
Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong mỗi CBCNV thông qua phong trào “Bình dân học vụ số”
Lấy cảm hứng từ chiến dịch xóa mù chữ "Bình dân học vụ" năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào “Bình dân học vụ số” là lời kêu gọi để mỗi người lao động Việt Nam làm chủ AI, góp phần xây dựng một tương lai số hóa vững mạnh. Mục đích hướng đến việc giúp mọi người, đặc biệt là những người không có nền tảng công nghệ, tiếp cận và hiểu được AI một cách đơn giản, dễ hiểu.
Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ dành cho các chuyên gia công nghệ mà còn hướng tới nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên và những người làm các ngành nghề khác nhau. Đây là cách phổ cập giúp mọi người học AI một cách bình dân, đại chúng, để mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể học được cách sử dụng và điều khiển AI một cách thành thạo.
Tại sao phải phổ cập AI - “Bình dân học vụ số” cho CBCNV
Thứ nhất, xóa bỏ rào cản, phổ cập kiến thức AI, mục tiêu cốt lõi nhất của “Bình dân học vụ số” chính là phá vỡ những định kiến về AI như một lĩnh vực khoa học cao siêu, khó tiếp cận. Thông qua các chương trình, khóa học, tài liệu được thiết kế một cách dễ hiểu, gần gũi, mọi người dân, bất kể tuổi tác, trình độ học vấn hay ngành nghề, đều có thể nắm bắt được những khái niệm cơ bản, nguyên lý hoạt động và tiềm năng ứng dụng to lớn của AI.
Thứ hai, trang bị kỹ năng thiết yếu cho kỷ nguyên số, AI không chỉ là một công nghệ, mà còn là một kỹ năng sống thiết yếu trong tương lai gần. Hiểu biết về AI giúp chúng ta nâng cao hiệu suất công việc, Ứng dụng các công cụ và nền tảng AI để tự động hóa tác vụ, phân tích dữ liệu, đưa ra quyết định thông minh hơn; Mở rộng cơ hội nghề nghiệp, nhu cầu về nhân lực có kiến thức và kỹ năng AI đang tăng trưởng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực; Thích ứng với sự thay đổi, chuẩn bị cho một thế giới mà AI sẽ định hình lại cách chúng ta làm việc, học tập và tương tác.
Thứ ba, khơi dậy tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề, khi chúng ta hiểu được sức mạnh của AI, chúng ta sẽ bắt đầu tư duy theo những cách mới, nhận ra những vấn đề có thể được giải quyết một cách hiệu quả hơn bằng công nghệ này. Việc tự học AI không chỉ cung cấp kiến thức mà còn kích thích sự tò mò, khả năng khám phá và sáng tạo trong mỗi chúng ta.
Thứ tư, thu hẹp khoảng cách số, đảm bảo công bằng cơ hội, “Bình dân học vụ Số” hướng đến việc đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua công nghệ. Bằng cách phổ cập kiến thức AI đến mọi tầng lớp nhân dân, chúng ta có thể tạo ra một xã hội số hóa toàn diện hơn, nơi mọi người đều có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ những tiến bộ của AI.
Thứ năm, tự chủ và linh hoạt trong học tập và làm việc, một trong những ưu điểm lớn nhất của phong trào “Bình dân học vụ Số” là khuyến khích tinh thần tự học. Với vô vàn tài liệu, khóa học trực tuyến miễn phí hoặc chi phí thấp, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn lộ trình học tập phù hợp với tốc độ và sở thích của bản thân. Sự linh hoạt này giúp việc học AI trở nên dễ dàng và thú vị hơn bao giờ hết.
Tóm lại, AI không còn là câu chuyện của tương lai xa xôi, mà là hiện tại và tương lai của chính chúng ta. Việc tự trang bị kiến thức và kỹ năng AI không chỉ là một lợi thế, mà còn là một sự đầu tư thông minh cho tương lai cá nhân và sự phát triển của xã hội. Quan trong nhất vẫn là thúc đẩy mạnh mẽ phong trào học tập suốt đời trong mỗi CBCNV.
