Công ty Truyền tải điện 2: Triển khai nhiều giải pháp tối ưu nhằm giảm thiểu sự cố trên lưới điện

Thứ năm, 24/7/2014 | 14:00 GMT+7
Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) giao, ngày 23/7/2014, Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đã tổ chức Hội nghị công tác quản lý vận hành đường dây, rút kinh nghiệm các sự cố của PTC2 và các đơn vị khác trong EVNNPT và đề ra các giải pháp tối ưu nhằm giảm thiểu sự cố, đảm bảo vận hành an toàn lưới truyền tải điện trong 6 tháng cuối năm 2014.

1.png 
​Công ty Truyền tải điện 2 tổ chức Hội nghị công tác quản lý vận hành đường dây, rút kinh nghiệm các sự cố  ​

Tham gia hội nghị có 70 cán bộ thuộc PTC2, gồm lãnh đạo các phòng chuyên môn; Giám đốc, Trưởng phòng Kỹ thuật và cán bộ làm công tác kỹ thuật các đơn vị; Đội trưởng các Đội quản lý vận hành đường dây, Trạm trưởng các Trạm biến áp. Ông Trần Thanh Phong – Phó giám đốc PTC2 chủ trì Hội nghị.

Qua thống kê 6 tháng đầu năm 2014, sản lượng điện giao của PTC2 tính theo hợp đồng dịch vụ là 2.938.595.583kWh, đạt 48,8% kế hoạch EVNNPT giao, tăng 8,02% so với cùng kỳ năm 2013. Ước tính sản lượng cả năm đạt 5.596.334.451kWh (chưa tính sản lượng cấp ngược lên lưới 500 kV) trong khi kế hoạch EVNNPT giao cho PTC2 là 6.020.000.000kWh.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, mặc dù các đơn vị đã có nhiều nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được PTC2 giao, tuy nhiên lưới truyền tải điện của PTC2 vẫn bị một số sự cố mà nguyên nhân nổi bật do các hiện tượng sau: Đối với Trạm biến áp nguyên nhân chủ yếu do chạm chập nhị thứ; rơ le bảo vệ tác động nhầm, vượt cấp; suy giảm cách điện. Đối với đường dây nguyên nhân chủ yếu do phóng điện trên bề mặt cách điện đường dây, nhiều vị trí do thời tiết có sương mù dày đặc, thiết kế cách điện tại các vị trí này chưa phù hợp (độ nhiễm bẩn thiết kế nhỏ hơn thực tế); sự cố do thời tiết, giông sét, mưa, bão, lốc, gió xoáy; do ảnh hưởng của đám cháy cỏ tranh, mầm cây, lá thông khô tại khu vực rừng thông cháy lan vào hành lang tuyến gây sự cố phóng điện,…

Để đảm bảo tốt công tác quản lý vận hành lưới truyền tải điện trong 6 tháng cuối năm, PTC2 đặc biệt chú trọng các giải pháp sau:

- Đối với công tác sửa chữa khi có cắt điện đường dây: Ngoài việc sửa chữa thường xuyên như thay sứ vỡ, xiết phụ kiện, kiểm tra,… các Đội đường dây cần tập trung vệ sinh sứ cách điện. Rà soát chặt chẽ các vị trí néo ở đỉnh núi, đồi cao để bổ sung tạ bù, điều chỉnh dây lèo đảm bảo khoảng cách từ lèo đến cột khi có gió lốc, mưa bão. Chú trọng kiểm tra chủ động phát hiện và xử lý ngay những cây cao ngoài hành lang tuyến.

- Bổ sung 280 bát sứ cách điện cho 35 vị trí (4 vị trí néo, 31 vị trí đỡ) vào các chuỗi hiện hữu của đường dây 500kV mạch 2 Đà Nẵng - Hà Tĩnh, các đơn vị tiếp tục rà soát, bổ sung bát sứ cách điện tại các vị trí để tăng cường cách điện đường dây, đặc biệt các đường dây đi qua các khu công nghiệp, qua vùng nhiễm mặn, các đường dây qua khu vực có độ ô nhiễm cao.

