Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thứ sáu, 20/9/2024 | 10:45 GMT+7
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) vừa ban hành Chương trình hành động của Tổng công ty triển khai tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nâng cao nhận thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Tổng công ty yêu cầu Giám đốc các đơn vị trực thuộc Tổng công ty trong phạm vi quản lý của mình chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí (CLP) của năm 2024, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt cả nhiệm kỳ công tác, trọng tâm, thường xuyên của toàn đơn vị và kết quả THTK, CLP là tiêu chí để đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ.

Tổ chức triển khai kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá thường xuyên việc thực hiện cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch tiết kiệm của Chương trình tiết kiệm, chống lãng phí từng năm của đơn vị mình theo từng lĩnh vực được phân công trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua đó nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức và hành động của từng đơn vị và mỗi CBCNV, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong THTK, CLP.

Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, phổ biến pháp luật về THTK, CLP và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Tập đoàn và Tổng công ty có liên quan đến THTK, CLP thông qua bản tin nội bộ, hội nghị quán triệt, tập huấn và báo cáo đánh giá tác động của các văn bản pháp luật định kỳ để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác THTK, CLP.

Tiếp tục thực hiện rà soát tổng thể và ban hành hệ thống QCQLNB áp dụng trong toàn Tập đoàn và Tổng công ty; rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến EVN, EVNNPT để gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét chỉnh sửa cho phù hợp, trong đó có Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tham gia các hội nghị trao đổi, góp ý, thẩm định các quy định của pháp luật để có ý kiến trực tiếp với cơ quan soạn thảo về nội dung này. Thực hiện rà soát các nội dung mới ban hành của pháp luật để đánh giá tác động với các điều khoản của các QCQLNB để kịp thời hướng dẫn, chỉnh sửa cho phù hợp. Tập trung xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu; quy định cụ thể hành vi vi phạm, hình thức xử lý. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu đơn vị để xảy ra lãng phí.

Ảnh minh họa

Chú trọng rà soát, cập nhật các quy định pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó tập trung vào các lĩnh vực nội dung hoạt động dễ phát sinh thất thoát, lãng phí như cơ chế điều hành và tổ chức thực hiện các đề án, dự án; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên; tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo kế hoạch được giao; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà, công trình phúc lợi; quản lý, sử dụng kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình mục tiêu; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Hoàn thiện cơ chế tài chính, hạch toán chi phí trong EVN, EVNNPT: hiệu chỉnh, bổ sung quy chế quản lý tài chính của EVN, EVNNPT. Đồng thời tăng cường rà soát các quy chế, quy định trong quản lý tài chính, kiểm soát chi phí như các định mức chi phí, định mức KTKT để kịp thời bổ sung, sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế và làm cơ sở các đơn vị thực hiện tiết kiệm chi phí sản xuất trong từng khâu sản xuất kinh doanh. Xây dựng các tiêu chí, giám sát, đánh giá việc thực hiện theo hướng tiết kiệm là mục tiêu, chống lãng phí là nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi.

Tiếp tục thực hiện cơ chế khuyến khích thực hiện các chỉ tiêu hiệu quả để tạo động lực cho các đơn vị phát huy tính chủ động trong kinh doanh, tăng doanh thu, giảm chi phí.

Triệt để thực hiện nghiêm các quy định có liên quan tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong mua sắm công, phấn đấu tiết kiệm tối đa các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, chi tiếp khách, khánh tiết, lễ kỷ niệm, sử dụng xăng xe, điện, nước, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí. Tăng cường đấu thầu rộng rãi, công khai, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu. Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Tiếp tục triển khai thực hiện các đề án tăng cường quản trị hàng tồn kho và tối ưu giá trị tồn kho để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động; đề án tăng cường quản trị sử dụng tài sản cố định.

Tăng cường tính đồng bộ, công khai, minh bạch chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gắn việc quản lý tài sản đơn vị với công tác quản lý, điều hành sản xuất - kinh doanh. Tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý tài sản đơn vị và nâng cấp cơ sở dữ liệu Tập đoàn, Tổng công ty về tài sản nhà nước.

Tăng cường kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia, nhất là trong quản lý, sử dụng tài nguyên, ngân sách nhà nước và tài sản công.

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công phù hợp với điều kiện mới đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và chống lãng phí. Tăng cường quản lý kỹ thuật và quản lý vận hành, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật mới, đảm bảo đúng tiến độ các công trình đầu tư để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, thời gian mất điện bình quân của một khách hàng trong năm. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục rà soát, tập trung lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực.

Đối với những vi phạm được phát hiện trong công tác kiểm tra, giám đốc các đơn vị phải kịp thời khắc phục, xử lý hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu đơn vị để xảy ra lãng phí.

Giám đốc các đơn vị chủ động tự kiểm tra thường xuyên và đột xuất khi lãnh đạo Tổng công ty yêu cầu tại các đơn vị mình và chỉ đạo công tác kiểm tra, tự kiểm tra của đơn vị cấp dưới trực thuộc.

Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong THTK, CLP; bảo vệ người cung cấp thông tin chống lãng phí. Tăng cường giáo dục phẩm chất, đạo đức và trách nhiệm công vụ; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong THTK, CLP.

Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp tục nghiên cứu và thực hiện cơ chế khuyến khích thực hiện các chỉ tiêu hiệu quả để tạo động lực cho các đơn vị phát huy tính chủ động trong kinh doanh, tăng doanh thu, giảm chi phí, được hưởng lợi ích do nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tổng giám đốc EVNNPT giao các Phó Tổng giám đốc Tổng công ty căn cứ các lĩnh vực được phân công, chủ động chỉ đạo điều hành thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Chương trình hành động.

Giám đốc các đơn vị chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch hành động và chịu trách nhiệm trước Tổng công ty về kết quả triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Tổng công ty giải pháp nhằm xử lý kịp thời đối với những vấn đề phát sinh.

Các Ban của Tổng công ty theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về THTK, CLP của các đơn vị, trong đó, có nội dung kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể của Tập đoàn về THTK, CLP và việc xây dựng, thực hiện Chương trình THTK, CLP năm 2024 của các đơn vị.

Ban Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Ban, đơn vị tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Chương trình hành động này.

 

Thu Hiền