TTĐ Hà Tĩnh - PTC1 làm tốt công tác PCTT, đảm bảo công tác quản lý vận hành

Thứ bảy, 29/5/2021 | 08:56 GMT+7
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh thuộc khu vực Bắc miền Trung, ở đây hàng năm chịu nhiều mưa bão, có những đợt mưa kéo dài sau bão với lượng mưa lớn lên đến 700-1000mm, kết hợp với việc xả lũ lớn của các đập thủy điện, các hồ chứa nước thủy lợi như Thủy điện Bản Vẽ, hồ Kẽ Gỗ… đã làm nhiều nơi ngập lụt, chia cắt nhiều địa phương, đường Quốc lộ bị ách tắc.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của PTC1 cũng như Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), trong những năm qua TTĐ Hà Tĩnh đã thực hiện xuất sắc về công tác phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), đảm bảo vận hành hệ thống lưới truyền tải điện do đơn vị quản lý.

Nằm ở khu vực có địa hình phức tạp, đại bộ phận là núi, đồi, hướng ra biển, có độ dốc, nước chảy xiết, thường hay gây lũ lụt bất ngờ gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh chung ấy, hệ thống đường dây (ĐZ) 500kV, 220kV và các trạm biến áp (TBA) 500kV do Truyền tải điện (TTĐ) Hà Tĩnh trực thuộc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1). Hiện đơn vị đang quản lý vận hành 266,8 km đường dây 500kV (trong đó có 17,5 km mạch kép), với 609 vị trí cột; 398,9 km đường dây 220kV (87,9 km mạch kép, 03 km ba mạch; 9,9 km bốn mạch), tổng số 730 vị trí cột; 02 TBA 500kV. Các tuyến đường dây chủ yếu đi qua nhiều sông suối chia cắt, địa chất đất không ổn định nên chịu tác động rất lớn khi xảy ra mưa bão.

Lực lượng quản lý vận hành TTĐ Hà Tĩnh dùng thuyền kiểm tra vị trí cột bị ngập nước

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương trong những năm gần đây thời tiết có những diễn biến phức tạp và bất thường, số lượng các cơn bão đổ bộ hằng năm nhiều, lũ lụt kéo dài, mực nước dâng cao do biến đổi khí hậu nên có nhiều nguy cơ uy hiếp đến vận hành an toàn lưới điện. Xác định việc bảo đảm vận hành an toàn lưới truyền tải điện Quốc gia là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của TTĐ Hà Tĩnh nói riêng cũng như PTC1 nói chung. Ngay từ đầu năm nay TTĐ Hà Tĩnh đã xây dựng phương án phòng chống lụt bão, phòng chống cháy rừng, thành lập Ban chỉ huy PCTT&TKCN, tổ chức triển khai nhiều phương án diễn tập tại cơ sở một cách nghiêm túc, các tình huống đưa ra sát với tình hình thực tế dưới sự giám sát chặt chẻ của lãnh đạo đơn vị và phòng chức năng.

Đầu mùa mưa, TTĐ Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó chủ động phương châm “4 tại chỗ”, gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cầu tại chỗ; đảm bảo 3 giai đoạn trước, trong và sau thiên tai; chủ động ký kết phương án phối hợp PCTT&TKCN với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương, các xã có tuyến đường dây đi qua, các đơn vị TTĐ lân cận.… Đồng thời, phối hợp với lực lượng hợp đồng bảo vệ đường dây trong công tác kiểm tra thông tin trên tuyến.

Chằng néo cột, chủ động phòng chống trước mưa, bão

Ông Nguyễn Sỹ Thắng – Giám đốc Truyền tải điện Hà Tĩnh cho biết: Trong mưa bão, đơn vị đã chỉ đạo các bộ phận trực thuộc huy động 100% lực lượng, ứng trực 24/24h để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, luôn chủ động nắm bắt thông tin dự báo thời tiết và lập kế hoạch ứng phó để triển khai kịp thời, phòng chống các cơn bão lũ tại các TBA và một số vị trí đường dây xung yếu. Các đội quản lý đường dây khẩn trương kiểm tra tuyến, hoàn thành nạo vét mương thoát nước, khơi thông dòng chảy, gia cố đường công vụ, phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống sự cố có thể xảy ra. Những vị trí cột ở trên đồi cao, sườn dốc cũng cần tập trung chống sạt lở.

