Nghe chương trình tại đây:
Nơi chưa có điện sáng
Ở Cao Bằng, rằm tháng 7 là một trong hai cái Tết quan trọng nhất của năm, sau Tết Nguyên đán. Hàng quán thường đóng cửa, nhà nhà tổ chức ăn uống, đường thôn xã cho đến thành thị ít người qua lại, có chăng là khách du lịch.
Ông Hoàng Văn Chung, trưởng thôn Nà Roác 2, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An mời khách quen bằng nước lọc để tủ lạnh và chắc chắn không thể thiếu chén rượu.
Đường dây điện 220kV Cao Bằng - Bắc Kạn đi qua địa bàn thôn Nà Roác 2. Ông Chung nhớ rất rõ năm 2010 khởi công đã có cuộc tuyên truyền toàn dân về giải phóng mặt bằng và phổ biến kiến thức về bảo vệ trụ điện, đường dây, hành lang an toàn lưới điện.
"Cho tới bây giờ đã hơn chục năm, đường dây, trụ điện ở đây tuyệt đối an toàn" - ông Chung nói.
Đội truyền tải điện Thành phố Cao Bằng đến từng nhà tuyên truyền về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện
Dân Nà Roác 2 chờ mong đường điện như chờ cây lúa trên nương trổ bông trĩu hạt. Bởi có điện mới nói đến phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Vậy nên ông Chung nhớ những dấu mốc của đường điện cao áp nơi đây như nhớ từng đường rẽ trong thôn mình. Chỉ có điều, lưới điện quốc gia đã có nhưng nhiều hộ dân ở đây vẫn chưa có điện sáng.
Để có điện, họ phải từ đầu tư mua dây điện, các thiết bị để đấu nối từ đường xương cá của điện lực. Năm 2011, ông Chung đầu tư khoảng 15 triệu đồng để nhà có điện, có quạt mát.
"Nồi cơm điện nhà tôi chưa bao giờ sôi vì điện yếu quá" - ông Chung chia sẻ.
Có thể chưa có điện sáng nhưng người dân Nà Roác 2 luôn ý thức trách nhiệm bảo vệ lưới điện cao thế
Nhà anh Trần Văn Kiều cũng tự bỏ tiền để mang điện từ trạm biến áp của điện lực về nhà. Khi gặp những kỹ sư, công nhân của đội Truyền tải điện Thành phố Cao Bằng cũng áo màu áo vàng da cam nhưng họ hiểu đây là những người quản lý vận hành lưới điện cao thế chứ không phải đường điện dân sinh.
"Chúng tôi hiểu đường dây điện cao áp là tài sản lớn của quốc gia nên bà con nhân dân chung tay bảo vệ để đường dây an toàn" - anh Kiều nói.
Gặp gỡ những hộ dân ở đây mới thấy họ chưa bao giờ quay lưng với việc chung của xã hội, của đất nước, dẫu cuộc sống còn nhiều thiếu thốn. Điều khiến ông tự hào trong bao nhiêu năm làm trưởng thôn là thôn Nà Roác 2 nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật trong bảo vệ lưới điện.
Dân vận để làm tốt chuyên môn
Đội Truyền tải điện thành Phố Cao Bằng được giao quản lý vận hành và sửa chữa các đường dây khu vực tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn. Khu vực huyện Nguyên Bình gồm các xã ( Ca Thành, Vũ Nông, Thể Dục, thị trấn Nguyên Bình, Vũ Minh, Minh Tâm, Hoa Thám, Thịnh Vượng); huyện Hoà An gồm các xã ( Bạch Đằng, Bình Dương), huyện Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn gồm các xã ( Đức Vân, Bằng Vân, Vân Tùng). Đường dây đi qua nhiều vùng dân cư thưa thớt, đồi núi cao nguy hiểm.
"Dân cư đa phần là vùng dân tộc thiểu số. Mình là người Kinh lên đây nên gặp khó khăn trong giao tiếp ngôn ngữ" - anh Hoàng Thế Mạnh, đội trưởng đội Truyền tải điện thành phố Cao Bằng nói với phóng viên VOV2.
Tuyên truyền đến mọi tầng lớp xã hội
Ông Hoàng Văn Chung người dân tộc Tày. Anh Lâm Văn Giáp ở đội truyền tải điện Thành phố Cao Bằng nói được 02 thứ tiếng là Tày và Nùng. Trong câu chuyện của họ tiếng Tày và tiếng Kinh đan xen lẫn nhau. Anh Giáp luôn được lãnh đạo đội tin tưởng giao nhiệm vụ đi tuyên truyền cho bà con vùng dân tộc Tày, Nùng mà chưa thành thạo tiếng phổ thông.
Đi gặp gỡ người dân là một trong những công việc của người làm truyền tải điện. Đó là sự tổng hòa của chuyên môn và dân vận.
"Một số đồng bào thấy anh em đến là ngại tiếp xúc nhưng đến nhiều lần để tuyên truyền nên dân đã cảm tình với truyền tải điện, giúp chúng tôi chặt cây bảo vệ hành lang..." - anh Lâm Văn Giáp kể.
Ở vùng cao, từ nhà này sang nhà kia là tính bằng những con dốc hay quả đồi. Mỗi kíp đi tuyên truyền khoảng 2-3 người trên chiếc xe U-oát không điều hòa, không chế độ giảm xóc.
"Mùa mưa lũ đội đã có phương án phòng ngừa. Chính quyền địa phương và đội đã lên phương án trước mùa mưa bão hàng năm. Tính đến thời điểm hiện tại chưa có hiện tượng sạt lở và các sự cố khác trong đợt mưa lũ vừa rồi" - anh Hoàng Thế Mạnh, đội trưởng đội Truyền tải điện thành phố Cao Bằng cho biết.
Trên mỗi tờ rơi tuyên truyền đều có hình họa cụ thể về khoảng cách an toàn từ nhà cửa, cây cối lên dây điện. Số điện thoại của trưởng và phó của đội truyền tải điện được in trong tờ rơi và trên trụ điện để người dân khi phát hiện có tình huống gây nguy hiểm cho lưới điện có thể gọi điện báo. Ở nơi này, gặp một đứa trẻ cõng em hay người lớn đi làm nương về tay cầm tờ rơi của truyền tải điện cũng là chuyện quen rồi./.