Chủ tịch HĐTV EVNNPT làm việc với Công ty Điện lực Tokyo - Nhật Bản

Chủ nhật, 23/4/2017 | 09:50 GMT+7
​Kết thúc chương trình làm việc tại Nhật Bản, Chủ tịch HĐTV Đặng Phan Tường và đoàn công tác của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã làm việc với Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) tại trụ sở chính và đi tìm hiểu thực tế TBA 500 kV ngầm đầu tiên trên thế giới.

Đây là chuyến thăm và làm việc đầu tiên của lãnh đạo EVNNPT với TEPCO nhằm tìm hiểu, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý hệ thống truyền tải điện.

Tham dự buổi làm việc với đoàn tại trụ sở TEPCO có ông Toshiro Takebe - Tổng Giám đốc Công ty Lưới điện TEPCO (TEPCO Power Grid); ông Satoshi Niwa - Tổng Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng mạng lưới Nhật Bản (TTNI) cùng với lãnh đạo các ban chức năng của TEPCO, TEPCO Power Grid và TTNI.

CTHDTV-TEPCO_230417_1.jpg 

Ông Toshiro Takebe và lãnh đạo các ban của TEPCO, TEPCO Power Grid đã giới thiệu một số thông tin chính về mô hình tổ chức, công tác quản lý vận hành hệ thống lưới điện và kết quả sản xuất kinh doanh của TEPCO.

Công ty Điện lực Tokyo được thành lập từ năm 1951, là công ty lớn nhất trong số 10 công ty điện lực của Nhật Bản, có nhiệm vụ cung cấp điện cho vùng Kanto, tỉnh Yamanashi và khu vực phía đông tỉnh Shizuoka, bao gồm thủ đô Tokyo.

TEPCO là công ty cổ phần, chính quyền thành phố Tokyo nắm giữ 1,2%; các tập đoàn trong nước nắm 65,6%; còn lại là cổ phiếu được giao dịch tự do trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài chiếm 14%.

Năm 2016, tổng số cán bộ công nhân viên của Công ty là 42.855 người; tổng tài sản là 13.659,769 tỷ Yên (tương đương 121,3 tỷ USD), doanh thu là 6.069,9 tỷ Yên (tương đương 53,9 tỷ USD), lợi nhuận sau thuế là 140,783 tỷ Yên (tương đương 1,25 tỷ USD).

Các nhà máy điện do TEPCO quản lý có tổng công suất là 54.083 MW (không tính 02 nhà máy điện hạt nhân đang dừng hoạt động), bao gồm:

- Thủy điện: 07 nhà máy (NM) với tổng công suất là 9.858 MW.

- Nhiệt điện: 15 NM với tổng công suất là 44.225 MW.

- Hạt nhân: 02 NM (Fukushima và Kashiwazaki) với tổng công suất là 12.612 MW. Tuy nhiên, sau trận động đất lịch sử năm 2011 gây sự cố nghiêm trọng tại NM điện hạt nhân Fukushima, hai NM này đã dừng hoạt động.

Hệ thống truyền tải điện do TEPCO quản lý bao gồm 21.208 km đường dây và 1.582 trạm biến áp (TBA) với tổng công suất là 269.570 MVA, cụ thể như sau:

Điện áp

Đường dây (km)

Số TBA

Dung lượng (MVA)

500 kV

2.493

28

88.100

275 kV

1.600

54

65.350

110 - 154 kV

3.258

169

47.700

66 - 77 kV

11.280

1.246

67.575

55 kV

2.577

85

845

Trong đó, có một số đoạn đường dây được thiết kế là 1.000 kV nhưng đang được vận hành ở cấp điện áp 500 kV. Ngoài ra, TEPCO còn quản lý vận hành trạm biến đổi tần số Shin-Shinano, là một trong ba trạm biến đổi tần số giữa 50 Hz và 60 Hz trên hệ thống truyền tải điện của Nhật Bản.

Năm 2016, sản lượng điện thương phẩm của TEPCO là 247,075 tỷ kWh; tổn thất điện năng chung của cả lưới truyền tải điện và phân phối điện là 4,8%.

Trong thời gian 8 năm, từ năm 2008 đến năm 2016, TEPCO đã chuyển đổi toàn bộ các TBA từ có người trực thành không người trực. Chỉ có một số TBA đặc biệt quan trọng như cấp điện cho sân bay là vẫn duy trì có người trực.

TEPCO có 42 đội bảo dưỡng khu vực thực hiện công tác sửa chữa, bảo dưỡng, xử lý sự cố, theo dõi tình trạng vận hành, ... các đường dây và TBA. Công tác bảo dưỡng định kỳ thuê ngoài thực hiện. Mỗi đội bảo dưỡng có khoảng 30 người, chia làm 02 bộ phận: đường dây và TBA. Thời gian tối đa tiếp cận TBA khi có sự cố theo quy định là 01 tiếng. Mỗi thiết bị phải được kiểm tra tình trạng hoạt động, thông số vận hành định kỳ không quá 1 tháng.

