“Cô Tấm” thời COVID-19

Thứ hai, 18/10/2021 | 17:00 GMT+7
Bài viết chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2021). "Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hạnh phúc, tình yêu và giàu có".

Làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của cả nước, đặc biệt trên địa bàn khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều CBCNV Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) đã phải thực hiện cách ly, làm việc tập trung nhiều tháng trời tại đơn vị. Trong thời khắc “nước sôi lửa bỏng” chống dịch này đã xuất hiện “Cô Tấm” giữa đời thường không ngại mọi gian nan, đảm nhận công tác hậu cần chăm lo bữa ăn cho các anh em lưu trú cách ly tại trạm. “Cô Tấm” ấy là Chị Nguyễn Thị Thán - Nhân viên phục vụ phòng Tổng hợp, Truyền tải điện Thành phố Hồ Chí Minh, PTC4.

Chồng chị mất vì công vụ khi đang công tác trên lưới đã lâu rồi, thời điểm đó đứa con thứ hai của anh chị còn trong bụng mẹ chưa kịp cất tiếng gọi Cha. Một mình chị kiên cường vượt qua nỗi cô đơn, khó khăn về kinh tế để nuôi dạy hai con nên người. Vừa làm Mẹ lại vừa làm Cha của hai đứa trẻ không có dễ dàng gì nhưng điều toát lên ở chị luôn là sự năng động, nét lạc quan vượt lên số phận kém may mắn. Trong Công ty, chị luôn là người phụ nữ làm việc tận tâm có nhiều phẩm chất tốt đẹp để chị em nữ CNVC học tập noi theo.

Tháng 4/2020 - thời điểm lần đầu bùng phát dịch bệnh COVID-19 cũng là lúc cả nước thực hiện giãn cách xã hội do. Khi đó, các Trạm biến áp trực thuộc đơn vị phải thực hiện cách ly tập trung nhằm tránh sự lây lan dịch bệnh và đảm bảo công tác vận hành an toàn lưới điện truyền tải. Chị là người xung phong phối hợp cùng một số cán bộ công nhân viên khác của Truyền tải điện TP. Hồ Chí Minh không quản ngại mưa nắng, vượt lên trên nỗi lo lây lan của dịch bệnh để đảm nhận công tác phục vụ thức ăn 3 lần/ngày cho anh em đang thực hiện cách ly tại các trạm biến áp thuộc Truyền tải điện Thành phố Hồ Chí Minh.

Và lần này, đại dịch lần thứ tư lại bùng lên với chủng mới nguy hiểm hơn nữa, mà khu vực miền Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là khu vực TP. Hồ Chí Minh, nơi các trạm biến áp 220 kV và 500 kV trú đóng, với tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh và khó kiểm soát hơn. Ngày 12/5/2021, một lần nữa những người lính Truyền tải điện lại “khăn gói” rời xa gia đình để tập trung cách ly vận hành tại đơn vị, trạm, đội. Và lại một lần nữa, thực hiện theo chỉ đạo của Lãnh đạo Truyền tải điện Hồ Chí Minh, “Cô Tấm” lại thoăn thoắt tay xách nách mang “cơm dẻo, canh ngọt” mỗi ngày 03 bữa ăn đều đặn đến từng đơn vị trạm biến áp nơi các anh đang làm việc cách ly.

Để có được những bữa ăn cơm ngon canh ngọt đến cho anh em các trạm, Chị phải bắt đầu công việc mỗi ngày từ khi mặt trời chưa ló. Đến cơ quan, Chị tranh thủ làm công tác vệ sinh tại văn phòng Truyền tải thật sớm, tất bật tính toán giao thức ăn đến các đơn vị trạm sao cho kịp bữa ăn sáng, rồi đến ăn trưa, và lại ăn chiều… Kết thúc công việc, đi về, cũng là lúc đường phố sáng đèn…

Công việc cứ thế kéo dài cả mấy tháng, người chị gầy rộc đi, những giọt mồ hôi tuôn nhễ nhại trên gương mặt xương xương khắc khổ của Chị nhưng lúc nào Chị cũng xông xáo, luôn nói cười vui vẻ, động viên anh em, đem đến cho anh em cảm giác gần gũi như đang thưởng thức một bữa ăn gia đình để anh em cảm thấy an toàn, an tâm tập trung vào công tác bảo vệ cho nguồn điện nước nhà được vận hành xuyên suốt.

Nghị lực, quyết tâm không chỉ đơn thuần là vì miếng cơm manh áo, mà hơn hết đối với người phụ nữ phi thường ấy là tình yêu nghề. Chị luôn đi đầu trong phong trào giỏi việc nước, đảm việc nhà, nhiều năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến trong Công ty. Nhờ có “Cô Tấm”, bữa cơm anh em luôn nóng hổi thơm ngon như bàn tay người mẹ, người chị trong gia đình mình làm vậy. Bữa cơm luôn đảm bảo đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị luôn hỏi anh em dùng có ngon miệng không? Ăn có no bụng không? Có cần chị thêm món gì nữa không… đã làm ấm lòng người lính truyền tải xa nhà biết bao…

Chị Nguyễn Thị Thán chuẩn bị các phần cơm và lên đường đi giao cơm cho CBCNV cách ly tập trung làm việc tại đơn vị.

