Giai đoạn 1981- 1986 lần đầu tiên, Việt Nam xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển điện lực. Trong giai đoạn này, ngành Điện đã khẩn trương xây dựng, hoàn thành những công trình lớn có tầm cỡ chiến lược quốc gia như: Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Hòa Bình, củng cố các nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, Thái Nguyên, khai thác hết công suất Thủy điện Thác Bà. Về lưới điện, đã đưa các đường dây 220 kV Thanh Hóa –Vinh, Phả Lại-Hà Đông, trạm biến áp 110 kV, 220 kV Hà Đông mang tải sớm trước thời hạn, thi công xây dựng trạm biến áp 110 kV Yên Phụ. Nhiều trạm trung gian và đường dây phân phối được lắp đặt, vận hành. Nhìn chung, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế song về tổng thể, Tổng sơ đồ 1 đã đạt được kết quả nổi bật là: Đưa được công trình nhiệt điện Phả Lại và các công trình lưới điện vào đúng tiến độ, đáp ứng được nhu cầu về điện cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Từ năm 1986 - 1992, chủ trương đường lối đổi mới của Đảng, kinh tế Việt Nam có những bước liên tục phát triển mạnh mẽ, nhu cầu cấp thiết điện năng tăng cao. Trong khi đó các tỉnh Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhận điện qua đường dây 110kV dài hàng trăm cây số, dẫn đến công suất và điện áp không đảm bảo, chất lượng điện năng rất thấp. Có điện mà không dùng được vì điện áp quá thấp. Khu vực Nam Miền Trung nhận điện qua đường dây 66kV từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim cấp cho Cam Ranh, Khánh Hòa và một số nguồn diesel nhỏ tại chỗ. Khu vực Miền Nam có sự phát triển tốt về kinh tế, nhu cầu điện rất cao, nhưng lại thiếu nguồn. Lúc này Miền Bắc các Nhà máy điện đã, đang xây dựng và đưa vào vận hành như: Thác Bà, Ninh Bình, Uông Bí, Phả lại, Hòa Bình, dư thừa công suất, trong khi Miền Trung và Miền Nam thiếu điện nghiêm trọng, dùng điện với chất lượng điện áp thấp, đồng thời với việc cắt điện luân phiên tần suất cao.
Với nhu cầu cấp thiết, cung cấp điện Miền Trung, Miền Nam, Ngày 25/2/1992 Chính phủ đã phê duyệt Luận chứng kinh tế – kỹ thuật về xây dựng Hệ thống điện 500kV Bắc – Nam. Quyết định thời gian hoàn thành sau 2 năm, thời gian cấp bách nên cho phép thực hiện theo cơ chế đặc biệt là vừa khảo sát, thiết kế, nhập vật tư - thiết bị và thi công thực hiện song song. Cả nghành điện đặc biệt các Sở Truyền tải đón nhận tin này với niềm phấn khởi, vui mừng, tự hào và đầy trách nhiệm, với niềm tin và hy vọng sau khi hoàn thành dự án, được làm chủ công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới, là hệ thống SIÊU CAO ÁP, đảm bảo truyền tải công suất lớn, với chất lượng điện áp ổn định, ít sự cố, sẽ đảm bảo an toàn cung cấp điện trên phạm vi cả nước.
Với tổng chiều dài 1487 km, ĐZ 500kV mạch 1 gần ¼ bước sóng, theo tính toán lý thuyết thì dễ gây mất ổn định trong quá trình quá độ, khó kiểm soát, có thể xảy ra hiện tượng điện áp tăng rất cao, phá hủy các thiết bị và hệ thống điện. Trong thời kỳ đầu triển khai dự án, vẫn diễn ra các hội thảo và một số ý kiến của các cá nhân, các Nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước nghi ngờ sự thành công của dự án.
Bộ trưởng Thái Phụng Nê kiểm tra tại vị trí 379 trên đèo Hải Vân
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, cả nghành điện nỗ lực dồn công sức, trí tuệ, trách nhiệm, nhiệt huyết để quyết tâm hoàn thành dự án đúng kế hoạch tiến độ, là sau 2 năm phải đưa vào vận hành hệ thống điện Siêu cao áp 500kV đầu tiên, với 5 trạm biến áp và 1487km đường dây, qua địa bàn 14 tỉnh, với điểm đầu là Nhà máy thủy điện Hòa Bình và điểm cuối là Trạm biến áp 500kV Phú Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Công trình được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công phần đường dây vào ngày 5/4/1992 tại vị trí móng số 54 và khởi công phần trạm biếp áp vào ngày 21/01/1993 tại trạm biến áp Phú Lâm. Bên cạnh các công việc tính toán, thiết kế, nhập vật tư thiết bị (phần lớn nhập ngoại, kể cả phần cột, dây dẫn), thi công xây lắp... một công việc khác cũng gấp rút được triển khai, là đào tạo lực lượng để làm chủ, quản lý, vận hành, điều độ Hệ thống điện Siêu cao áp 500kV đầu tiên này. Lực lượng này này cơ bản được chọn, các Kỹ sư điện trẻ, có kiến thức, năng lực, tràn đầy nhiệt huyết tại các Công ty Điện lực 1, 2, 3 và Trung tâm điều độ hệ thống điện, và học tập trung từ tháng 7/1992 (Đợt 1), tại Trường Cán bộ (thuộc Bộ Năng Lượng, tại Thanh Xuân – Hà Nội. Tới đầu năm 1993 tiếp tục bồi huấn tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (có tăng cường thêm cán bộ - đợt 2), và sau đó tới tháng 9/1993 đi tập huấn thực tế về quản lý, vận hành, điều độ trên Hệ thống điện 500kV tại Úc, Bỉ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ được đào tạo từ năm 1992, 1993 này cũng vẫn tiếp tục giữ các vị trí quan trọng trong (Cục điều tiết ĐL, EVN, NPT, A0, PTC1, 2, 3, 4) quản lý kỹ thuật, vận hành, điều độ hệ thống điện 500kV. Cũng từ lực lượng nòng cốt được đào tạo bài bản này, ngay sau đó tiếp tục được nhân rộng ra, hướng dẫn, đào tạo thêm các kỹ sư đi ca tại A0, các Trạm 500kV và công nhân đường dây.
