An toàn lưới điện cao áp ở Hải Phòng

Thứ tư, 30/10/2013 | 12:00 GMT+7
Kỳ 1: Luôn tiềm ẩn nguy cơ sự cố ​

Truyền tải điện Hải Phòng - Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia trực tiếp quản lý 8 tuyến đường dây (ĐZ) 220 kV tổng chiều dài gần 200 km với nhiệm vụ kết nối các nhà máy điện Phả Lại- Hải Phòng- Quảng Ninh, cung cấp điện cho TP Hải Phòng và vùng duyên hải Bắc bộ. Thời gian gần đây, trên tuyến này liên tục xảy ra các sự cố lưới điện gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội trong khu vực.

Sơ suất nhỏ, hậu quả lớn
Ngày 20/8/2013, khi đang lưu thông trên sông Kinh Môn, đoạn km 14+500, thuộc xã Kim Lương - Kim Thành - Hải Dương, tàu Vinashine Inco 09 đã vi phạm khoảng cách an toàn, chạm vào ĐZ 220kV Phả Lại - Hải Phòng 2, gây phóng điện khiến ĐZ phải ngừng truyền tải khoảng 12 giờ để khắc phục. Mặc dù đoạn km 14+500 trên sông Kinh Môn đã đặt biển báo an toàn cả hai phía thượng lưu và hạ lưu. Riêng chi phí nhân công, vật tư khắc phục đã gần 200 triệu đồng, chưa kể thiệt hại hàng tỷ đồng do giảm công suất truyền tải hàng triệu kWh.

Trước đó, ngày 20/12/2012, tàu Phương Nam đi vào khu vực cấm đã vi phạm khoảng cách an toàn chạm vào dây dẫn gây sự cố ĐZ 220kV Phả Lại – Hải Phòng 2. Thời gian mất điện gần 2 ngày. Thiệt hại để khắc phục đường dây gần 420 triệu đồng, chưa tính thiệt hại do mất điện cũng hàng tỷ đồng.
Ngày 16/1/2012, tàu chở khí của Công ty TNHH Bạch Đằng (thuộc VINASIN) bị chết máy phải thả neo khẩn cấp tại vị trí có đường cáp ngầm 220 kV Đình Vũ, làm hư hỏng sợi cáp, gây sự cố 2 ĐZ A2.1 và A2.2 NĐ Hải Phòng - Đình Vũ. Đã hơn 18 tháng đến nay mới khôi phục được 1 ĐZ. Ước tính thiệt hại để khôi phục đường cáp hơn 15 tỷ đồng, chưa tính đến thiệt hại rất lớn về kinh tế và nguy cơ gây mất an ninh năng lượng do ngừng cung cấp điện.
 
Cũng tại đường dây này, ngày 5/7/2012, một chiếc tàu chở cần cẩu qua kênh Ruột lợn đã vi phạm khoảng cách an toàn tại khoảng cột 26 - 27 bị phóng điện gây sự cố. Thời gian mất điện gần 10 giờ, giảm công suất truyền tải khoảng 1 triệu kWh, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Ngày 10/7/2013, ĐZ Vật Cách- Đồng Hòa 1 cũng bị sự cố do diều mắc vào ĐZ.
 
 
an toan luoi dien Hai phong 30.10.JPG

Mặc dù đã đặt biển báo an toàn cả hai phía thượng lưu và hạ lưu, ĐZ 220kV Phả Lại - Hải Phòng 2 vẫn bị tàu Vinashine Inco 09 chạm vào gây phóng điện.

Đâu là nguyên nhân
Kết quả thống kê cho thấy hầu hết các sự cố về lưới điện trên địa bàn TP Hải Phòng đều do các phương tiện giao thông đường thủy gây nên. Dù các chủ phương tiện không cố ý, dù các ĐZ 220 kV đã được thiết kế thi công đúng quy định (khoảng cách tĩnh không, độ chôn sâu…), có đủ hệ thống biển báo nhưng số vụ vi phạm ngày càng nhiều.
Theo ông Trần Minh Tuấn - Phó giám đốc PTC1, Hải Phòng có tới 17 vị trí giao chéo qua các sông Kinh Môn, Lạch Tray, Sông Cấm, Đá Bạc, Văn Úc, Sông Hóa… Việc xây mới, mở rộng các cảng đường thủy đã làm gia tăng mật độ phương tiện đường thủy qua lại các điểm giao chéo với đường dây dẫn đến nguy cơ gây sự cố ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ý thức của người dân về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp chưa cao. Việc chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động đường thủy nội địa của các chủ phương tiện còn nhiều hạn chế. Các tàu không đảm bảo chiều cao tĩnh không, cố tình đi vào các khu vực cấm. Điều đó khiến cho lưới truyền tải khu vực Hải Phòng đang tiềm ẩn có rất nhiều nguy cơ gây sự cố. Đơn cử, tại khoảng cột 77-78 đường dây 220 kV Phả Lại – Hải Phòng 2 đang có nguy cơ bị sạt lở chân móng do khai thác cát trái phép dưới lòng sông. Tại Cảng Đình Vũ, ngay trong lúc đoàn nhà báo đang tác nghiệp, một chiếc cẩu chở hàng vẫn giương cao cẩu khi sắp chui qua đường dây 220 kV khiến chiếc cẩu suýt chạm vào ĐZ, chỉ khi có người ra hiệu, anh tài xế mới giật mình hạ thấp cẩu, mặc dù ngay dưới chân cột đã có biển hiệu cảnh báo an toàn. Đặc biệt, sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng còn hạn chế.
 
Ngoài các sự cố từ các phương tiện giao thông đường thủy, ĐZ 220 kV Hải Phòng cũng đang bị đe dọa mất an toàn rất nhiều do tình trạng thả diều, trồng cây dưới hành lang, chân cột điện cao áp…

Kỳ 2: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Ngọc Loan - Báo Công thương