Ông
Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết: Thực hiện chỉ đạo
của Thường trực Chính phủ, Bộ Công Thương đang khẩn trương chuẩn bị các văn bản
liên quan như văn bản chấp thuận điều chỉnh tăng giá bán điện 7,5% so với giá
bán điện bình quân hiện hành và Quyết định quy định về giá bán lẻ điện cho các
khách hàng để thực hiện từ ngày 16/3 tới. B iểu giá điện lần này cũng tính tới ảnh
hưởng đối với các hộ nghèo , hộ chính sách và tính đến mức tăng điện sinh hoạt
cho các hộ dân có mức tiêu thụ điện năng sinh hoạt thấp với mức tăng cho 50kW đầu
tiên là 6,92% từ 51 đến 100kW là 6,98% thấp hơn mức tăng bình quân 7,5%. Riêng
đối với giá điện cho nhóm khách hàng kinh doanh, dịch vụ sẽ điều chỉnh theo hướng
tăng thấp hơn mức tăng bình quân 7,5%. Mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ cấu
biểu giá bán lẻ điện và giá bán lẻ điện cho các nhóm đối tượng khách
hàng sử dụng điện sẽ được Bộ Công Thương tính toán theo quy định tại Quyết
định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định
về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Trước
đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra vào chiều ngày 5/3 do Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, Thường trực Chính phủ đã nhất trí điều chỉnh giá bán
điện tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh và thời điểm
điều chỉnh giá bán điện từ ngày 16/3 tới.
Tại buổi trao đổi, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết: Căn cứ
theo Quyết định 69/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ,
EVN đã tính toán giá điện dựa trên các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí đầu vào sản
xuất điện. Các chi phí đã được cập nhật từ lần điều chỉnh tăng giá gần nhất (
ngày 1/8/2013) đến thời điểm xây dựng phương án giá điện mới ( ngày 31/1/2015).
Theo đó, các yếu tố làm giảm chi phí sản xuất điện là 1.657,8 tỷ đồng; trong
đó, giá dầu trong nước giảm khiến chi phí mua điện giảm 219,2 tỷ đồng; giá dầu
quốc tế giảm làm giảm chi phí mua điện của các nhà máy nhiệt điện khí giảm
1.366,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chi phí làm tăng chi phí sản xuất điện là
10.491 tỷ đồng do giá than tăng, điều chỉnh giá khí trên bao tiêu, tăng giá khí
trong bao tiêu theo lộ trình, tỷ giá, thuế tài nguyên nước tăng từ 2% (tính
trên giá bán lẻ điện bình quân) lên 4%, giá chi phí tránh được năm 2015 tăng
(áp dụng cho các nhà máy thủy điện từ 30MW trở xuống) và một số các khoản chi
phí khác như chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, chi phí lắp đặt tụ bù
để nâng cao chất lượng điện áp, bổ sung chi phí môi trường rừng năm 2011, 2012
của các nhà máy đến 30MW….
Ngoài
ra, còn khoản chênh lệch tỷ giá tính đến 31/12/2013 còn chưa phân bổ là 8.811 tỷ
đồng. Theo phương án giá điện được phê duyệt thì khoản chênh lệch tỷ giá sẽ được
phân bổ vào năm 2015 là khoảng 926 tỷ đồng, số tiền chênh lệch còn lại được
phân bổ vào các năm từ 2016 trở về sau.
Đề cập đến việc minh bạch trong giá điện, ông Đinh Quang Tri cho rằng, căn cứ
quy định về lập, thẩm định, phê duyệt giá điện, EVN sẽ phải công bố, công khai
minh bạch giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 sau khi có báo cáo quyết
toán tài chính năm 2014 của EVN được kiểm toán độc lập và theo kết quả kiểm tra
giá thành sản xuất kinh doanh điện hàng năm của Liên Bộ-ngành do Bộ Công Thương
chủ trì. Đối với nhà đầu tư nước ngoài thì giá điện hiện nay chưa đủ hấp dẫn
nên khi đàm phán, giá điện của nhà đầu tư nước ngoài thường cao nhất, còn với
các nhà đầu tư trong nước thì có thể chấp nhận giá điện hiện nay nhưng khả năng
tài chính lại không đủ.
Năm 2014, Công ty mẹ của EVN lãi khoảng 300 tỷ đồng. Do các yếu tố đầu vào tăng
như than, khí, tỷ giá, thuế tài nguyên nước… nên nếu năm 2015 không thực hiện
điều chỉnh giá điện thì EVN sẽ không cân đối được tài chính. “Với mức dự kiến sản
lượng điện thương phẩm từ ngày 16/3 đến 31/12/2015 là 115 tỷ kWh thì khi điều
chỉnh giá điện tăng 7,5% từ ngày 16/3, doanh thu của EVN tăng thêm 13.000 tỷ đồng
nhằm bù đắp các khoản chi phí đầu vào tăng thêm và phân bổ một phần số dư chênh
lệch tỷ giá còn treo. Đồng thời EVN có mức lợi nhuận khiêm tốn 1% trên vốn chủ
sở hữu dùng cho sản xuất kinh doanh điện”, ông Tri cho biết.
Trả
lời câu hỏi của Phóng viên TTXVN liên quan đến việc tăng giá điện lần này có
tính đến việc ưu tiên điều chỉnh giá truyền tải điện để Tổng công ty Truyền tải
điện quốc gia (NPT) đáp ứng các chỉ tiêu tài chính theo yêu cầu của các tổ chức
tài chính trong nước và quốc tế, bảo đảm tự thu xếp đủ vốn cho đầu tư phát triển
lưới điện truyền tải theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại
cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia gần đây,
ông Tri cho biết sau khi Bộ Công Thương quyết định biểu gía bán lẻ điện thì EVN
sẽ tính toán điều chỉnh giá truyền tải năm 2015. Tùy theo tình hình, EVN sẽ cân
đối tăng vốn điều lệ cũng như tăng thêm nguồn vốn ODA cho NPT. Vấn đề bất hợp
lý lưới truyền tải Việt Nam là đang truyền tải Bắc-Nam cao, với chi phí hiện
nay, chưa tạo được mạch vòng 220kV và 500kV ở miền Bắc và miền Nam để đáp ứng
thị trường bán buôn (năm 2019). Mặc dù vậy, ông Tri cũng hy vọng từ nay đến năm
2020, lưới truyền tải của Việt Nam sẽ đáp ứng thị trường bán buôn và bán lẻ.
Theo ông Tri, cùng với việc EVN tiếp tục tăng chất lượng dịch vụ cung cấp điện
và tăng năng suất lao động theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề đặt ra
hiện nay đối với khách hàng sử dụng điện là tích cực tiết kiệm điện hơn nữa thì
sẽ giảm sức ép tăng giá điện, đặc biệt tiết kiệm trong giờ cao điểm và vào mùa
khô, từ đó cũng giảm áp lực phải đầu tư nguồn vốn lớn cho ngành điện./.