Còn nhiều vướng mắc…
Theo đánh giá của EVNNPT, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án điện chậm triển khai vẫn là các khâu thủ tục liên quan đến quy hoạch, GPMB. Đơn cử như, Dự án ĐD 220 kV Vân Trì – Chèm do EVN NPT làm chủ đầu tư với tổng số vốn trên 574,6 tỷ đồng, AMB trực tiếp quản lý Dự án, được khởi công từ tháng 12/2012 và dự kiến đóng điện giai đoạn 1 tháng 12/2013. Tuy nhiên,đến thời điểm này, công tác GPMB cho Dự án vẫn còn vướng mắc.
Phần móng cột, mặc dù đã bàn giao được 100% vị trí, nhưng trước đó ở vị trí cột số 33, 34 do vướng nhà và đất ở không giải quyết được nên EVNNPT đã chủ động thống nhất với chính quyền địa phương chuyển vị trí . Đối với phần hành lang tuyến, công tác kiểm đếm cho thấy có 33 hộ dân có đất ở, nhà ở nằm trong hành lang tuyến. Tuy nhiên, đến nay chưa được huyện Đông Anh (TP.Hà Nội) khảo sát giá đất và trình duyệt theo quy định.
“Liên quan đến các hộ dân nằm trong hành lang an toàn đường dây, tại các cuộc họp triển khai công tác bồi thường GPMB, có 22/33 hộ dân đề nghị được bồi thường, hỗ trợ để di chuyển ra khỏi hành lang an toàn. Đây là một trong những nguy cơ vướng mắc rất lớn”, ông Trần Kim Vũ cho biết.
Đối với công trình ĐD 220 kV Hà Đông-Thành Công và mở rộng TBA 220 kV Thành Công có tổng mức đầu tư là 766,5 tỷ đồng. Tuyến đường dây 220 kV bắt đầu từ Trạm 220 kV Hà Đông và điểm cuối tại phường Thành Công với khoảng 11 km đường dây (bao gồm 7,49 km đi nổi và 4,1km đi chìm).
“Vướng mắc chính trong quá trình thực hiện Dự án là việc xin cấp phép xây dựng công trình. Hiện tại Dự án chỉ được cấp phép vào ban đêm và từng đoạn tuyến. Hết mỗi đoạn tuyến lại phải xin cấp phép tiếp. Trong quá trình xin phép đó ít nhất phải mất một vài ngày dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ. Do đó, để hoàn thành đường dây này đúng tiến độ, chúng tôi mong muốn Sở Xây dựng Hà Nội sớm cấp phép xây dựng công trình, đồng thời đoạn H5-Trạm 220 kV Thành Công cho phép thi công cả ban ngày để đảm bảo tiến độ”, ông Vũ kiến nghị.
Trong tháng 4 phải hoàn thành là việc rất khó
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu EVNNPT bằng mọi giá phải hoàn thành 2 Dự án này để đảm bảo điện cho Thủ đô. Đến nay, Dự án ĐD 220 kV Vân Trì-Chèm đã bàn giao thi công 44/44 móng thuộc giai đoạn 1; 6/12 móng thuộc giai đoạn 2, đã kiểm đếm xong 25/32 khoảng néo, còn 7/32 khoảng néo đã làm việc đề nghị Tổ công tác xã Võng La (huyện Đông Anh) kiểm đếm. Công tác phê duyệt phương án bồi thường hiện EVNNPT đã trình UBND huyện Mê Linh và Đông Anh. Việc đúc móng được 41/44 vị trí, dựng cột xong 39/44 vị trí, kéo dây được 4,148/11,6 km.
Chủ tịch HĐTV EVNNPT Đặng Phan Tưởng đi kiểm tra tiến độ tại
Công trình ĐZ 220kV Hà Đông - Thành Công cùng lãnh đạo Ban AMB
Đối với Dự án ĐD 220 kV Hà Đông –Thành Công đã đúc móng 26/39 vị trí. Đối với phần ngầm đã kéo được 2,3/4,1 km. Đối với đoạn tuyến cáp ngầm hiện chủ đầu tư và đơn vị thi công đã điều chỉnh tuyến tránh chân cầu vượt đường Láng trên tuyến đường Thái Hà – Lê Văn Lương, đoạn cáp ngầm HN5 đến Trạm 220 kV Thành Công nằm trên phố Yên Lãng (từ Cống Mọc – Thái Hà-TBA GIS Thành Công) hiện chỉ được thi công vào ban đêm.
“Với khối lượng công việc còn lại rất lớn, cộng với những khó khăn trong quá trình thi công trong nội đô Hà Nội như thủ tục xin cấp phép thi công, chỉ được thi công vào ban đêm và phải hoàn trả mặt đường để đi lại…,nên việc đóng điện công trình vào tháng 4 là thách thức lớn đối với chúng tôi” ông Vũ chia sẻ.
Mới đây, ngày 2/4, trong buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội, Phó tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho biết: Để bảo đảm việc cấp điện cho Hà Nội, tránh tình trạng quá tải, thiếu sản lượng, EVN đã yêu cầu sử dụng tối đa công suất các TBA 220 kV đang vận hành. Thậm chí Hà Nội là địa phương duy nhất có TBA 220 kV phải sử dụng cùng lúc 3 máy biến áp để bảo đảm cấp điện. Ngoài ra, tiến độ thi công các dự án lưới điện 220 kV chậm, kéo nguy cơ thiếu điện cho Hà Nội. Bên cạnh đó, việc triển khai cải tạo xây dựng các công trình 110 kV theo quy hoạch cũng rất khó khăn do các công trình liên quan đến việc xây dựng các xuất tuyến đường dây 110 kV phụ thuộc vào các TBA 220kV…
Tại buổi làm việc này, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các đơn vị thực hiện Dự án của ngành Điện và các ngành chức năng, các quận, huyện của Thành phố có dự án đi qua tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong việc hoàn thiện các thủ tục, rà soát, có ngay những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các công trình. Đồng thời ông Sửu cũng yêu cầu muộn nhất ngày 20/4, các quận, huyện phải bàn giao mặt bằng cho EVNNPT triển khai 2 dự án lưới điện cấp bách trên để đảm bảo đủ điện cho Hà Nội trong mùa hè này và các năm tiếp theo.