Hiệu quả từ công trình Nâng công suất TBA 500 kV Vĩnh Tân từ 2 x 600 MVA lên 2 x 900 MVA

Thứ năm, 6/8/2020 | 09:44 GMT+7
Dự án “Nâng công suất Trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân từ 2 x 600 MVA lên 2 x 900 MVA” do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư đã được triển khai khởi công từ ngày 29/2/2020 và hoàn thành công trình vượt trước tiến độ, đảm bảo chất lượng. Trong đó máy biến áp (MBA) AT1 được đóng điện đưa vào vận hành ngày 17/4/2020 và MBA AT2 được đóng điện đưa vào vận hành ngày 28/5/2020.

Dự án được đầu tư xây dựng nhằm tránh quá tải các MBA 500/220 kV - 600 MVA hiện hữu; góp phần giải phóng công suất các nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực; góp phần đảm bảo tiêu chí N-1, nâng cao độ tin cậy, an toàn cung cấp điện cho lưới điện khu vực.

Theo số liệu cập nhật tình hình phát triển điện mặt trời của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong giai đoạn đến năm 2020, các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có rất nhiều dự án mặt trời đã được bổ sung quy hoạch với tổng công suất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là 2.103,9 MWp và với tỉnh Bình Thuận là 1.286,81 MWp. Ngoài ra, trên địa bàn các tỉnh này còn có nhiều dự án nhà máy điện gió sẽ vận hành trong thời gian tới. Trong đó tổng công suất các nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 là 467.4 MW (công suất vận hành đến năm 2020 là 220 MW) và tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 là 286 MW.

Hiện nay, cụm nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân đấu nối với hệ thống điện quốc gia qua TBA 500 kV Vĩnh Tân đã vận hành ổn định với tổng công suất phát lên đến 4.200 MW, bao gồm: NMNĐ Vĩnh Tân 2 là 2 x 600 MW, NMNĐ Vĩnh Tân 4 là 3 x 600 MW, NMNĐ Vĩnh Tân 1 là 2 x 600 MW.

Ngoài ra, nguồn công suất năng lượng tái tạo đấu nối lưới điện 220 kV và 110 kV tăng cao đột biến trong thời gian qua, có thể kể đến như Nhà máy điện mặt trời (NMĐMT) Hồng Phong 1A, 1B (250 MW); NMĐMT BIM 2, 3 (300 MW), NMĐMT Trung Nam (200 MW), NMĐMT Mỹ Sơn Hoàn Lộc Việt (50 MW), NMĐMT Nhị Hà (50MW)…

Việc đóng điện thành công 02 MBA 500 kV - 900 MVA có ý nghĩa rất lớn về mặt giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo, chống quá tải MBA hiện hữu. Với lượng công suất rất lớn của các nhà máy điện năng lượng tái tạo đấu nối lên lưới điện khu vực tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận dẫn đến công suất truyền tải trên lưới điện khu vực này tăng cao đột biến, việc nâng công suất 02 MBA đảm bảo truyền tải hết công suất, không còn tình trạng quá tải MBA 500 kV AT1, AT2 như trước đây.

So với trước đây khi dự án nâng công suất chưa được triển khai thực hiện, các MBA 500 kV tại TBA 500 kV Vĩnh Tân luôn vận hành với tình trạng đầy tải, có thời điểm quá tải vào khoảng thời gian từ 09h00 đến 14h00 hàng ngày khi các NMĐMT phát công suất cao lên lưới. Để giải quyết tình trạng này buộc các NMĐMT, NMNĐ Vĩnh Tân 2 phải giảm một phần công suất phát.

Qua sản lượng điện truyền tải qua MBA và các ngăn lộ đường dây tại TBA 500 kV Vĩnh Tân giữa tháng 1/2020 (thời điểm trước khi nâng công suất 02 MBA) và tháng 6/2020 (sau khi nâng công suất 02 MBA), việc hoàn thành công trình đã đem lại hiệu quả rất lớn khi sản lượng điện truyền tải qua các MBA 500 kV tại Trạm tăng xấp xỉ 50% so với trước đây, đảm bảo cung cấp thêm một lượng điện năng cho các tỉnh Nam Trung bộ thông qua các đường dây 500 kV kết nối với TBA 500 kV Sông Mây (tỉnh Đồng Nai) và TBA 500 kV Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Đồng thời đảm bảo giải tỏa được hết lượng công suất từ các NMĐ mặt trời khi đấu nối lên các đường dây 220 kV trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận không còn tình trạng giảm công suất phát tại các giờ cao điểm như trước đây.

Dự án “Nâng công suất TBA 500 kV Vĩnh Tân từ 2 x 600 MVA lên 2 x 900 MVA” đưa vào vận hành góp phần quan trọng trong việc đảm bảo giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, đảm bảo cung ứng điện cho khu vực miền Nam trong giai đoạn tới, cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành kinh tế hệ thống điện Quốc gia, góp phần phục vụ tốt các yêu cầu về hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cả nước./.

Nguyễn Phan Thanh Lâm - PTC3