Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương (DBKTTV), Hồi 07 giờ ngày 6/8/2013, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 14,0 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km. Đến 07 giờ ngày 07/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 80km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km, đi dọc theo ven biển các tỉnh Trung Bộ. Như vậy khoảng đêm 7/8 vùng tâm bão có khả năng đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 08/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Đây là cơn bão hình thành ngay sau cơn bão số 5 và hướng đi dọc theo bờ biển từ miền Trung, do vậy mức độ ảnh hưởng sẽ rất lớn do mưa kéo dài nhiều ngày vùng núi phía Bắc từ cơn bão số 5. Từ ngày 7/8 ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông; từ đêm 7/8 ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Để chủ động phòng tránh, ứng phó bão số 6, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia yêu cầu các đơn vị thực hiện một số nội dung công việc sau:
1) Phối hợp với Ủy ban phòng chống lụt bão địa phương, thường xuyên theo dõi sát tình hình diễn biến của bão, để đảm bảo an toàn cung cấp điện; đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và các công trình điện (kể cả các công trình đang thi công, đặc biệt chú ý công trình trọng điểm); chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để ứng phó với lũ lụt có thể xảy ra.
2) Lãnh đạo các đơn vị nằm trong vùng ảnh hưởng của mưa bão, phân công trực ban liên tục 24h/24h trong thời gian mưa bão để kịp thời giải quyết công việc.
3) Sau khi bão đã kết thúc, các đơn vị khẩn trương khắc phục các sự cố (nếu có), tổ chức kiểm tra các đường dây, thiết bị, trạm biến áp, đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, ổn định.
4) Báo cáo nhanh tình hình vận hành lưới điện về Ban CH PCLB EVNNPT, theo địa chỉ email:hoannd@npt.evn.vn; vinhpl@npt.evn.vn;
Ban CH PCLB EVN theo địa chỉ email: banchihuypclbevn@evn.com.vn./.
5) Tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả do mưa, lũ lụt gửi về Tổng Công ty (Ban Kỹ thuật)
KT.TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
(đã ký)
Vũ Ngọc Minh