Cách thức tiếp cận “Bình dân học vụ số” như thế nào?
Chúng ta có thể bắt đầu học AI một cách dễ dàng và linh hoạt, học mọi lúc, mọi nơi: Chỉ cần một chiếc điện thoại, chúng ta có thể tham gia các lớp trực tuyến hoặc học qua các bài giảng ngắn ít phút mỗi ngày (micro-learning). Người biết dạy người chưa biết trong một tổ chức.
Tham gia cộng đồng học AI khuyến khích chia sẻ kiến thức, giúp mọi người cùng tiến bộ. Tìm các khóa học AI miễn phí, tra cứu tại các trường đại học, trung tâm chuyển đổi số để tìm các khóa học AI miễn phí tại địa phương hoặc trực tuyến.
Tại Thành phố Đà Nẵng là cổng thông tin 1022 với chương trình “Bình dân học AI” toàn thành phố đang được triển khai mạnh mẽ. Đây là cách phổ cập giúp mọi người học AI một cách bình dân, đại chúng. Mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể học được cách sử dụng và điều khiển AI một cách thành thạo. Bằng cách đồng lòng chia sẻ những gì mình biết, ai biết gì thì chia sẻ cái đó, giống như tinh thần “Bình dân học vụ” ngày xưa và bằng tinh thần cầu thị, học hỏi lắng nghe.

Fanpage https://www.facebook.com/groups/binhdanhocai/
Cách thức chung của Fanpage Bình dân học AI là chia sẻ, phổ cập kiến thức về các công cụ AI cơ bản, như cách làm quen với ChatGPT, Gemini, Claude,... cũng như các công cụ mà người lao động có thể tiếp cận. Nội dung được trình bày một cách đơn giản, dễ hiểu, theo phương pháp học thông qua giảng dạy cho người khác.
Có thể chia thành hai nhóm chính: nhóm học để ứng dụng vào công việc và nhóm vừa học vừa hướng dẫn người khác. Nhóm đầu tiên chủ yếu sử dụng AI để tối ưu hóa quy trình làm việc, trong khi nhóm thứ hai tham gia vào cộng đồng với tên gọi “luyện AI” để trở thành lực lượng “tinh nhuệ” và “nòng cốt” nhằm lan tỏa kiến thức AI đến nhiều người hơn, tạo thành một cộng đồng học tập sôi động.
Hưởng ứng mạnh mẽ phong trào “Bình dân học vụ số” trong Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” ngày 26/3/2025, EVNNPT đã thống nhất phát động triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trong toàn Tổng công ty. Đây là một bước đi chiến lược nhằm nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, công nhân viên lao động (CNVLĐ), lan tỏa văn hóa học tập suốt đời và xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Phong trào sẽ được triển khai từ tháng 5/2025 đến hết năm 2027, với tổng kết giai đoạn 1 vào cuối quý IV/2026. Có thể thấy phong trào “Bình dân học vụ số” hướng đến những mục tiêu rõ ràng, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi CNVLĐ và sự phát triển chung của EVNNPT, đó là:
- 100% CNVLĐ được phổ cập kiến thức và kỹ năng số cơ bản. Điều này đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số, giúp mỗi cá nhân tự tin làm chủ công nghệ để nâng cao hiệu suất công việc và mở rộng cơ hội phát triển.
- Phát triển mạng lưới "Hướng dẫn viên số cơ sở" trong từng đơn vị. Tạo ra những hạt nhân nòng cốt, là người truyền lửa và hỗ trợ đồng nghiệp trong việc tiếp cận và ứng dụng kỹ năng số.
- Xây dựng "Không gian học tập số cộng đồng" tại các trạm, đội truyền tải và đơn vị trực thuộc. Biến nơi làm việc thành những không gian mở, khuyến khích sự chia sẻ và học hỏi lẫn nhau, tạo môi trường học tập liên tục.