Ngày đầu lớp học tại Úc: Đ/C Đặng Huy Cường (Cục điều tiết ĐL); Đặng Hoàng An, Nguyễn Bỉnh Niệm, Nguyễn Anh Tuấn (EVN); Đ/C Sơn Hải, Vũ Xuân Khu (A0); Đ/C Nguyễn Tiến Dũng, Vũ Đình Thủy (PTC2, 4)...
Trong 2 năm liên tục nỗ lực tập trung thi công ngày, đêm, lễ, tết, đã biến công trình thành đại công trường lớn nhất cả nước với chiều dài trải dọc theo tuyến đường dây 1487km. Ngoài ra, công tác nghiệm thu gần như song hành với thi công . Từ nghiệm thu chi tiết đến lực siết từng con bu lông. Đúng với kế hoạch tiến độ, đến tháng 4/1994 đã thi công xong toàn bộ 5 trạm biến áp và 1487km ĐZ, sau đó là công tác thí nghiệm hiệu chỉnh.
Đúng 19 giờ 6 phút ngày 27/5/1994, tại Trung Tâm Điều Độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện 500kV Bắc Nam, qua Máy cắt 571 tại trạm biến áp 500kV Đà Nẵng, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành và khẳng định sự thành công của dự án cũng như sự táo bạo, quyết liệt của Chính phủ và nghành điện. Hệ thống điện cả nước đã nối liền và cân đối điều hòa, hỗ trợ toàn bộ công suất thừa thiếu các Vùng, Miền. Hiệu quả Hệ thống điện 500kV đã lập tức được phát huy ngay. Từ đây trở đi việc cung cấp điện Miền Trung, Miền Nam đã giải quyết không còn cảnh đói điện triền miên, cắt điện luân phiên, đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng, kinh tế, xã hội và đời sống tinh thần nhân dân đã có bước nâng cao đáng kể.
Thực tế, qua 20 năm vận hành càng chứng minh sự thành công vượt bậc của dự án Hệ thống điện 500kV Bắc Nam, như từ đây trở đi cơ bản đảm cung cấp điện an toàn - liên tục - chất lượng, cho sản xuất và tiêu dùng trên phạm vi cả nước, xứng đáng là vai trò xương sống trong việc cung cấp điện cho nền kinh tế, xã hội và an ninh năng lượng Quốc gia; sự lớn mạnh, trưởng thành của người Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại về Hệ thống điện. Cũng từ đây là cơ sở tự thiết kế, xây dựng đường dây 500kV mạch 2 và các nhánh rẽ. Sự nỗ lực trong suốt thời gian qua, đường dây thường vận hành với công suất cao, đầy hoặc quá tải (từ đó thêm mạch 2, mạch ...) với sản lượng hàng năm khoảng 10 tỷ kWh theo cả hai chiều Nam – Bắc, giải quyết được thừa thiếu công suất từng ngày, từng mùa giữa các vùng miền - giải quyết được kinh tế và đầu tư nguồn. Hệ thống đường dây 500kV mạch 1 đã trải qua 20 mùa mưa, bão, những thời khắc nghiệt ngã khi những cơn bão đi qua Xangsane (2006), Ketsana (2009), Nani (2013)…. toàn bộ hệ thống điện 500kV mạch 1 vẫn hiên ngang, đứng vững, cơ bản đảm bảo cung cấp điện liên tục ngay trong gió bão, tự điều này nói nên chất lượng xây dựng, đồng thời ghi nhận những nỗ lực, thành tích đáng tự hào của tập thể EVN, trong đó hơn 7000 CBCNV Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc Gia, đã thường xuyên chăm sóc, bảo dưỡng, củng cố đảm bảo chất lượng công trình, đặc biệt các mùa mưa bão thường căng mình 24/24h bên cạnh Hệ thống điện 500kV, trong các điều kiện thời tiết khắc nhiệt của gió mưa, bão, lũ để duy trì liên tục dòng điện, xương sống của hệ thống điện, huyết mạch của nền kinh tế Việt Nam.