
Huỳnh Văn Hạ - Công nhân Đội Truyền tải điện Quy Nhơn
Khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên qui mô toàn cầu đã tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội Việt Nam; trong đó các doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Doanh nghiệp sẽ tăng trưởng nhanh nếu cập nhật kịp thời xu hướng. Ngược lại, nếu “lạc nhịp”, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp qui mô, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường. Chính vì vậy, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã xác định việc xây dựng, giữ gìn và phát triển các giá trị Văn hóa EVNNPT có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Và một trong những chuẩn mực đạo đức đặc trưng, tiêu biểu của Ngành Truyền tải điện chính là tính “Tuân thủ, tôn trọng”: Tuân thủ và tôn trọng luôn được cán bộ công nhân viên EVNNPT quán triệt, là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của EVNNPT. Tuân thủ pháp luật, các quy định nội bộ, chỉ đạo của cấp trên; chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử và văn hóa giao tiếp của EVNNPT. Tôn trọng tổ chức, đồng nghiệp, đối tác và các giá trị văn hóa của EVNNPT. Luôn tôn trọng và giữ lời hứa cả trong công việc và cuộc sống.
Quả thật như vậy, người lao động phải làm việc trực tiếp với môi trường điện cao áp/siêu cao áp, với sứ mệnh đặc biệt là đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định truyền tải điện – có vai trò quan trọng được ví như là “xương sống của hệ thống điện” nên đòi hỏi phải thực hiện tốt tính tuân thủ, chấp hành các quy định, quy trình, quy chế một cách nghiêm ngặt, tôn trọng sự điều hành, chỉ đạo và ý kiến của cấp trên bởi chỉ một sai sót nhỏ trong công tác quản lý vận hành có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đối với CBCNV của toàn Tổng Công ty nói chung và của Truyền tải điện Bình Định nói riêng cũng như vậy, tính tuân thủ, tôn trọng đã ăn sâu vào trong ý thức của mỗi người, không chỉ thể hiện rõ nét qua cách làm việc, trong lao động sản xuất, mà còn ở những sinh hoạt đời thường, ứng xử, giao tiếp..v..v..Tuân thủ, tôn trọng đã đi sâu, xuyên suốt chặng đường của những “người lính” Truyền tải điện Bình Định.
Vào những ngày hè với cái nóng oi bức của tháng bảy, tôi có dịp trò chuyện với anh Huỳnh Văn Hạ - Công nhân quản lý vận hành đường dây (QLVHĐZ), Đội Truyền tải điện Quy Nhơn (Đội TTĐ QN) trực thuộc Truyền tải điện Bình Định – người vẫn thường được anh em trong Đội gọi bằng cái tên đầy gần gũi: “anh Năm” hay “anh Năm Hạ”. Tốt nghiệp trường Kỹ thuật cơ điện Quy Nhơn năm 1996, đến năm 1998 vào công tác tại Truyền tải điện Bình Định – Quảng Ngãi nay là Truyền tải điện Bình Định, công việc chính là QLVHĐZ cấp điện áp 220kV, với đặc thù công việc phải thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng các tuyến đường dây nằm ở những địa hình hiểm trở: núi cao, vực sâu.. phải băng đèo, lội suối, làm việc trên những trụ điện cao chót vót, dù ngày hay đêm, giữa trưa nắng chói chang hoặc trời mưa tầm tã, cùng những hiểm nguy, khó khăn, vất vả mà “anh Năm” và các đồng đội luôn phải đối mặt hàng ngày.

Huỳnh Văn Hạ - Công nhân Đội Truyền tải điện Quy Nhơn
Tuy gian nan là thế, mặc dù đã trải qua 22 năm gắn bó với nghề, nhưng lòng nhiệt huyết, tính tuân thủ, sự tôn trọng vẫn ánh lên trên gương mặt, ánh mắt, lời nói và những cử chỉ của anh khi tôi ngồi trò chuyện. Anh tâm sự với tôi về những lần làm việc, đặc biệt là những lúc phải thao tác trên cao như: vệ sinh, bảo dưỡng hoặc sửa chữa, thay thế thiết bị trên đường dây thì cần phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về an toàn, quy trình thao tác và đặc biệt là phương án thi công đã đề ra, được lãnh đạo phê duyệt, chỉ cần một phút lơ là, chủ quan thì có thể phải trả bằng một cái giá rất đắt, có khi bằng chính tính mạng của mình, đồng đội mình. Và có một thực tế, đó là không phải lúc nào mọi việc đều nằm trong sự tính toán, đều có trong phương án, đôi lúc sẽ có những tình huống phát sinh, những tình huống không có trong kịch bản. Anh kể, nhiều lúc gặp phải tình huống nan giải, cần phải xử lý ngay nhưng lại không có trong phương án, mọi người cùng thảo luận, có khi tranh luận để đưa ra các giải pháp tháo gỡ tình huống, đôi khi mỗi người mỗi ý không tìm được tiếng nói chung….lúc này vai trò của người chỉ huy trực tiếp tại hiện trường vô cùng quan trọng, khi chỉ huy đã đưa ra quyết định sau cùng, ngay cả việc giải pháp đó có thể không đúng theo ý của anh hoặc của cá nhân nào, nhưng tất cả mọi người đều phải nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh, tôn trọng ý kiến chỉ đạo của người chỉ huy đó chính là những nguyên tắc đã ăn sâu trong anh, thành bại đều nằm trong