EVNNPT tổ chức Lễ động thổ Công trình ĐZ 220kV Vĩnh Tân - Phan Thiết, ĐZ 220kV Vĩnh Tân - Tháp Chàm và TBA 220kV Tháp Chàm

Thứ tư, 23/10/2013 | 17:00 GMT+7
Sáng nay 23/10, tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã tổ chức Lễ động thổ Công trình đường dây (ĐZ) 220kV Vĩnh Tân - Phan Thiết, ĐZ 220kV Vĩnh Tân - Tháp Chàm, TBA 220kV Tháp Chàm và các đường dây đấu nối. Đây là những dự án trọng điểm đã được Chính phủ phê duyệt (văn bản số 209/TTg-KTN ngày 31/01/2013 của Thủ tướng Chính Phủ về việc danh mục các dự án nguồn và lưới điện cấp bách năm 2013). ​

 

1 AMT dong tho cong trinh 23.10.JPG

                                               Các đại biểu tham dự Lễ động thổ công trình

Tham dự buổi Lễ có có ông Đặng Phan Tường – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT); ông Lưu Minh Tuấn – Thành viên Hội đồng Thành viên EVNNPT; ông Trần Quốc Lẫm – Phó Tổng giám đốc EVNNPT; đại diện Lãnh đạo các Ban EVNNPT; Lãnh đạo Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (AMT); Lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 3 và đại diện đơn vị tư vấn và các Nhà thầu xây lắp.

 

2 AMT dong tho cong trinh 23.10.JPG

Dự án ĐZ 220 kV Vĩnh Tân – Tháp Chàm được đầu tư xây dựng nhằm truyền tải công suất NMNĐ Vĩnh Tân 2 vào hệ thống điện Quốc gia, tăng cường công suất và giảm tổn thất cho hệ thống điện, tạo liên kết lưới điện 220kV khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Đường dây được thiết kế 02 mạch dài khoảng 63,3 km đấu nối từ sân phân phối 220kV trạm 500/220kV Vĩnh Tân đến Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm. Đường dây đi qua địa bàn huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận và các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc tỉnh Ninh Thuận.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và đóng điện đưa vào vận hành quý IV/2014. Đến thời điểm hiện tại AMT đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp hoàn thành công tác kiểm đếm phần móng, lập và phê duyêt xong phương án đền bù.

Khối lượng chính gồm: đào đắp đất đá: 64.866,2 m3; bê tông các loại: 6.951,6 m3; cốt thép móng: 291,5 tấn; cột thép: 2.899,7 tấn; dây dẫn, dây chống sét, cáp quang và phụ kiện: 1.074,94 tấn; Với tổng mức đầu tư là 462,868 tỷ đồng, được thu xếp vốn từ các nguồn vốn, cụ thể: công tác đền bù, di dân, tái định cư sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); Các gói thầu xây lắp, cột thép, dây dẫn, dây chống sét, cáp quang, cách điện và phụ kiện sử dụng vốn vay Ngân hàng MB – Chi nhánh Đà Nẵng (300 tỷ đồng) và các chi phí khác sử dụng vốn tự có do EVNNPT thu xếp.

Dự án TBA 220 kV Tháp Chàm và các đường dây đấu nối được đầu tư xây dựng nhằm khai thác công suất của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, tăng cường công suất và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, tạo liên kết mạch vòng lưới điện 220-110kV khu vực.

TBA 220kV Tháp Chàm và các đường dây đấu nối được xây dựng mới TBA 220/110kV, giai đoạn này đầu tư 01 MBA công suất 125MVA, có dự phòng vị trí để lắp MBA thứ 2 khi cần thiết và đầu tư nhánh rẽ 2 mạch, dài khoảng 28,634 km đấu nối từ ĐZ 220kV Đa Nhim - Nha Trang vào Trạm. Dự án được xây dựng trên địa bàn các huyện Thuận Bắc, Ninh Sơn, Bác Ái tỉnh Ninh Thuận. Dự án dự kiến hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành quý IV/2014. Đến thời điểm hiện tại AMT đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp hoàn thành công tác kiểm đếm, phê duyệt phương án đền bù và trả tiền đền bù toàn bộ mặt bằng trạm biến áp và phần móng nhánh rẽ.

Khối lượng chính gồm: đào đắp đất đá: 86.920,0 m3; bê tông các loại: 16.120,0 m3; cốt thép móng: 260,0 tấn; cột thép: 158,0 tấn; dây dẫn, dây chống sét, cáp quang và phụ kiện: 410,0 tấn; Với tổng mức đầu tư là 453,535 tỷ đồng, được thu xếp vốn từ các nguồn vốn, cụ thể: công tác đền bù, di dân, tái định cư sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); Các gói thầu xây lắp, VTTB nhất, nhị thứ, cột thép, dây dẫn, dây chống sét, cáp quang, cách điện và phụ kiện sử dụng vốn vay Ngân hàng MB – Chi nhánh Đà Nẵng (360 tỷ đồng) và các chi phí khác sử dụng vốn tự có do EVNNPT thu xếp.


Dự án ĐZ 220 kV Vĩnh Tân – Phan Thiết được đầu tư xây dựng nhằm truyền tải công suất NMNĐ Vĩnh Tân vào hệ thống điện Quốc gia, tăng cường công suất và giảm tổn thất cho hệ thống điện, tạo liên kết lưới điện 220kV khu vực duyên hải Nam Trung bộ.

Đường dây được thiết kế 2 mạch, dài khoảng 91,719 km đi qua địa bàn các huyện Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận. Dự án dự kiến hoàn thành và đóng điện đưa vào vận hành cuối năm 2014. Đến tại thời điểm hiện tại AMT đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp để tổ chức công tác kiểm đếm, lập phương án đền bù, đo vẽ giải thửa, thành lập hội đồng đền bù, quyết định thu hồi đất.

Khối lượng chính gồm: đào đắp đất đá: 252.515 m3; bê tông các loại: 11.714 m3; cốt thép móng: 678 tấn; cột thép: 4.841 tấn; dây dẫn, dây chống sét, cáp quang và phụ kiện: 2.930 tấn; Với tổng mức đầu tư là 999,220 tỷ đồng, được thu xếp vốn từ các nguồn vốn, cụ thể: công tác đền bù, di dân, tái định cư (33,141 tỷ đồng) sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); Các gói thầu xây lắp, cột thép, dây dẫn, dây chống sét, cáp quang, cách điện và phụ kiện sử dụng vốn vay Ngân hàng Eximbank - Long Biên (680 tỷ đồng) và các chi phí khác sử dụng vốn tự có do EVNNPT thu xếp.

Hiện nay, EVNNPT đang tập trung chỉ đạo, quản lý điều hành, giao cho AMT trực tiếp điều hành, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành đóng điện và đưa vào vận hành các công trình đúng kế hoạch.

Lê Hoan - Ảnh: Lê Nam