
Phó Tổng giám đốc EVNNT Trương Hữu Thành làm việc với CPMB về công tác Bồi thường giải phóng mặt bằng
Bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các công trình lưới điện luôn là một “bài toán nan giải” mà các đơn vị trong EVNNPT phải đối mặt, trong đó có CPMB. Càng ngày độ khó của “bài toán” này càng tăng lên rõ rệt, qua đó rất nhiều công trình triển khai bị chậm tiến độ xuất phát từ vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Do vậy, việc tìm kiếm những giải pháp, hướng đi trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) là yếu tố quyết định đến tiến độ công trình và hiệu quả của các dự án. Xác định, đây là công việc hết sức quan trọng, tạo tiền đề để dự án đạt tiến độ mong muốn. Việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng CBCNV làm công tác BTGPMB và hiểu được khó khăn trong nghiệp vụ để từ đó có những quan tâm chỉ đạo sát sao trong công tác BTGPMB. PTGĐ Trương Hữu Thành đã có buổi làm việc với CPMB để có những điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao công tác BTGPMB.
Theo báo cáo, từ đầu năm 2022 đến này, CPMB đã thực hiện hoàn thành công tác BTGPMB để đóng điện 04 dự án là TBA 220kV Tương Dương và đấu nối; ĐZ 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và và ĐZ 500kV Quảng Trạch- Vũng Áng & SPP 500kV Quảng Trạch; TBA 220kV Chư Sê và đấu nối. Các dự án đóng điện trong năm 2022 và 2023 là ĐZ 500kV đấu nối Vân Phong – NĐ Vĩnh Tân; TBA 500kV Vân Phong và đấu nối; TBA 500kV Vân Phong và đấu nối; ĐZ 220kV mạch kép Ninh Phước-500kV Thuận Nam; ĐZ 220kV Nha Trang - Tháp Chàm, ĐZ 220kV Krông Buk - Nha Trang mạch 2; ĐZ 220kV Chơn Thành - Bến Cát; TBA 500kV Chơn Thành và Đấu nối; TBA 220kV Krong Ana và đấu nối; ĐZ 220kV Huội Quảng- Nghĩa Lộ; TBA 220kV Nghĩa Lộ và ĐZ 220kV Nghĩa Lộ- Việt Trì. Các dự án khởi công: TBA 220kV Nghi Sơn 2 và đấu nối; TBA 500kV Bình Dương; TBA 500kV Quảng Trị và ĐZ 500kV đấu nối -rẽ Đà Nẵng- Hà Tĩnh; TBA 220kV Nam Cấm và đấu nối.
Theo báo cáo của CPMB, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Cụ thể đó là kế hoạch sử dụng đất hàng năm phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần do số liệu Tư vấn cung cấp trong giai đoạn khảo sát chưa đầy đủ khi xây dựng dự án nên khi thu hồi đất không thực hiện được. Việc này địa phương và CPMB phải điều chỉnh, xin bổ sung kế hoạch sử dụng đất trình cấp thẩm quyền phê duyệt lại nên mất rất nhiều thời gian. Các dự án thường không được UBND tỉnh cập nhật đầy đủ diện tích đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Quy hoạch sử dụng đất ở các tỉnh, thành phố chưa gắn chặt với quy hoạch phát triển điện lực dẫn đến thiếu đồng bộ trong thực hiện các quy hoạch và kéo dài thời gian thực hiện dự án. Các Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn công tác BTGPMB chưa đồng bộ có sự chồng chéo, chưa phù hợp với thực tế dẫn đến vướng mắc và kéo dài thời gian thực hiện dự án. Thủ tục xin chủ trương và xin chuyển mục đích sử dụng rừng quy định tại Điều 41 của Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020, đặc biệt, chuyển đổi rừng tự nhiên sang các loại sang đất xây dựng dự án là rất phức tạp, qua nhiều Bộ ngành. Công tác quản lý đất đai tại một số địa phương chưa thực sự đầy đủ, nên có nhiều hộ dân làm nhà ở, công trình trên đất không phải là đất ở, nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý dứt điểm. Đến khi thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ công trình điện gặp rất nhiều khó khăn. Việc thỏa thuận tuyến/thỏa thuận mặt bằng trạm biến áp & ĐZ đấu nối vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Các cấp chính quyền tỉnh, thành phố chưa vào cuộc quyết liệt trong khâu BTGPMB cho lưới truyền tải điện. Công tác đền bù thi công gặp vướng mắc liên quan đến bồi thường phục vụ thi công nhưng chưa có quy định nào để giải quyết nội dung này. Thái độ của người dân còn chưa tích cực, đôi khi còn có tính chất chống đối với mục đích vụ lợi. Còn bất cập khác liên quan đến nghiệm thu hành lang trước đóng điện. Bên cạnh đó, nhân sự làm công tác BTGPMB còn mỏng và thiếu kỹ năng mềm khi làm việc với chính quyền địa phương các các hộ dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt ở các địa phương hiện nay không đủ cán bộ chuyên trách để thực hiện công tác bồi thường GPMB. Ngay cả đến việc nghiệm thu hành lang tuyến với đơn vị quản lý vận hành cũng gặp nhiều vướng mắc. Kể cả việc tháo dỡ Nhà ở, công trình trong hành lang an toàn ĐZ 500kV và đối với công trình (nhà tắm, kho, nhà vệ sinh, bếp & chuồng trại) nằm trong hành lang an toàn ĐZ 500kV.
