Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Thắng – Thành viên Hội đồng Thành viên NPT; đồng chí Vũ Trần Nguyễn – Phó Tổng giám đốc NPT; đồng chí Trần Quốc Lẫm – Phó Tổng giám đốc NPT; đại diện các Ban chức năng có liên quan của NPT; Giám đốc, kế toán trưởng, trưởng các phòng kế hoạch, thẩm định, đầu tư xây dựng và bộ phận thu xếp vốn các đơn vị trực thuộc.
Hội nghị đã nghe các báo cáo của Ban Tài chính kế toán và Ban Hợp tác quốc tế NPT về tình hình thu xếp vốn cho các dự án lưới điện truyền tải, các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị.
Hội nghị thu xếp vốn cho các dự án lưới điện truyền tải được
tổ chức tại Khách sạn Điện lực – 20 Lý Thái tổ, Hà Nội
Năm 2013, tình hình kinh tế trong nước và thế giới đã có chuyển biến tích cực hơn so với năm 2012 và các năm trước, cùng với đó là sự quan tâm của EVN, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo NPT. Do đó, công tác thu xếp vốn cho các dự án lưới điện tuyền tải trong năm 2013 đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, cụ thể đã thu xếp được vốn cho 81 lượt dự án với tổng số tiền là 19.082 tỷ đồng, tăng 271% so với năm 2012 (năm 2012 đã thu xếp 7.029 tỷ đồng), trong đó, vốn trong nước thu xếp được vốn cho 62 dự án với tổng số tiền là 13.404 tỷ đồng, vốn nước ngoài thu xếp được vốn cho 19 dự án với tổng số tiền là 270 triệu USD tương đương 5.678 tỷ đồng.
Với kết quả thu xếp vốn nêu trên đã góp phần khởi công và hoàn thành nhiều dự án đúng tiến độ, đặc biệt góp phần giải quyết dứt điểm công nợ tại thời điểm ngày 31/12/2013 theo Chỉ thị của Chủ tịch HĐTV NPT.
Năm 2014, nhu cầu vốn đầu tư của toàn NPT là 18.593 tỷ đồng trong đó đầu tư thuần 14.285 tỷ đồng. Trong năm 2014 NPT thực hiện thu xếp vốn cho 66 dự án có tổng mức đầu tư (TMĐT) là 38.069 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án khởi công trước năm 2014, 63 dự án khởi công năm 2014. Trong tổng số 66 dự án nêu trên, tính đến ngày 12/02/2014 đã thu xếp vốn được 13 dự án với tổng số tiền là 4.027 tỷ đồng, đang làm thủ tục thu xếp vốn cho 37 dự án với tổng số tiền là 16.996 tỷ đồng, còn 16 dự án NPT chưa làm việc với ngân hàng để thu xếp vốn, số tiền dự kiến vay khoảng 3.014 tỷ đồng.
Về nhu cầu vốn đầu tư trong các năm tiếp theo, (giai đoạn 2014 – 2020) toàn NPT phải hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành 267 dự án với TMĐT 165.000 tỷ đồng, Số vốn cần thiết đầu tư cho dự án ước tính cần đạt 85% Tổng mức đầu tư tương ứng 140.000 tỷ đồng, tỷ lệ vốn vay chiếm khoảng 75% (BIDV chỉ cho vay tối đa 75%) thì tổng số vốn huy động 105.000 tỷ đồng, hàng năm bình quân là 15.000 tỷ đồng. Đây là số vốn rất lớn so với khả năng thị trường trong nước hiện nay.
Ông Phạm Mạnh Biền – Kế toán trưởng NPT trình bày báo cáo tại Hội nghị.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc NPT đã ghi nhận sự nỗ lực trong công tác thu xếp vốn của Tổng công ty và các đơn vị trong năm 2013, đảm bảo được vốn cho các dự án. Để thu xếp đủ vốn cho các dự án lưới điện truyền tải trong năm 2014 và các năm tiếp theo, đồng chí yêu cầu các Ban chức năng NPT và các đơn vị trực thuộc cần phải tập trung nâng cao năng lực của bộ phận thu xếp vốn; rà soát trình tự thủ tục, thẩm quyền phê duyệt theo từng nguồn vốn; ưu tiên nguồn vốn ODA và vốn vay tín dụng thương mại; sớm biên soạn quy trình hướng dẫn cơ bản trong công tác thu xếp vốn trong nước; xây dựng tiến độ thu xếp vốn để điều hành. Đối với nguồn vốn của các nhà tài trợ cần phải nắm vững và tuân thủ theo quy định của nhà tài trợ. Các Ban NPT cần chủ động làm việc với các Bộ Ngành liên quan về chi phí cho công tác thu xếp vốn.
Để thực hiện đầu tư dự án thì vốn là điều kiện tiên quyết có vai trò quyết định đến việc hoàn thành đầu tư dự án theo mục tiêu đặt ra. Vốn thanh toán chậm cho nhà thầu thì dự án sẽ bị chậm tương ứng đồng thời kéo dài thời gian đầu tư, dự án chậm phát huy tác dụng làm giảm hiệu quả dự án. Đặc biệt đối với dự án truyền tải điện nếu bị chậm sẽ gây thiệt hại cho toàn hệ thống điện quốc gia đặc biệt là các dự án lưới điện đồng bộ với các nhà máy điện, nếu không kịp thời thì không tải điện cho các nhà máy phát điện, các dự án truyền tải điện nhằm truyền tải điện năng giữa các miền nếu không kịp thời thì phải sử dụng các nguồn điện có giá thành cao thay cho các nguồn điện có giá thành thấp hơn gây nên lãng phí lớn cho nền kinh tế.