nguyên tắc này. Chính vì luôn “tuân thủ, tôn trọng” nên trong suốt chặng đường công tác, anh Huỳnh Văn Hạ không để xảy ra bất kì sự cố nào do yếu tổ chủ quan của bản thân, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ cấp trên giao. Anh nói với tôi, nếu nói về phẩm chất “tuân thủ, tôn trọng” của “lính truyền tải” thì có rất nhiều, trong đó có một câu chuyện mà khi nghe anh kể, tôi vẫn nhớ như in…Ngày 03/11/2017, cơn bão số 12 Damrey đổ bộ vào Việt Nam với sức gió 130km/h, mạnh cấp 12, giật cấp 15, với tâm bão ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Nhắc lại sự tàn phá của cơn bão có lẽ đến bây giờ những người con của dải đất miền trung ven biển không thể nào quên được, thậm chí nó trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Anh bồi hồi nhớ lại… lúc đó bão đã đổ bộ vào đất liền, ngoài trời mưa to, gió gầm rú, điện cúp, nhiều căn nhà mái tôn va vào nhau chát chúa, phát ra tiếng run bần bật, mặc dù đã có sự chuẩn bị chống bão trước đó nhưng trước sức mạnh khủng khiếp của cơn bão, trong lòng vẫn rất lo lắng, trong lúc đó lại nhận được lệnh điều động tức tốc tăng cường Phú Yên xử lý sự cố lưới điện do bão gây ra nên nỗi lo càng tăng thêm gấp bội khi trong nhà chỉ có mỗi vợ cùng hai con nhỏ, một đứa 6 tuổi, một đứa 9 tuổi, thì biết làm gì để chống được bão bây giờ! Lúc này, không kịp nghĩ ngợi điều gì, chỉ biết hành động… nhanh chóng buộc chặt thêm các cửa sổ, cửa chính, chằng chống thêm mái nhà, các vị trí xung yếu, bỏ vài bộ đồ vào hành lý rồi vào đơn vị để kịp cùng anh em trong đội đi Phú Yên xử lý sự cố. Anh nói, nếu không có tính tuân thủ, tôn trọng sự điều động của cấp trên, nếu mỗi người chỉ nghĩ về bản thân mình có lẽ đã không bao giờ làm nên con người cốt cách và tinh thần của những người công nhân truyền tải điện. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, với tinh thần kỷ luật, kỷ cương, nghiêm túc chấp hành tốt các quy định, thực hiện tốt các nhiệm vụ lãnh đạo giao, nên nhiều năm liền, anh Huỳnh Văn Hạ đạt lao động tiên tiến, ngoài ra còn được khen thưởng các danh hiệu: Chiến sĩ thi đua cơ sở, Giấy khen của EVNNPT, Giấy khen của Công ty Truyền tải điện 3 và mới đây nhất là được vinh danh tại Lễ biểu dương Công nhân lao động giỏi tiêu biểu năm 2020 toàn Tổng Công ty được Công đoàn EVNNPT tổ chức vào ngày 10/7/2020 tại Hà Nội.
Qua tìm hiểu thêm, tôi được biết “anh Năm” trong Đội TTĐ QN không chỉ là lớp đàn anh giỏi về chuyên môn để các thế hệ trẻ noi theo, mà trong gia đình, anh còn là người chồng, người cha gương mẫu và là một người con hiếu thảo. Hiện tại, anh sống cùng vợ, 2 con cùng với mẹ già - cụ bà Trần Thị Hoa, 73 tuổi. Vào khoảng đầu năm 2020, bà không may bị tai biến, mặc dù vượt qua được thời khắc sinh tử nhưng hiện tại chỉ cử động được nửa cơ thể bên trái, nên mọi sinh hoạt từ ăn uống, đi lại, tắm rửa, vệ sinh, điều trị bệnh đều cần phải có người hỗ trợ. Vợ thì đi làm cả ngày, hai con thì còn đi học, nên ngoài thời gian thuê người chăm bệnh, những lúc ở nhà, tất cả mọi việc, anh đều đích thân lo cho mẹ. Mỗi buổi chiều đi làm về, hay mỗi cuối tuần được ở nhà, anh đều dành tất cả thời gian và tâm huyết cho gia đình, cho việc chăm sóc và điều trị bệnh cho mẹ. Qua hoàn cảnh gia đình anh, mới thấy được, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Lãnh đạo đơn vị giao, được vinh danh lao động giỏi, lại vừa đảm bảo chu toàn mọi việc trong gia đình, phụng dưỡng mẹ già đau ốm không phải là điều dễ dàng và ai cũng làm được. Để có thể vượt qua tất cả những khó khăn, vất vả để đạt được những thành công trong ngày hôm nay, tất cả đều xuất phát từ sự tuân thủ, tôn trọng, trách nhiệm, tận tâm trong công việc và tình yêu thương rất lớn dành cho gia đình.
Kết thúc buổi nói chuyện, tôi nhận thấy tất cả những điều về công việc, về gia đình, về cuộc sống… vui có, buồn có, gian lao, vất vả cũng nhiều, những phút thảnh thơi, thư giãn cùng bạn bè cũng có…tất cả đều được “anh Năm” kể với niềm tự hào, rạng rỡ, đôi lúc pha chút dí dỏm, lại làm tôi nhớ đến một điều mà tôi đã được học ở các lớp đào tạo Văn hóa EVNNPT đó là: Văn hóa EVNNPT không phải được xây dựng từ một điều gì đó khác lạ, mà được xây dựng từ chính những phẩm chất của những CBCNBV Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia được hình thành cùng với quá trình phát triển EVNNPT. Đó là, những người đề cao tính nhân văn coi trọng lòng nhân ái, luôn đoàn kết, thống nhất, biết tuân thủ, tôn trọng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm với công việc và lúc nào cũng lạc quan và tin tưởng vào tương lai tương sáng của EVNNPT.
-20200829094939528.JPG)
Huỳnh Văn Hạ - Công nhân Đội Truyền tải điện Quy Nhơn được EVNNPT khen thưởng công nhân lao động giỏi