Sau khi nghe báo cáo tổ chức bộ máy, nhân sự trong Công tác BTGPMB, cũng như báo cáo đánh giá kết quả thực hiện của CPMB năm 2022 và 2023. Ông Trương Hữu Thành – PTGĐ EVNNPT đánh giá cao tập thể CBCNV CPMB nói chung và CBCNV phòng Đền bù nói riêng, mặc dầu đồng thời phải triển khai rất nhiều công trình trải dài từ Bắc đến Nam, đi qua nhiều vùng miền với những văn hóa con người, tập quán địa phương phức tạp khác nhau và với số lượng CBCNV ít ỏi nhưng luôn nỗ lực để hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch hằng năm được được giao. Những khó khăn vướng mắc của CPMB đề cập, EVNNPT sẽ nghiên cứu và cùng với ban, ngành, địa phương và các bên liên quan để rút kinh nghiệm và cùng tháo gỡ.
Để nâng cao công tác BTGPMB, Ông Trương Hữu Thành cũng yêu cầu CPMB tập trung rà soát cụ thể các vướng mắc tại các dự án hiện nay, phân loại và xây dựng kế hoạch cụ thể giải quyết từng phần việc. Phân công cán bộ đảm nhận giải quyết từng dự án, từng việc, từng vướng mắc và có kiểm tra đánh giá hiệu quả trong từng thời gian nhất định. Tăng cường cán bộ có năng lực tập trung trên tuyến, làm việc với các địa phương để kịp thời giải quyết các vướng mắc hiện nay nhằm tạo mặt bằng thuận lợi cho đơn vị thi công. Lãnh đạo phụ trách công tác BTGPMB của CPMB thường xuyên bám sát công trường để làm việc với các cấp chính quyền địa phương, hỗ trợ cán bộ xử lý công việc và giải quyết các vướng mắc phát sinh; Kiểm tra và đôn đốc cán bộ thực hiện công việc theo kế hoạch và các cam kết nhằm đảm bảo việc bàn giao mặt bằng thi công theo kế hoạch đăng ký. Có đánh giá lại kết quả thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đã đăng ký; Báo cáo cụ thể và đề xuất các biện pháp giải quyết công việc cho Lãnh đạo Ban để có hỗ trợ chỉ đạo giải quyết. Đồng thời, kịp thời báo cáo kịp thời các cấp thẩm quyền của địa phương, Lãnh đạo CPMB, EVNNPT, EVN các vướng mắc kéo dài liên quan đến chính sách, chủ trương không thể giải quyết ở cấp cơ sở để có sự hỗ trợ, chỉ đạo giải quyết. Chủ động theo dõi chỉ đạo, hỗ trợ cho các nhà thầu trong việc bồi thường phục vụ thi công và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tế trên tuyến. Phối hợp với tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công để xử lý các thay đổi liên quan đến khó khăn về bồi thường.
Về công tác nghiệp vụ, thường xuyên tăng cương công tác đào tạo/tự đào tạo hướng dẫn lại chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ trong phòng liên quan đến công việc được giao, chấp hành nghiêm quy định Nghị định của Chính phủ, EVN, EVNNPT, các quy định của địa phương, kỷ cương, kỷ luật và chính sách pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của PTGĐ Trương Hữu Thành, ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc CPMB đã cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo EVNNPT, nhất là công tác BTGPMB đặc biệt khó khăn, đồng thời chia sẽ khó khăn của CBCNV làm công tác này. Giám đốc CPMB cam kết sẽ tổ chức thực hiện và triển khai đầy đủ các ý kiến chỉ đạo để ngày càng hoàn thiện công tác BTGPMB và rút ngắn thời gian BTGPMB để góp phần đưa công trình đóng điện đúng tiến độ./.