EVNNPT: Phấn đấu vận hành an toàn, giảm sự cố

Thứ tư, 10/4/2013 | 10:00 GMT+7
Với nhiệm vụ quản lý vận hành 98 trạm biến áp (TBA), 4.848 km đường dây 500 kV và 11.313 km đường dây 220 kV, khó khăn nhất của EVNNPT hiện nay là lưới điện truyền tải thường xuyên vận hành trong tình trạng đầy tải và quá tải khiến cho an toàn lưới điện luôn bị đe dọa.​

 

  tt3 van hanh an toan giam su co.jpg

       Công nhân Truyền tải điện 3 vận hành tại trạm 500 kV Pleiku. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Hệ thống truyền tải luôn căng thẳng
 
Điển hình là các MBA trạm Nho Quan, Thường Tín vẫn thường xuyên vận hành đầy tải. Các trạm Phủ Lý, Hải Dương, Bắc Giang, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Phố Nối, Nghi Sơn, Ba Chè quá tải tới 23%, Các ĐZ 220 kV Nho Quan –Ninh Bình M1, Hòa Bình – Hà Đông Mạch 1, 2, Phả Lại – Phố Nối, thường xuyên phải vận hành căng thẳng, trong đó ĐZ Nho Quan –Ninh Bình mạch 1 có 59 lần quá tải với tổng thời gian trên 32 giờ.
 
Ở khu vực Tây Nguyên, do huy động cao các nhà máy thuỷ điện, các MBA 500 kV Pleiku, Đăk Nông và đường dây 500kV Đăk Nông – Phú Lâm thường xuyên vận hành đầy tải, nhiều thời điểm công suất truyền tải đường đây 500kV Đăk Nông – Phú Lâm vượt ngưỡng cho phép của tụ bù dọc.
 
Ở phía Nam, đường dây 500 kV Ô Môn – Nhà Bè đi vào vận hành góp phần làm giảm căng thẳng cho các đường dây liên kết 220 kV Cai Lậy – Phú Lâm, Cai Lậy – Phú Mỹ, tăng cường liên kết lưới giữa 2 khu vực Miền Tây và Miền Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, do huy động cao các nhà máy thuỷ điện Tây Nguyên, các TBA 500kV Phú Lâm, Tân Định thường xuyên vận hành đầy, quá tải, Các ĐZ 220 kV Phú Lâm - Tân Định, Cát Lái - Thủ Đức, Phú Lâm -Bình Tân thường xuyên quá tải đặc biệt.  ĐZ 220 kV Cát Lái - Thủ Đức mạch 1, 2  quá tải 77 và 83 lần tổng thời gian quá tải mỗi đường gần 170 giờ.
 
Hậu quả là, năm 2012 toàn hệ thống lưới điện xẩy ra 32 vụ sự cố trạm, 154 vụ sự cố  đường dây, 20 vụ sự cố hành lang. Theo đó, có 45 đường dây và 59 MBA 500/220kV phải vận hành quá tải, tổng số lần quá tải các máy biến áp là 573 lần, tổng số lần quá tải ĐZ là 592 lần.
 
Năm 2012 tổn thất trên lưới truyền tải (cả 500 và 220kV) là 2,33% so với năm 2011, giảm 0,26% so với chỉ tiêu 2,65% EVN giao. Trong đó, chủ yếu là tổn thất kỹ thuật do bị chi phối lớn từ phương thức vận hành của hệ thống điện cũng như lưới điện khu vực. Bởi lẽ, do thiếu nguồn, phụ tải tiêu thụ lại tăng trưởng nhanh và không đồng đều giữa các địa phương, các vùng miền nên phương thức vận hành hệ thống điện bị thay đổi liên tục, có nhiều thời điểm kết dây nhiều trạm vận hành ở sơ đồ không cơ bản, ảnh hưởng đến chất lượng vận hành.
 
Mục tiêu: An toàn, giảm tổn thất, hạn chế sự cố
 
Khắc phục tình trạng này, EVNNPT đã áp dụng nhiều giải pháp ở TBA và đường dây nhằm giảm tổn thất, giảm sự cố đường dây.
Cụ thể, trên các đường dây: Giảm giá trị điện trở suất của đất ở khu vực đồi núi cao bằng cách dùng các hóa chất, bổ sung than hoạt tính, đất mùn; Sửa chữa, cải thiện hệ thống tiếp địa: Tăng thêm sợi tiếp địa, kéo dài sợi tiếp địa đến khu vực có điện trở suất đất thấp, sửa chữa bảo dưỡng định kỳ tiếp địa; Tăng số điểm nối đất trực tiếp dây chống sét một số vị trí cột đỡ. Tăng bát sứ trong chuỗi cách điện ở khu vực đồi núi cao, điều chỉnh lại khoảng cách các mỏ phóng sét cho các đường dây có mật độ sét và cường độ sét cao; Lắp đặt chống sét van đường dây.
 
Kiểm tra, rà soát, xử lý những điểm vi phạm hoặc có khả năng vi phạm khoảng cách an toàn. Thường xuyên phát quang hành lang tuyến; Tăng cường  quan hệ với địa phương, công an, đoàn thể xã hội, tuyên truyền vận động nhân dân nhằm xã hội hóa bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, phát hiện và ngăn chặn các nguy cơ gây sự cố; Phối hợp với các đơn vị điều độ để có phương thức vận hành phù hợp nhằm tránh quá tải cho đường dây. Tăng cường kiểm tra soi phát nhiệt thiết bị, mối nối, đảm bảo thiết bị vận hành an toàn.
 
Tại các trạm biến áp: Thực hiện kiểm tra, thí nghiệm định kỳ các thiết bị; Thành lập các đơn vị thí nghiệm sửa chữa theo vùng để phản ứng nhanh khi có sự cố. Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cho các thí nghiệm viên. Theo dõi và có giải pháp kịp thời nâng công suất các TBA bị quá tải. Đối với các TBA mới, cải tạo mở rộng phải thực hiện đầy đủ quy trình nghiệm thu để hạn chế tối đa sự cố. Thực hiện thí nghiệm định kỳ, thí nghiệm tăng cường thiết bị trạm theo kế hoạch và thí nghiệm khi có sự cố xảy ra. Tổ chức huấn luyện an toàn điện.
 
Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV EVNNPT: Hiện EVNNPT đang phân công lao động theo hướng chuyên môn hóa và phân cấp cho các đơn vị. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật, quản lý vật tư thiết bị trạm. Sử dụng công nghệ tự động hoá để đơn giản hoá thao tác và kiểm soát trình tự thao tác cho người vận hành. Tăng cường kiểm tra, giám sát trên tất cả các mặt: quản lý vận hành, kiểm tra, sửa chữa, quản lý vật tư thiết bị. Xây dựng lưới điện thông minh. Sử dụng công nghệ mới đảm bảo tính an toàn, kinh tế, tin cậy và cải thiện môi trường sinh thái.
 
 
Ngọc Loan/Icon.com.vn