Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường giám sát thi công dưới đường dây truyền tải

Thứ ba, 15/4/2025 | 09:09 GMT+7
Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng gia tăng, hàng loạt công trình giao thông, thoát nước và cải tạo đô thị được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng. Trong số đó, dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên là một trong những công trình trọng điểm, có ảnh hưởng trực tiếp đến hành lang an toàn lưới điện. Công trình này đi qua nhiều khu vực có đường dây truyền tải điện, đặc biệt là tuyến 220kV Phú Lâm – Bình Tân, đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 32 km, đi qua địa bàn bảy quận, huyện gồm Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Huyện Bình Chánh. Các hạng mục thi công bao gồm nạo vét, kè đá, cải tạo dòng chảy, lắp đặt hệ thống thoát nước và chiếu sáng, xây dựng đường song hành hai bên bờ kênh, trồng cây xanh và hoàn thiện cảnh quan đô thị.

Công trình kênh Tham Lương – Bến Cát – rach Nước Lên đang thi công dọc theo đường dây 220kV Cầu Bông – Bình Tân.

Đáng chú ý, tuyến kênh này giao cắt trực tiếp với đường dây truyền tải 220kV Phú Lâm – Bình Tân, một trong những tuyến quan trọng cung cấp điện cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, việc thi công tại các vị trí giao cắt được Truyền tải điện Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo đơn vị kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến móng cột cũng như hành lang an toàn của đường dây điện.

Ảnh: Đơn vị thi công, thi công ép cọc dự án Kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên giao chéo với đường dây 220kV Phú Lâm – Bình Tân tại khoảng cột 3-4.

Trước các nguy cơ tiềm ẩn, Đội Truyền tải điện Phú Lâm đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp giám sát kỹ thuật tại hiện trường. Cán bộ kỹ thuật được bố trí theo dõi xuyên suốt quá trình thi công, đặc biệt tại các vị trí giao chéo với đường dây 220kV Phú Lâm – Bình Tân. Đồng thời, Đội Truyền tải điện Phú Lâm đã chủ động phối hợp với Chủ đầu tư và các nhà thầu để kiểm tra biện pháp thi công, cấp phiếu công tác, tuyên truyền các quy định về hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

Ngoài ra, nhiều giải pháp kỹ thuật được áp dụng như lắp đặt rào chắn, biển báo và hệ thống cảnh báo tạm thời tại khu vực thi công gần đường dây; ứng dụng công nghệ hiện đại như camera AI, cảm biến rung động và cảm biến nghiêng cột để theo dõi từ xa 24/7. Các buổi huấn luyện an toàn điện cũng được tổ chức cho đội ngũ thi công trước khi triển khai các hạng mục gần lưới điện nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng xử lý tình huống.

Giám sát trực tiếp thi công tại công trường yêu cầu đơn vị thi công bọc cách điện với thiết bị và vật liệu có khả năng gây phóng điện.

Xác định rõ vai trò của công tác tuyên truyền trong việc ngăn ngừa rủi ro, Đội Truyền tải điện Phú Lâm đã phối hợp với các nhà thầu và ban quản lý dự án tổ chức phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP và các văn bản liên quan. Tại công trường, đội đã phát tờ rơi, tài liệu hướng dẫn an toàn điện, lắp đặt pano tuyên truyền cũng như tổ chức huấn luyện trực tiếp về các tình huống khẩn cấp và cách nhận diện, xử lý mối nguy. Việc cấp phiếu công tác và giám sát được thực hiện nghiêm ngặt trong suốt quá trình thi công nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Phát tờ rơi, tuyên truyền cho đơn vị thi công trực tiếp tại công trường.

Nhờ triển khai đồng bộ và hiệu quả các biện pháp giám sát và tuyên truyền, quá trình thi công tại khu vực giao cắt với đường dây 220kV Phú Lâm – Bình Tân đã không xảy ra bất kỳ sự cố nào ảnh hưởng đến vận hành lưới điện. Hệ thống truyền tải vẫn vận hành ổn định, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện liên tục cho TP.HCM – nơi tập trung nhiều khu dân cư, khu công nghiệp và các cơ sở trọng yếu.

Công trình cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên là minh chứng rõ nét cho sự phối hợp hiệu quả giữa ngành điện và các đơn vị thi công. Việc tăng cường giám sát thi công dưới đường dây, đặc biệt tại các vị trí giao cắt với tuyến 220kV-500kV, không chỉ giúp bảo vệ hạ tầng truyền tải quốc gia mà còn góp phần đảm bảo tiến độ các công trình trọng điểm của thành phố./.

 

Trần Quốc Thành - Truyền tải điện TP.HCM - PTC4