Qua thống kê, trong năm 2017 tại khu vực Hà Tĩnh đã có ít nhất 3 con bão đã ảnh hưởng đến, đó là cơn bão số 2; số 4; số 10. Điển hình ngày 15/09/2017, bão số 10 (Doksuri) đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gây ảnh hưởng đến hệ thống lưới truyền tải điện do TTĐ Hà Tĩnh quản lý, cụ thể là TBA 500kV Vũng Áng, các đường dây 220/500kV khu vực TTĐ Hà Tĩnh quản lý. Địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là thị xã Kỳ Anh với cường độ bão có gió mạnh cấp 12, giật cấp 14-15, sau lên cấp 17, các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12 (cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4). Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của nhiều cơn bão lớn nhưng TTĐ Hà Tĩnh đã tổ chức triển khai tốt công tác phòng, chống thiên tai như chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ “, có những phương án chi tiết phòng chống cho từng trường hợp cụ thể ứng phó hiệu quả với mọi tình huống xảy ra, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác như chính quyền địa phương, các Sở ban ngành phòng chống có hiệu quả không để bất ngờ…cho nên đã cơ bản hạn chế tối đa các thiệt hại do các cơn bão gây ra.

Ông Nguyễn Sỹ Thắng - Giám đốc TTĐ Hà Tĩnh, chỉ đạo ứng phó với mưa bão

Trong năm 2020 do ảnh hưởng lượng mưa lớn của hoàn lưu sau cơn bão số 7 có tên quốc tế là NANGKA kết hợp với lượng nước xã lũ của hồ Kẽ Gỗ với lưu xả lên đến 1000m3/s đã gây ra trận lụt lịch sử trên địa bàn Hà Tĩnh từ ngày 14/10-21/10/2020. Trụ sở TTĐ Hà Tĩnh và đội TTĐ TP Hà Tĩnh bị ngập sâu từ 100-130cm và bị hoàn toàn chia cắt. Trạm biến áp 500kV Hà Tĩnh bị cô lập hoàn toàn. Do mưa lớn kéo dài đã làm sạt lỡ một số vị trí như: Đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh; Hà Tĩnh – Nho Quan 2, đường dây 220kV Vinh - Hà Tĩnh 1,2; Hà Tĩnh - Vũng Áng - Ba Đồn - Đồng Hới có nhiều đoạn bị ngập sâu từ 0,7 - 2,5m; Một số vị trí cột của đường dây 500kV Đà Nẵng – Hà Tĩnh 2; đường dây 500kV Hà Tĩnh – Vũng Áng bị sạt lỡ móng, sạt lỡ taluy dương…Tuy nhiên do có sự chuẩn bị, chủ động trong công tác ứng phó theo phương án nên đơn vị đã hạn chế được thiệt hại đến mức tối thiểu, đảm bảo công tác vận hành liên tục.

Để đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải vận hành trong mùa mưa lũ, TTĐ Hà Tĩnh đã lập các phương án sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên như: Phương án chống văng lắc lèo; phương án nâng cao dây dẫn những khoảng cột không đảm bảo tỉnh không; lắp đặt chống sét van đường dây; sửa chữa hệ thống tiếp địa cột. Thực hiện cắt điện sửa chữa đường dây, tổ chức kiểm tra phụ kiện dây dẫn, dây chống sét, đầu cốt lèo dây dẫn, dây chống sét, cáp quang, vệ sinh cách điện các cột néo, cột đỡ. Thay cách điện dây dẫn bị vỡ, thay và chỉnh chống rung chống sét, lắp lèo phụ chống phát nhiệt tiếp xúc đầu lèo cho tất cả các đường day 220-500kV.

Tại trạm biến áp 500kV Vũng Áng và Hà Tĩnh, đơn vị đã chủ động xử lý các khiếm khuyết thiết bị phát sinh trong quá trình vận hành. Lập phương án thay thế các thiết bị vận hành lâu năm, các thiết bị không tin cậy… thực hiện 100% hạng mục đến kỳ thí nghiệm định kỳ. Tổ chức tăng cường kiểm tra thiết bị…

Đối với những người thợ truyền tải điện, việc bảo đảm vận hành an toàn thông suốt trong mùa mưa bão, lũ, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng là nhiệm vụ then chốt. Với tinh thần trách nhiệm cao và những bài học kinh nghiệm đúc rút được trong công tác PCTT&TCKN trong thời gian qua, Truyền tải điện Hà Tĩnh khẳng định rằng đơn vị sẽ luôn đoàn kết, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ theo kế hoạch hay đột xuất do PTC1 cũng như EVNNPT giao phó. Tiếp tục xây dựng Truyền tải điện Hà Tĩnh ngày càng phát triển, Đảm bảo cho dòng điện cao áp Bắc - Nam luôn luôn thông suốt./.
Một số hình ảnh

Triển khai diễn tập PCTT theo phương án (ảnh chụp 24/4/2021)

Họp rút kinh nghiệm sau diến tập phòng chống thiên tai (ảnh chụp 24/4/2021)

Kiểm tra kỹ thuật trong mùa mưa bão

Thi công vị trí 129 ĐZ 220kV Hà Tĩnh-Fosmosa

PTC1