Hiệu quả từ sửa chữa "nóng" ÐZ 500 kV

Thứ tư, 6/5/2015 | 10:00 GMT+7
​Lưới truyền tải điện cao áp, nhất là đường dây (ÐZ) 500 kV có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong hệ thống điện quốc gia-được ví như mạch máu của nền kinh tế. Thông thường, mỗi lần cắt điện ÐZ 500 kV để sửa chữa, bảo dưỡng sẽ phải ngừng cung cấp hàng triệu kW giờ điện, gây lãng phí hàng tỷ đồng, chưa kể ảnh hưởng việc cấp điện liên tục trên diện rộng. Việc sửa chữa trên ÐZ 500 kV đang mang điện là một công việc hết sức nguy hiểm, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Trong quy trình vận hành ÐZ 500 kV, khoảng cách an toàn tối thiểu là 4m, nếu không bảo đảm sẽ dẫn đến hiện tượng phóng điện trong quá trình sửa chữa, nguy hiểm tính mạng thợ sửa chữa, gây thiệt hại to lớn tới lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, trên thế giới hầu hết các nước tiên tiến và đang phát triển đều đã ứng dụng công nghệ sửa chữa đường dây đang mang điện bởi tính hiệu quả, tiên tiến, hiện đại.

Tại Việt Nam, đến nay, trong số các đơn vị thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) thì Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) là đơn vị duy nhất có đội sửa chữa nóng ÐZ 500 kV. Ðội được trang bị quần áo bảo vệ đặc chủng gồm áo, quần, mũ, găng tay, mạng che mặt và giày trùm kín cơ thể. Bộ quần áo đặc biệt này được chế tạo theo nguyên lý lồng Pha-ra-đây, có tác dụng bảo vệ chống được điện từ trường khi tiếp xúc với điện áp cao. Trước khi thao tác trên đường dây đang mang điện, phải thực hiện các biện pháp an toàn và tuân thủ các bước quy trình công nghệ hết sức nghiêm ngặt. Sau khi bố trí sơ đồ công nghệ, thực hiện đẳng thế giữa người và dây dẫn xong, người công nhân mới có thể chạm vào dây dẫn và tiến hành các thao tác sửa chữa trên lưới điện. Mới đây, tại ÐZ 500 kV Bắc-Nam cung đoạn Ðà Nẵng - Hà Tĩnh, PTC2 tiếp tục thay sứ cách điện thành công trong điều kiện ÐZ vẫn đang mang điện, đạt hiệu quả kinh tế cao. Bởi vậy, sau những thành công như trên, PTC2 không ngừng hoàn thiện quy trình sửa chữa nóng ÐZ 500 kV và đã được EVNNPT giao sửa chữa nóng trên lưới truyền tải 500 kV cả nước.

Một giải pháp sửa chữa nóng khác cũng đang được EVNNPT nhân rộng, đó là vệ sinh sứ cách điện trên ÐZ 500 kV đang vận hành bằng phun cao áp nước cách điện (đã được khử i-ôn để loại bỏ khả năng dẫn điện). Ðây là công nghệ do Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đề xuất và thực hiện thành công tại các tuyến ÐZ do đơn vị quản lý. Trước đây, để vệ sinh sứ cách điện thì phải cắt điện nhiều giờ, huy động nhiều nhân công, tốn kém thời gian và chi phí vì cách làm thủ công. Nay, với công nghệ mới này, một đơn vị quản lý ÐZ chỉ cần đầu tư một hệ thống phun rửa cao áp và xử lý i-ôn với giá thành khoảng 500 triệu đồng/bộ nhưng chi phí phun rửa sứ giảm 60% và thời gian vệ sinh giảm sáu lần so cách làm thủ công trước đây cho một trụ điện cao áp. Công nhân sẽ leo lên trụ điện, sử dụng vòi nước với áp lực cao chứa trong xe bồn phun thẳng lên sứ cách điện, lần lượt làm sạch mọi ngõ ngách của trụ điện, bát sứ. Nhưng điều quan trọng hơn là vừa vệ sinh rửa sứ mà vẫn vận hành ÐZ bình thường, không phải cắt điện ÐZ, lại bảo đảm an toàn cho công nhân thì thấy rõ hiệu quả kinh tế. Thông thường, với một vị trí ÐZ 500 kV thì mỗi năm phải rửa bát sứ cách điện hai đến ba lần, những chỗ bị nhiễm bẩn cao thì một tháng rửa một lần.

Trong bối cảnh ngành điện phải ra sức nâng cao hiệu quả quản trị, năng suất lao động, cũng như giảm tổn thất điện năng thì việc nghiên cứu, nhân rộng, áp dụng đại trà những biện pháp sửa chữa, bảo dưỡng "nóng" như thế này trên toàn bộ lưới 500 kV là việc làm hết sức cần thiết, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực./.

Bảo Lâm