Một số vướng mắc khi tổ chức lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông qua đấu thầu

Thứ hai, 21/10/2024 | 07:49 GMT+7
Hiện nay, pháp luật cho phép lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản (trước đây gọi là tổ chức đấu giá tài sản) thông qua hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, khi triển khai lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ này thông qua đấu thầu còn một số vướng mắc dẫn đến khiếu nại hoặc hủy đấu thầu do hành lang pháp lý liên quan còn một số bất cập, khó áp dụng trong thực tiễn.

Một là, pháp luật về đấu giá tài sản còn quy định nước đôi về việc lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông qua đấu thầu. Theo Khoản 5 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản và Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, “Trường hợp pháp luật quy định việc lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông qua đấu thầu thì thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về đấu thầu” và “Trường hợp lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thông qua đấu thầu thì thực hiện theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản và pháp luật về đấu thầu”. Đến nay cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định chi tiết việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản thông qua đấu thầu hay hướng dẫn xử lý/vận dụng các quy định khác nhau giữa Luật Đấu thầu và Luật Đấu giá tài sản. Chẳng hạn như sự khác nhau về lập thủ tục mời thầu trong đấu thầu và thủ tục thông báo đăng trên trang thông tin điện tử chuyên ngành, từ việc lập hồ sơ cho đến đăng tải công khai trên trang mua sắm công và trang thông tin điện tử chuyên ngành; việc đánh giá tiêu chí “Có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu” trong việc xác định tư cách hợp lệ của nhà thầu…

Ảnh minh họa

Hai là, Khoản 1 Điều 33 Luật Đấu giá tài sản quy định về hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản như sau: “Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản phải được lập thành văn bản, được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của Luật này” (Luật Đấu giá tài sản), không đề cập đến việc cho phép áp dụng các quy định về hợp đồng theo pháp luật về đấu thầu.

Trên thực tế có sự khác nhau trong phân loại hợp đồng theo Bộ luật Dân sự và Luật Đấu thầu hiện hành. Điều 402 Bộ luật Dân sự quy định 06 loại gồm: (i) Hợp đồng song vụ; (ii) Hợp đồng đơn vụ; (iii) Hợp đồng chính; (iv) Hợp đồng phụ; (v) Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba; (vi) Hợp đồng có điều kiện. Trong khi đó, Điều 64 Luật Đấu thầu phân đến 08 loại gồm: (i) Hợp đồng trọn gói; (ii) Hợp đồng theo đơn giá cố định; (iii) Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh; (iv) Hợp đồng theo thời gian; (v) Hợp đồng theo chi phí cộng phí; (vi) Hợp đồng theo kết quả đầu ra; (vii) Hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm và (vii) Hợp đồng hỗn hợp. Ở đây người viết tạm thời không bàn đến căn cứ phân loại, chỉ từ góc độ người áp dụng pháp luật nhận thấy rằng việc phân loại hợp đồng theo Luật Đấu thầu có ý nghĩa thực tiễn hơn để xử lý các vấn đề về nghiệm thu, thanh toán và nguyên tắc giải quyết hàng loạt các vấn đề khác phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Nhưng nếu tổ chức lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông qua đấu thầu, nội dung loại hợp đồng sẽ được xác định là loại nào? Vướng mắc tương tự cũng từng xảy ra trước đây khi tổ chức đấu thầu mua bảo hiểm công trình (không có quy định), nhưng nay đã được nhà làm luật tiếp thu và bổ sung tại Khoản 7 Điều 64 Luật Đấu thầu, trong đó xác định rõ “gói thầu bảo hiểm công trình” thuộc loại “Hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm”.

Chi phí dịch vụ đấu giá trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản được quy định tại Thông tư số 108/2020/TT-BTC ngày 21/12/2020 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản. Trong đó, hầu hết “Mức tối đa thù lao dịch vụ đấu giá tài sản” có các mức khác nhau tùy thuộc vào “Giá trị tài sản theo giá khởi điểm/hợp đồng” và được xác định tương ứng bằng một giá trị (bằng tiền) cụ thể cộng với một tỷ lệ phần trăm (%) nhất định tính “trên phần chênh lệch giá trị tài sản theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm”.

Với quy định này, người áp dụng pháp luật khó có thể tự xác định loại hợp đồng dịch vụ đấu giá khi tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn thông qua đấu thầu. Nhất là trường hợp đối với hợp đồng dịch vụ đấu giá có nhiều tài sản đưa ra đấu giá, mà chỉ có một phần tài sản đấu giá thành, các bên trong hợp đồng sẽ phải ngồi lại để xác định thêm yếu tố “tỷ lệ phần trăm (%) đấu giá thành và tỷ lệ phần trăm (%) đấu giá không thành theo giá khởi điểm” làm căn cứ tính toán lại mức thù lao dịch vụ đấu giá tài sản. Hay nói cách khác, việc thanh toán cho hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản vừa phụ thuộc vào số lượng, khối lượng công việc được nghiệm thu (kết quả đấu giá) và các yếu tố khác như tỷ lệ % “trên phần chênh lệch giá trị tài sản theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm”, “tỷ lệ phần trăm (%) đấu giá thành và tỷ lệ phần trăm (%) đấu giá không thành theo giá khởi điểm”.

Qua phân tích, người viết vẫn chưa nhất quán được trong việc xác định hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản thuộc loại nào trong 02 loại sau:

- Là “Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh” theo Khoản 3 Điều 64 Luật Đấu thầu hiện hành: “Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh có đơn giá, giá hợp đồng có thể được điều chỉnh căn cứ vào các thỏa thuận trong hợp đồng đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng”; “Nhà thầu được thanh toán theo số lượng, khối lượng công việc được nghiệm thu và đơn giá quy định tại hợp đồng hoặc đơn giá đã điều chỉnh (nếu có)” hay,

- Loại “Hợp đồng theo kết quả đầu ra” theo Khoản 6 Điều 64 Luật Đấu thầu hiện hành: “Hợp đồng theo kết quả đầu ra được áp dụng đối với công việc, dịch vụ mà việc thanh toán căn cứ vào kết quả thực hiện hợp đồng được nghiệm thu về chất lượng, số lượng và các yếu tố khác”?

Do có quá nhiều vấn đề vướng mắc khi lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông qua đấu thầu nên hiện nay, hầu như các đơn vị đều quay về tổ chức lựa chọn theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Đấu giá tài sản và thông qua trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá.

Tuy nhiên, tác giả muốn nêu vấn đề bởi qua tham khảo một số hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản thanh lý các lô VTTB thu hồi, kém phẩm chất hay cho thuê sợi quang… của một số đơn vị trong ngành, đa số đều xác định đây là loại “Hợp đồng trọn gói”. Điều này đang bị vênh so cả về quy định pháp luật lẫn bản chất hợp đồng, là một trong các yếu tố gây bất lợi cho bên/người có tài sản đưa ra đấu giá, cần được xem xét lại một cách cẩn trọng theo quy định pháp luật. Mặt khác cũng mong muốn nêu ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành./.

Nguyễn Xuân Phương - Phó Trưởng phòng Kiểm tra, Thanh tra, Pháp chế - PTC4