Hành trình về nguồn thăm Căn cứ Trung ương Cục miền Nam của Nữ Công nhân viên chức lao động Công ty Truyền tải điện 4

Thứ năm, 13/3/2025 | 10:28 GMT+7
Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở về phía Bắc tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam - Campuchia, cách thị xã Tây Ninh khoảng 60km. Khu di tích còn được biết tới với những tên gọi khác, như: R; Căn cứ Chàng Riệc; Căn cứ Phạm Hùng; Căn cứ địa Bắc Tây Ninh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miền Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng là địa bàn chiến lược quan trọng. Khu căn cứ là địa bàn của cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trong một thời gian dài và trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Đoàn tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trước nhà bia Căn cứ.

Ban Nữ công Công ty Truyền tải điện 4 vừa có chuyến hành trình về nguồn cho nữ CNVCLĐ tại Khu Di tích lịch sử - văn hóa Căn cứ Trung ương (TW) Cục miền Nam nằm trong rừng Rùm Đuôn phía Bắc tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam – Campuchia thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Dẫn đầu đoàn trong hành trình về nguồn thăm địa chỉ đỏ cách mạng là ông Nguyễn Phương Nam - Chủ tịch Công đoàn Công ty. Tại Văn bia khu tưởng niệm Căn cứ, đoàn được nghe thuyết minh về lịch sử hình thành của Khu di tích Trường Đảng miền Nam. Theo đó Căn cứ TW Cục miền Nam hay còn biết đến với tên gọi: R (mật danh), Căn cứ địa Bắc Tây Ninh là một bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên từ Bộ Chính trị trong thời kỳ cách mạng Nam Bộ từ năm 1951 đến 1975, là một trong những khu di tích gắn liền với công cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Với tên gọi "thủ đô kháng chiến" khu căn cứ từ năm 1962 đóng vai trò như cơ quan cao nhất chỉ huy và lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi. Năm tháng ngoan cường nhưng cũng nhiều mất mát qua đi, những vết tích còn lại nơi đây đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng vào mục Di tích Quốc gia đặc biệt nhằm lưu dấu căn cứ địa một thời lửa đỏ anh hùng.

Về lịch sử, tháng 3 năm 1951 Trung ương Cục miền Nam được thành lập do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư, sau đó nhận quyết định giải thể từ Bộ Chính trị vào ngày 6/9/1954. Đến 23/1/1961, bộ phận này được thành lập lại đồng thời nhận nhiệm vụ chỉ đạo Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Trong khoảng thời gian quân ta kháng chiến chống Mỹ, khu căn cứ với sự hoạt động của Trung ương cục, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời là nơi mà vô số chỉ thị, quyết sách cùng đường lối chiến lược ra đời. Nhiều đồng chí lãnh đạo cách mạng cấp cao lúc bấy giờ như Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Chí Thanh... cũng đã từng làm việc ở đây. 

Trong chuyến về nguồn, Đoàn đã dâng hương tại Bia truyền thống Khu di tích Trung ương cục miền Nam, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của những chiến sĩ trung dũng đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong chuyến về nguồn lần này đã góp phần giúp nữ CNVC Công ty nâng cao nhận thức hơn nữa về sự khốc liệt của thời kỳ chiến tranh đã qua, để hiểu rõ hơn và thấm nhuần về giá trị của nền hòa bình mà ông cha ta đã gìn giữ, qua đó kết hợp giáo dục chính trị tư tưởng cho nữ CNVCLĐ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực trong các hoạt động, thi đua lập nhiều thành tích xuất sắc trên các mặt công tác góp phần hoàn thành xuất sắc mục tiêu nhiệm vụ được giao.

Nữ CNVCLĐ PTC4 dâng hương tại Trung ương Cục miền Nam.

Tham quan Bia kỷ niệm Ban cơ yếu Trung ương cục miền Nam.

Đoàn tham quan nơi làm việc của Ban tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam thời kỳ 1962-1975.

Ban Lãnh đạo và nữ CNVCLĐ Công ty chụp ảnh lưu niệm tại Trung ương Cục miền Nam.

Dương Cẩm Hường - TTĐMĐ1 - PTC4