CTHDTV-TEPCO_230417_2.jpg
Đoàn công tác EVNNPT chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo, đại diện các ban chức năng của TEPCO, TEPCO Power Grid, TTNI

Tại buổi làm việc, lãnh đạo TEPCO Power Grid cũng đã có bài trình bày, giới thiệu về các TBA ngầm của TEPCO. Đây là giải pháp rất hiệu quả, đưa các TBA 500 kV, 275 kV vào sâu trong nội thành các thành phố lớn, đặc biệt là Tokyo - thành phố có mật độ dân số cao hàng đầu thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng gia tăng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng. Giải pháp này cũng rất phù hợp với các thành phố lớn khi việc mua đất và giải phóng mặt bằng để xây dựng TBA ngày càng khó khăn. Chi phí đầu tư TBA ngầm gấp khoảng 3 lần TBA ngoài trời truyền thống. Tuy nhiên, tòa nhà xây dựng bên trên TBA ngầm có thể sử dụng để kinh doanh.

Tỷ lệ TBA ngầm so với tổng số TBA của TEPCO: trung bình là 13%, tại thủ đô Tokyo là 39% và tính riêng 3 quận trung tâm (xung quanh khu vực Ginza) của Tokyo là 86%.

Sau khi làm việc tại trụ sở chính, đoàn công tác EVNNPT đã đến tìm hiểu TBA 500 kV ngầm, không người trực Shin-Toyosu. Đây là TBA 500 kV ngầm đầu tiên trên thế giới, đưa vào vận hành từ tháng 11/2000. TBA được xây dựng tại khu vực trung tâm của thủ đô Tokyo, do đó có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho khu vực này. TBA được chuyển đổi từ có người trực thành TBA không người trực vào năm 2016 và được điều khiển xa bởi Trung tâm điều khiển Shin-Keiyo, cách trạm 40 km. Một số thông số chính của TBA như sau:

CTHDTV-TEPCO_230417_3.jpg
Tòa nhà bên trên TBA 500 kV ngầm Shin-Toyosu nhìn từ phía ngoài, các thiết bị được lắp đặt tại 4 tầng ngầm, tầng 1 là văn phòng làm việc của trạm, từ tầng 2 trở lên được TEPCO cho thuê

- Công suất theo thiết kế là 6.480 MVA, hiện nay là 6.300 MVA, gồm:

+ Máy biến áp (MBA) 500/275 kV: 3x1.500 MVA.

+ MBA 275/66 kV: 6x300 MVA.

+ Nếu nhu cầu phụ tải tăng lên, có thể lắp đặt thêm 03 MBA 66/22 kV: 3x60 MVA.    

- Số đường dây xuất tuyến như sau: 02 mạch 500 kV, 06 mạch 275 kV, 15 mạch 66 kV, 14 mạch 22 kV (để dự phòng, chưa lắp đặt).

- TBA có dạng hình tròn để giảm chi phí xây dựng, chia làm 3 phần đều nhau để lắp đặt thiết bị:

+ Có 01 tầng nổi và 04 tầng ngầm. Tầng 1 được sử dụng làm văn phòng làm việc của trạm. Thiết bị được lắp đặt tại 4 tầng ngầm. Từ tầng 2 của tòa nhà bên trên trạm đang được TEPCO cho các công ty khác thuê làm văn phòng, trụ sở, ...

+ Diện tích một sàn: 30.000 m2 (bằng 1/9 trạm ngoài trời truyền thống).

- Ngoài các thiết bị nhất thứ là GIS, các MBA cũng sử dụng cách điện khí (GIT). Kháng bù ngang lắp đặt tại trạm có công suất lớn nhất Nhật Bản là 300 MVA.

CTHDTV-TEPCO_230417_4.jpg
Máy biến áp 500/275 kV GIT

CTHDTV-TEPCO_230417_5.jpg
Đoàn công tác EVNNPT chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ của TEPCO Power Grid tại tầng hầm đặt các thiết bị đóng cắt GIS 500 kV

Thay mặt đoàn công tác, Chủ tịch HĐTV EVNNPT Đặng Phan Tường trân trọng cảm ơn lãnh đạo TEPCO, TEPCO Power Grid đã tạo điều kiện cho đoàn tìm hiểu cũng như nhiệt tình chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm trong quản lý, vận hành TBA 500 kV ngầm, không người trực./.

Ban Tổng hợp HĐTV EVNNPT