- Kết nối phong trào với hoạt động thi đua và chương trình chuyển đổi số EVNNPT. Đảm bảo phong trào không chỉ là hoạt động riêng lẻ mà còn là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển chung của Tổng công ty.
Để đạt được các mục tiêu trên, chỉ thị của Công đoàn và Lãnh đạo EVNNPT đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng Ban nghiệp vụ chuyên môn, từ đó tham mưu cho Lãnh đạo EVNNPT những nội dung học tập, kế hoạch cụ thể gắn với điều kiện thực tế của từng đơn vị, từng bộ phận.
Triển khai phong trào Bình dân học vụ số tại Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung
CPMB cần bám sát các nội dung của các hoạt động chung để lập kế hoạch triển khai các hoạt động “Công đoàn đồng hành cùng công nhân học số”, “1 kèm 1 - học kỹ năng số tại chỗ”. Trong đó đặc biệt lưu ý đến việc lồng ghép phong trào “Bình dân học vụ số” với các phong trào thi đua trọng tâm như: “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Sáng kiến - cải tiến kỹ thuật”, “Chuyển đổi số vì người lao động” và các hoạt động văn hóa doanh nghiệp, truyền thông nội bộ, Tháng Công nhân, Tháng An toàn vệ sinh lao động để tạo sự lan tỏa và đồng bộ.
Bên cạnh đó, CPMB luôn khuyến khích sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các sáng kiến cần phải thiết thực, mang lại hiệu quả trong công việc, không yêu cầu cao siêu hay phức tạp. Mọi sáng kiến đều được ghi nhận và xét duyệt, khuyến khích sự đổi mới sáng tạo. Đưa sáng kiến cải tiến trở thành phong trào thường xuyên, huy động sự tham gia của toàn thể CBCNV và đảm bảo tính thực tế phục vụ công tác quản lý điều hành gắn với nhiệm vụ được phân công.
Trong công tác chuyển đổi số, mỗi phòng nên có ít nhất một công cụ AI hỗ trợ công việc, mỗi CBCNV ít nhất có một trợ lý ảo cho riêng mình với điều kiện sử dụng phải đem lại hiệu quả rõ ràng. Đặc biệt lưu ý đến các rủi ro bảo mật thông tin khi triển khai các ứng dụng AI. Khuyến khích các tập thể, cá nhân chủ động tìm hiểu, học tập và sử dụng thử nghiệm AI trong công việc. Mạnh dạn kiến nghị đề xuất cấp trên trang bị tài khoản AI phù hợp để sử dụng hiệu quả và có kiểm soát, tránh tình trạng mất an toàn thông tin.
Song song đó là công tác đánh giá khen thưởng, cần đề xuất, lựa chọn cá nhân tiêu biểu, mô hình tốt để khen thưởng, biểu dương và nhân rộng trong toàn CPMB, tạo động lực mạnh mẽ cho người lao động.
Cuối cùng là công tác truyền thông, công tác truyền thông phải làm được việc là góp phần lan tỏa mạnh mẽ lợi ích của việc ứng dụng AI vào trong công việc hằng ngày. Theo đó, cần đa dạng hóa sản phẩm truyền thông, chủ động xây dựng các sản phẩm truyền thông để nâng cao công tác tuyên truyền để có cách tiếp cận nhanh nhất, dễ nhớ dễ hiểu, ít thời gian nhất đến với người lao động.
Hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số” mạnh mẽ là một hành trình học tập suốt đời trong thời đại số để đưa CPMB nói riêng và EVNNPT nói chung trở thành điểm sáng tiêu biểu trong chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, mỗi CBCNV chúng ta hãy nắm lấy cơ hội, học tập AI hôm nay để trở thành người lao động thông minh, sẵn sàng cho mọi thử thách. Cùng nhau, chúng ta sẽ viết nên câu chuyện thành công mới cho EVNNPT và Ngành điện trong kỷ nguyên số.