Lo lắng, quan tâm đến anh chị em đơn vị, xông xáo trong công việc là vậy, nhưng chính chị, không may cũng bị nhiễm COVID-19. Thế nhưng, vượt lên nỗi sợ hãi, lo lắng của dịch bệnh, với “tinh thần thép”, ý chí lạc quan, kiên cường, chị đã “truyền lửa” yêu đời, yêu cuộc sống, yêu công việc đến mọi người. Khi chúng tôi biết tin, gọi điện hỏi thăm chị, trái với lo lắng, suy nghĩ của tôi về việc người nhiễm bệnh sẽ rất yếu cả về thể xác và tinh thần, đầu dây bên kia là giọng nói rành rọt, quen thuộc, ấm áp của chị. Chính chị còn trấn an chúng tôi về tình hình dịch bệnh, bảo không có gì phải lo lắng cho chị, cho sức khỏe của chị, bởi chị đã chuẩn bị đầy đủ thuốc men, thực hiện đầy đủ phác đồ điều trị cho bệnh nhân tại nhà, có bác sĩ tư vấn nhiệt tình từ xa rồi…

Hiếm ai biết chị, một người F0, lại là nữ giới mà nhiều nghị lực, kiên cường như vậy. Phải ở nhà điều trị, tưởng chị đã “bứt” hẳn công việc cơ quan, tập trung vào chữa trị cho mau khỏe. Nhưng không, chị đâu có lo cho sức khỏe của riêng mình!. Lòng chị lại ngổn ngang, lo lắng vắng mình anh em ăn uống ra sao, thực phẩm có đầy đủ, an toàn trong điều kiện khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh hay không? Với người luôn lo cho người khác, tận tâm, trách nhiệm như chị thì việc không được quan tâm, chăm lo người khác lại làm chị “mất ăn, mất ngủ”.

Vậy là để thực hiện “mệnh lệnh trái tim”, hàng ngày, chị cứ “điều hành từ xa” gọi đồ, đặt ăn uống cho anh em đâu vào đấy, không một chút nề hà, quên đi chị mới là người cần phải quan tâm, chăm sóc nhiều hơn! Và cũng chính chị lại trở thành “bác sĩ tâm lý” trị liệu, vực dậy tinh thần cho anh em đồng cảnh nhiễm bệnh lúc họ bị xuống tinh thần, hoang mang, dao động trước tình hình dịch bệnh và sức khỏe bản thân.

Như người chị cả trong gia đình, chị nhẹ nhàng động viên, truyền tinh thần lạc quan, nghị lực kiên cường để mọi người cùng khắc phục khó khăn, cùng nhau “chiến đấu” với bệnh tật. Hàng ngày, cũng chính chị, lại đăng những bức ảnh về tự thực hiện đo nồng độ trong máy, chia sẻ những thông tin về cách điều trị bệnh F0 tại nhà, những diễn biến tích cực của phác đồ điều trị… trên trang FB thuần thục, chuyên nghiệp như một bác sĩ “chính hiệu”.

Rồi hạnh phúc, niềm vui đã mỉm cười với người phụ nữ đầy nghị lực và giàu lòng nhân ái, lạc quan như chị! Sau một thời gian tự điều trị tại nhà, chị hồ hởi thông tin kết quả điều trị thành công, khỏi bệnh. Vừa hết bệnh, chị trở lại ngay với công việc “Cô Tấm” hàng ngày. Có Chị trở lại, khắp nơi trong Công ty lại vang tiếng cười, vui tươi, rộn rã. Chính tình yêu ngành, yêu nghề, bản lĩnh vượt khó, giàu nghị lực, tình thương, lòng nhân ái của chị - một lần nữa đã chiến thắng dịch bệnh COVID-19, như khẳng định một điều “CBCNV EVNNPT chung sức, đồng lòng phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”.

Ai đó nói rằng “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hạnh phúc, tình yêu và giàu có”. Điều đó thật đúng, nhất là với Truyền tải điện thành phố Hồ Chí Minh - PTC4 bởi ở đó có một “Cô Tấm” thời COVID-19 như Chị. Chúc Chị thật nhiều sức khỏe, bình an, năng động, nhiều năng lượng để tiếp tục lan tỏa tình yêu ngành, yêu nghề, ý chí tự lực, tự cường, vượt khó, giàu tình yêu thương, lòng nhân ái, thực hiện được mong muốn thật bình dị, rất đỗi đời thường nhưng thật đáng trân quý của Chị: “… Mình không mong muốn gì hơn được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để chia sẻ phần nào những gánh nặng của Công ty, của đơn vị và những anh em đang căng mình thực hiện nhiệm vụ tại các trạm biến áp, giữ cho hệ thống lưới điện truyền tải được vận hành an toàn, liên tục, ổn định và vượt qua đại dịch COVID- 19”./.

Một số hình ảnh:

Chị Nguyễn Thị Thán giao cơm cho Trạm biến áp 500 kV Phú Lâm. 

Chị Nguyễn Thị Thán giao cơm cho Trạm biến áp 220 kV Bình Chánh, nay là Tổ TTLĐ 220kV Bình Chánh.

Chị Nguyễn Thị Thán tham gia chuyến đi ủy lạo công trường thi công thay máy biến áp 900 MVA Trạm 500 kV Phú Lâm.

Dù bị nhiễm bệnh nhưng Chị luôn bình tĩnh, lạc quan, truyền năng lượng tích cực tới mọi người.

Trần Thanh Quỳnh Như (PTC4 ) - Hải Yến (Trưởng Ban Nữ công PTC4) - Duyên Hải (Công đoàn EVNNPT)