
Ban
Lãnh đạo Truyền tải điện TP Hồ Chí Minh ra mắt trước sự chứng kiến của Chủ tịch
HĐTV EVNNPT Đặng Phan Tường
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong
hai trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Từ năm 2001, tăng trưởng
kinh tế luôn đạt mức cao 10%/năm, gấp 1,6 lần bình quân cả nước. Sản lượng điện
thương phẩm năm 2014 đạt hơn 18 tỷ kWh (bình quân tăng trưởng phụ tải nhiều năm
gần đây hơn 6%/năm, tương đương gần 1 tỷ kWh/năm).
Tham gia cung cấp điện sinh hoạt và
phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có Tổng công ty Điện
lực TP Hồ Chí Minh và Công ty Truyền tải điện 4 (thuộc EVNNPT). Lưới điện truyền tải điện TP Hồ Chí Minh là lưới điện cung cấp
điện đầu vào cho Công ty Lưới điện Cao thế TP Hồ Chí Minh. Lưới điện truyền tải
TP Hồ Chí Minh không chỉ cung cấp điện cho TP Hồ Chí Minh mà còn có vị trí, vai
trò quan trọng trong hệ thống lưới điện quốc gia, các tỉnh, thành phố phía Nam.
Qua đường dây 500kV Bắc-Nam truyền tải qua lại một lượng công suất lớn từ Miền
Bắc, Miền Trung vào Miền Nam vào mùa mưa nhằm khai thác hiệu quả kinh tế thủy
điện và truyền tải ngược lại một phần công suất từ Miền Nam ra Miền Trung, Miền
Bắc vào mùa khô. Từ trạm 500kV Phú Lâm trao đổi công suất qua đường dây 500kV
Phú Lâm-Ô Môn để nhận chuyển điện từ Miền Tây; cung cấp điện qua lại các trạm
220kV Long An, Cai Lậy đi các tỉnh Miền Tây như: Long An, Tiền Giang, Mỹ Tho,
Trà Vinh, Bến Tre… Từ trạm 220kV Hoóc Môn cung cấp điện cho tỉnh Bình Dương,
Bình Phước. Từ trạm 500kV Nhà Bè nhận công suất từ các Trung tâm Nhiệt điện Phú
Mỹ, Nhơn Trạch, Hiệp Phước hòa điện vào lưới quốc gia qua trạm 500kV Phú Lâm và
đường dây 500kV Nhà Bè-Ô Môn về Miền Tây Nam bộ.

Công
nhân Truyền tải điện TP Hồ Chí Minh bảo dưỡng ĐZ 500kV Phú Lâm - Cai Lậy - Ô
Môn (Ảnh: Ngọc Hà)
Truyền tải điện TP Hồ Chí Minh được
thành lập trên cơ sở chia tách từ Truyền tải điện Miền Đông 2 với 374 CBCNV. Quản
lý và vận hành lưới điện 220kV và 500kV trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và tỉnh
Long An với 10 đường dây 500kV có tổng chiều dài gần 241.000km; 34 đường dây
220kV có tổng chiều dài hơn 344.000km và 3 trạm biến áp 500kV, 5 trạm 220kV có
tổng dung lượng 8.797MVA (chưa tính TBA Thủ Đức và Cát Lái 1.502MVA).
Sự ra đời của Truyền tải điện TP Hồ
Chí Minh nhằm nâng cao chất lượng cung ứng điện, đảm bảo an toàn cho hệ thống
điện, hạn chế tối đa sự cố, giảm thời gian cắt điện, giảm thời gian mất điện,
giảm tổn thất điện năng thông qua các biện pháp quản lý, kỹ thuật, đồng thời,
tăng cường và xử lý các vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch HĐTV
EVNNPT Đặng Phan Tường ghi nhận và biểu
dương những nỗ lực của tập thể CBCNV Công ty Truyền tải điện 4 trong thực hiện
nhiều giải pháp hữu hiệu đẩy lùi nguy cơ sự cố. Triển khai có hiệu quả nhiều dự
án phát triển lưới điện truyền tải như đường dây 220kV Cầu Bông- Hoóc Môn- Bình
Tân; cải tạo nâng cấp đường dây Phú Lâm - Hoóc Môn; Phú Lâm-Cai Lậy; Mở rộng
ngăn lộ trạm Bình Chánh… nhằm nâng cao năng lực cung cấp điện đảm bảo tiêu chí
n-1 và n-2.
Chủ tịch HĐTV EVNNPT Đặng Phan Tường yêu cầu tập thể
CBCNV Truyền tải điện TP Hồ Chí Minh đoàn kết, nỗ lực và phát huy truyền thống
của các thế hệ truyền tải điện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị,
xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhà nước đã giành cho EVN và EVNNPT. Tổng công ty Truyền tải điện Quốc
gia sẽ luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho Truyền tải điện TP Hồ Chí Minh
và Truyền tải điện Hà Nội để đảm bảo mục tiêu cung cấp điện an toàn liên tục và
chất lượng cho 2 trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội lớn nhất cả nước.
Hệ thống truyền tải điện TP Hồ Chí
Minh đi qua nhiều địa bàn dân cư đông đúc và tốc độ đô thị hóa nhanh; các trạm
biến áp nằm xen lẫn các khu dân cư, do vậy việc đảm bảo an toàn điện trong nhân
dân đòi hỏi rất cao. Chủ tịch HĐTV EVNNPT
Đặng Phan Tường mong rằng Công ty Truyền tải điện 4 và Truyền tải điện TP Hồ
Chí Minh tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ của Đảng bộ, Chính
quyền, các cấp, ngành và nhân dân TP Hồ Chí Minh trong công tác quản lý vận
hành và đầu tư xây dựng Hệ thống truyền tải điện Quốc gia./