

Được biết, PTC4 hiện quản lý vận hành hơn 6.067 km đường dây, 45 trạm biến áp với tổng công suất 28.665 MVA, lưới điện truyền tải từ 220 KV đến 500 KV trên phạm vi 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Việc bảo vệ an toàn lưới điện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của đơn vị này. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp dẫn đến nguy cơ sự cố lưới điện trên toàn hệ thống đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Trong chuyến đi thực tế cùng Đoàn cán bộ thuộc Công ty Truyền tải điện 4 để tìm hiểu về công tác đảm bảo an toàn hành lang lưới điện tại một số địa bàn khu vực miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhóm phóng viên chúng tôi mới thấu hiểu được những khó khăn vất vả của tập thể cán bộ, công nhân ngành điện. Mùa mưa, hoạt động tuần tra kiểm soát trên các sông ngòi, kênh rạch gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, PTC4 đã nỗ lực triển khai nhiều phương án hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp để truyền tải điện liên tục, ổn định, phục vụ đời sống nhân dân.

Các tuyến đường dây thuộc khu vực ĐBSCL đi qua nhiều sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cùng với mật độ lưu thông của các phương tiện tàu, bè, sà lan, xáng cạp dày đặc nhưng người điều khiển phương tiện thường chủ quan, không thực hiện theo bảng cảnh báo an toàn điện dẫn đến vi phạm khoảng cách an toàn, gây sự cố cho lưới điện Quốc gia. Mặc dù, Công ty Truyền tải điện 4 đã nỗ lực xây dựng nhiều phương án bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, nhưng thực tế công tác này luôn gặp nhiều vấn đề nan giải. Chia sẻ về những khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp, anh Phạm Tài Tuấn – công nhân điện thuộc Đội Truyền tải điện Bình Chánh cho biết: “Cứ vào những tháng mùa mưa, ngoại trừ những nguy cơ gây mất an toàn hành lang lưới điện cao áp như: cây cối phát triển nhanh; những công trình xây dựng, nâng đường, đào cống… sử dụng phương tiện cơ giới có chiều cao vi phạm khoảng cách an toàn, bên cạnh đó còn có tàu bè, xà lan cẩu nạo vét kênh thủy lợi thường xuyên hoạt động, các doanh nghiệp có bến bãi sử dụng phương tiện cơ giới trên sông đều có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn hành lang lưới điện cao áp. Vào thời điểm gần Tết, các chủ phương tiện, sà lan xáng cạp tập trung trên sông, vươn cần nổ máy, cúng bái liên hoan rồi ngủ quên, khi triều cường dâng cao các sà lan cẩu bứt neo trôi tự do trên sông rồi vướng vào đường dây truyền tải điện gây sự cố lưới điện. Bởi vậy mà anh em chúng tôi luôn tăng cường tần suất kiểm tra, lắp dựng thêm biển cảnh báo, đồng thời xuống tận nơi để kiểm tra, nhắc nhở tuyên truyền cho những người điều khiển phương tiện hoạt động trên sông”.

PTC4bveHLATLDCA_251016_0.jpg
Hoạt động của các phương tiện xà lan cẩu trên sông có nguy cơ gây mất an toàn hành lang lưới điện cao áp dẫn đến nguy cơ sự cố lưới điện trên toàn hệ thống.

Chúng tôi tiếp tục chuyến đi cùng những công nhân truyền tải điện Bạc Liêu và chứng kiến những việc làm, những đóng góp lớn lao thậm chí hy sinh đời sống riêng tư của nhiều công nhân ngành truyền tải điện để đảm bảo lưới điện truyền tải vận hành thông suốt, các anh sử dụng mọi phương tiện từ đường bộ, đường sông và cả lội đầm, lội đìa qua vùng bị ngập nước để kiểm tra đường dây... Anh Lê Quốc Hưng – Đội trưởng Đội Truyền tải điện Bạc Liêu chia sẻ: “Do địa phương này có rất nhiều kênh rạch, công tác kiểm tra đường dây đa phần bằng ghe, xuồng… nên gặp không ít khó khăn, nhất là vào ban đêm. Bên cạnh đó, những sà lan, xáng cạp hoạt động ở địa bàn khác bất ngờ di chuyển đến đây càng khiến cho công tác tuần tra kiểm soát rất khó phát hiện và rủi ro mất an toàn hành lang lưới điện cao áp dẫn đến nguy cơ sự cố lưới điện trên toàn hệ thống”.

Để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp, PTC4 đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa vi phạm khoảng cách an toàn hành lang lưới điện cao áp. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức các hội nghị tuyên truyền về luật điện lực; Phối hợp với các đài truyền hình địa phương phổ biến các video clip hoạt hình cảnh báo các hành vi gây nguy cơ mất an toàn cho hành lang lưới điện cao áp; Tổ chức tuyên truyền bằng xe ô tô lưu động, kết hợp phát tờ rơi trên địa bàn quản lý lưới, và đến từng hộ dân, doanh nghiệp, chủ dự án thi công xây dựng, Chủ cũng như người điều khiển phương tiện đường thủy nội địa (tàu thuyền, sà lan có lắp cần cẩu) hoạt động gần đường dây điện.

Công ty đã lắp đèn báo hiệu ban đêm, lắp các biển cảnh báo an toàn điện tại các vị trí đường dây 220kV, 500kV vượt sông theo quy định của Cơ quan quản lý đường thủy nội địa; Lắp tăng cường các biển cảnh báo an toàn điện theo quy định của ngành Điện; Lập danh sách và giám sát chặt chẽ các chủ phương tiện và doanh nghiệp sử dụng phương tiện đường thủy nội địa để thuận lợi cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn an toàn khi các phương tiện này thi công hoặc hoạt động gần hành lang.

Tuy nhiên, để tiếp tục bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp vùng sông nước trong thời gian tới, PTC4 rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với người dân, đặc biệt phối hợp giám sát chặt các doanh nghiệp, các chủ phương tiện hoạt động trên địa bàn./.​

Sơn Tùng