
Điều hành viên trạm đang thực hiện nhập số liệu thí nghiệm thiết bị MC vào CBM.
Phương pháp bảo trì, bảo dưỡng theo trình trạng vận hành (CBM) có ưu điểm so với phương pháp sửa chữa bảo dưỡng truyền thống ở chỗ mỗi thiết bị trên lưới điện đều được phân tích các loại, nguyên nhân, cơ chế, diễn biến hư hỏng từ đó lập nên được các hạng mục cần kiểm tra, thí nghiệm theo các cấp độ gồm cấp độ 1 (kiểm tra thông qua các thiết bị online như camera nhiệt, camera PD, kiểm tra ngoại quan, phân tích thông số vận hành…), cấp độ 2 (các hạng mục offline, thực hiện sau khi các hạng mục online phát hiện, theo tần suất phân tích), cấp độ 3 (thực hiện thử nghiệm cao cấp chuyên sâu, thực hiện khi cần lấy thêm một số thông số để kết luận chính xác tình trạng vận hành của thiết bị).
Kết quả kiểm tra, thí nghiệm CBM thiết bị được quản lý một cách khoa học, phân loại theo mức ưu tiên, có trọng số để tính ra tổng điểm chỉ số sức khỏe CHI (Condition Health Index) của thiết bị. Dữ liệu kiểm tra, thí nghiệm được lưu trữ quản lý cập nhật liên tục tạo kho cơ sở dữ liệu lịch sử vận hành bảo dưỡng để so sánh, đối chiếu đánh giá xu hướng trong suốt vòng đời thiết bị. Qua đó, có cái nhìn bao quát về các hạng mục cần kiểm tra, thí nghiệm cho một đối tượng thiết bị và cách để theo dõi, kiểm soát các thông số vận hành, phân tích xem xét cần thực hiện hạng mục nào tiếp để khẳng định chất lượng vận hành của thiết bị.

Điều hành viên trạm thực hiện kiểm tra đánh giá MC ngoài sân ngắt.
Trạm biến áp 500kV Phú Mỹ hiện tại đang quản lý và vận hành 15 bộ máy cắt 500kV MAGRINI GALILEO do Ý sản xuất, 1 bộ máy cắt 500kV AREVA do Pháp sản xuất, 1 bộ máy cắt 500kV ALSTOM do Pháp sản xuất. Để áp dụng thực hiện các công tác bảo trì theo CBM, bên cạnh việc sử dụng những thiết bị hiện đại phục vụ trong công tác kiểm tra thí nghiệm định kỳ của Công ty dịch vụ kỹ thuật thì trạm 500kV Phú Mỹ đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá định lượng cho loại thiết bị máy cắt 500kV song song với việc cập nhật dữ liệu, theo dõi và định lượng bằng số điểm thu thập được để đánh giá tình trạng sức khỏe của các thiết bị đang vận hành.
Trong thời gian triển khai CBM lưới điện, có thể thấy phương pháp CBM phát huy được hiệu quả trong công tác kiểm tra, chẩn đoán tình trạng vận hành thiết bị; từ đó, giúp đơn vị chủ động xử lý và bố trí công tác, góp phần hiệu quả trong việc giảm tình trạng cắt điện theo chu kỳ trong khi thiết bị vẫn đảm bảo vận hành tốt, ngăn ngừa sự cố, nâng cao độ tin cậy vận hành thiết bị. Đến thời điểm hiện tại, trạm biến áp 500kV Phú Mỹ đã triển khai áp dụng phương pháp này cho tất cả 17/17 bộ máy cắt 500kV, đạt tỷ lệ hoàn thành 100%. Từ những dữ liệu qua các lần kiểm tra ngoại quan cũng như kiểm tra thí nghiệm định kỳ đều được các nhân viên vận hành cập nhật ngay thông qua chương trình PMIS và cho ra kết quả phân tích tình trạng vận hành; bên cạnh đó trạm cũng tăng cường theo dõi trong quá trình vận hành để điều chỉnh chu kỳ kiểm tra thử nghiệm, có biện pháp bảo dưỡng xử lý kịp thời khi thiết bị có vấn đề để tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Bằng công nghệ bảo trì, bảo dưỡng theo tình trạng thiết bị (CBM), trạm biến áp 500kV Phú Mỹ đã kịp thời phát hiện được 3 trường hợp bất thường của thiết bị đang vận hành và chủ động đưa ra kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng nhằm ngăn ngừa sự cố xảy ra.

Kết quả chấm điểm CHI sau khi nhập số liệu vào CBM trong PMIS.
Bộ chỉ số sức khỏe CHI của mỗi thiết bị sẽ được chấm điểm sau khi thực hiện 3 cấp độ trên. Sau khi có kết quả sẽ đưa ra phương pháp “điều trị” tương ứng, đồng thời có kế hoạch kiểm tra tiếp theo. Mục tiêu của việc sửa chữa, bảo dưỡng theo tình trạng vận hành CBM là phát hiện và ghi nhận những dữ liệu dựa trên điều kiện thực tế của thiết bị; từ đó làm tiền đề cho việc phân tích và ra các chiến lược bảo dưỡng/thay thế chủ động trước khi có sự cố xảy ra gây hư hỏng thiết bị. “Đây là một phần không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số của EVNNPT nói chung và của PTC4 nói riêng trong công tác quản trị lưới điện thông minh, góp phần cung cấp điện ổn định, liên tục và an toàn./.