Khóa đào tạo được thực hiện tại trụ sở PTC4 trong 04 ngày từ 01/7/2022 đến 04/7/2022; với sự tham gia của 39 học viên là cán bộ thuộc Phòng Kỹ thuật Công ty, Phòng Kỹ thuật của các đơn vị Truyền tải điện và nhân viên kỹ thuật các đội Truyền tải điện.
Khóa đào tạo bao gồm các chuyên đề chính là Tính toán suất cắt đường dây; Hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm EMTP và mô hình hóa các phần tử trong hệ thống điện; Mô phỏng, tính toán các bài toán quá độ quá điện áp khí quyển bằng phần mềm EMTP; Phân tích các vấn đề quá độ quá điện áp khí quyển và giải pháp;…
Trực tiếp giảng dạy là Thạc sĩ Vũ Đức Quang, Phó Giám đốc Trung tâm TR&D – Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 và Kỹ sư Trương Văn Cường, Trưởng Phòng Đường dây – Trung tâm Tư vấn Lưới điện – Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2. Đây là 02 cán bộ có thâm niên nhiều năm trong công tác nghiên cứu, tính toán về quá điện áp lan truyền do sét.
Phát biểu khai giảng khóa đào tạo, đồng chí Đặng Nam Sơn – Phó trưởng Phòng Tổ chức và Nhân sự PTC4 cho biết nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý vận hành lưới truyền tải điện, PTC4 tổ chức khóa đào tạo “Sử dụng phần mềm EMTP/ATP mô phỏng sóng quá điện áp lan truyền do sét”. Đây là khóa học với nội dung mới và nâng cao so với các khóa học trước đây, do đó các học viên cần thiết học tập nghiêm túc, mạnh dạng trao đổi, thảo luận các vấn đề thực tiễn liên quan nội dung khóa học. Qua đó, áp dụng hiệu quả kiến thức vào công tác quản lý vận hành hệ thống lưới truyền tải điện, đề xuất thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng do sét đến vận hành hệ thống điện.
Bắt đầu khóa học, Thạc sĩ Vũ Đức Quang đã giới thiệu cho các học viên về sét và ảnh hưởng do sét đến các đường dây dẫn điện trên không và đối với hệ thống điện nói chung; sự cần thiết phải phân tích, đánh giá nhằm đưa ra được các giải pháp giảm thiểu sự ảnh hưởng do sét đến vận hành hệ thống điện.
Trong thời gian khóa học, các học viên được hướng dẫn chi tiết từ khâu thu thập số liệu, lập các bảng số liệu; cài đặt và sử dụng phần mềm EMTP; đưa số liệu vào phần mềm; mô phỏng, tính toán các bài toán quá độ điện áp khí quyển bằng phần mềm EMTP nhằm tính toán quá độ sét phóng điện đường dây, tính toán quá độ sét lan truyền trong trạm biến áp,… Qua đó, phân tích các vấn đề quá độ quá điện áp khí quyển và đề xuất giải pháp giảm thiểu sự ảnh hưởng do sét.
Tại mỗi chuyên đề, cũng như trong phần mô phỏng, tính toán các bài toán quá độ điện áp khí quyển, Thạc sĩ Vũ Đức Quang và Kỹ sư Trương Văn Cường đã nêu một số tình huống trong thực tế công tác quản lý vận hành; dành nhiều thời gian để các học viên trao đổi, thảo luận, phân tích sâu sát hơn, qua đó giúp học viên hiểu rõ hơn về nội dung khóa học.
Cuối khóa học, Thạc sĩ Vũ Đức Quang đánh giá cao tinh thần tham gia lớp học của các học viên, tích cực thảo luận về các nội dung liên quan thực tế công tác quản lý vận hành; góp phần vào sự thành công của khóa học, cũng như nâng cao khả năng tiếp thu của học viên. Thạc sĩ Vũ Đức Quang cho biết kiến thức khóa học chỉ là lý thuyết cơ bản, các học viên cần tích cực thu thập thêm số liệu, thực hành nhiều hơn nhằm triển khai, áp dụng hiệu quả kiến thức của khóa học vào thực tế công tác quản lý vận hành, góp phần vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện Quốc gia./.

Toàn cảnh lớp học

Đồng chí Đặng Nam Sơn phát biểu khai giảng khóa học

Thạc sĩ Vũ Đức Quang hướng dẫn tại lớp học

Kỹ sư Trương Văn Cường hướng dẫn tính toán suất cắt do sét

Thạc sĩ Vũ Đức Quang hướng dẫn học viên sử dụng phần mềm EMTP