- Tăng cường công tác kiểm tra, tổng hợp các cung đoạn đường dây đi qua khu vực xung yếu (gồm khu vực: đông dân cư, thường xuyên đốt rẫy, thi công xây dựng, trồng và khai thác cây, vùng đồi núi hiểm trở,…); phải bảo đảm nội dung tuyên truyền đến tất cả các hộ dân, đơn vị, lâm trường dọc tuyến đường dây (tờ rơi, pa nô, áp phích,…); xây dựng kế hoạch phối hợp công tác phòng chống cháy rừng, ký cam kết với các hộ dân, lâm trường,…; hỗ trợ người dân các khu vực có tập quán đốt rừng làm rẫy để phát quang tạo vành đai chống cháy lan vào đường dây; chủ động phối hợp với các chủ hộ trồng rừng trong việc giám sát các hoạt động khai thác, thi công có khả năng ảnh hưởng đến vận hành đường dây.

- Giải quyết triệt để cây cối trong và ngoài hành lang tuyến, đặc biệt là cây có khả năng ảnh hưởng đến đường dây khi ngã đổ trước mùa mưa bão.

- Lắp đặt về hệ thống biển báo tại các điểm giao chéo với đường bộ, đường thủy nội địa, hệ thống đèn cảnh báo theo quy định.

 - Để hạn chế sự cố do giông sét: các đơn vị rà soát hoàn thiện hệ thống tiếp địa đường dây, xử lý tiếp xúc giữa tiếp địa và cột điện, tiếp xúc giữa dây chống sét và cột điện. Xử lý tiếp địa có thiết kế quấn quanh móng cột, có chiều dài tia lớn hơn 50m, xử lý tiếp địa bị ăn mòn, hư hỏng mang tính chất hàng loạt.

- Để ngăn ngừa sự cố của Trạm biến áp (TBA), các đơn vị cần tập trung một số giải pháp sau:

+ Để ngăn ngừa các sự cố do chạm chập nhị thứ, các TBA cần rà soát, xử lý triệt để chống ẩm các hộp nối bảo vệ các máy biến áp, kháng điện ngoài trời. Khi thực hiện thi công mạch nhị thứ phải có phương án được duyệt và có người giám sát của đơn vị quản lý vận hành.

+ Các TBA cần kiểm tra mạch bảo vệ rơ le đúng sơ đồ hoàn công, rà soát phiếu chỉnh định rơ le để kịp thời phát hiện sai sót để tránh trình trạng rơ le bảo vệ tác động nhầm, vượt cấp.

+ Do thiếu mạch giám sát mạch cắt, vì vậy các TBA cần chú ý kiểm tra, lắp đặt hoàn thiện mạch giám sát, mạch cắt, kiểm tra thường xuyên trong vận hành. Bên cạnh đó, trong mỗi đợt cắt điện, các TBA cần chủ động kiểm tra, vệ sinh sứ cách điện trong TBA, vệ sinh bảo dưỡng các tủ phân phối 22kV, các TI, TU trung áp ngoài trời ….

Qua hội nghị này, với phương châm nhìn thẳng vào sai sót của mình, qua đó để đơn vị chủ động trong việc xử lý dứt điểm các nguyên nhân gây sự cố, đồng thời kêu gọi đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành tiếp tục nêu cao tinh thành tự giác, chủ động lao động sáng tạo để đảm bảo vận hành an toàn liên tục lưới truyền tải điện của đơn vị mình./.

3.png 

Công nhân PTC2 thay xà đỡ lèo các vị trí néo đường dây 500kV mạch 2 nhằm v​ận hành an toàn trong mùa mưa bão

4.png 

Công nhân PTC2 kiểm tra sửa chữa, vệ sinh thiết bị nhằm vận hành​ an toàn đường dây 500 kV mạch 2

5.png 

Công nhân PTC2 kiểm tra sửa chữa, vệ sinh thiết bị nhằm vận hành an toàn các Trạm biến áp

Quang Thắng