Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì vi phạm an toàn lưới điện

Thứ hai, 25/11/2013 | 14:00 GMT+7
  Mỗi năm, Việt Nam xảy ra hàng chục vụ vi phạm liên quan đến an toàn hành lang lưới điện, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng dù rằng, các chế tài xử phạt đã được Chính phủ ban hành từ rất lâu. ​  

Đại diện Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc gia cho hay kinh phí đầu tư xây dựng một nhà máy điện cỡ nhỏ cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, kinh phí vận hành, bảo dưỡng và duy trì ổn định đường dây cũng không hề nhỏ. Thế nhưng, chỉ một chiếc tàu cá vô tình húc phải trạm điện hay một chiếc xe chở cồng kềnh va phải đường dây... cũng có thể gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

 
"Vi phạm an toàn hành lang lưới điện vẫn đang là một thách thức đối với chúng tôi, dù rằng Nghị định hướng dẫn của Chính phủ đã ban hành từ năm 2005", vị đại diện này chia sẻ.
 
Đầu năm nay, chiếc tàu chở khí của Công ty TNHH Bạch Đằng (thuộc VINASIN) khi đi qua khu vực Hải Phòng có đường cáp ngầm thì chết máy. Chủ thuyền thả neo khẩn cấp đúng vào vị trí đường cáp ngầm, gây sự cố. Nhiều tháng trôi qua, hệ thống cáp vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Con số thiệt hại ước tính lên tới 15 tỷ đồng.
 
dien1-4082-1385089752.jpg
Dù có phao cảnh báo nhưng đường dây ĐZ 220kV Phả Lại - Hải Phòng nhiều lần bị tàu va chạm.
 
Hải Phòng, Tuyên Quang và một số tỉnh thuộc vùng trọng điểm Tây Nguyên là một trong những điểm thường xuyên xảy ra các vụ mất an toàn lưới điện. Hải Phòng đang vận hành hơn 200km đường dây 220kV thuộc 8 tuyến chính, kết nối với các nhà máy điện Phả Lại - Hải Phòng - Quảng Ninh, cung cấp điện cho các vùng duyên hải Bắc bộ và thành phố Hải Phòng.
 
Cuối tháng 8, một chiếc tàu của Vinashin khi lưu thông trên sông Kinh Môn đã đã vi phạm khoảng cách an toàn, chạm vào đường dây ĐZ 220kV Phả Lại - Hải Phòng 2. Cú va chạm này đã khiến mạng lưới ở khu vực Hải Phòng, Phả Lại, Quảng Ninh gặp sự cố, thiệt hại ước tính lên tới hàng trăm triệu đồng.
 
"Điều đáng nói, tại các khu vực này, chúng tôi đã cắm biển cảnh báo nhưng tình trạng vi phạm vẫn xảy ra", vị đại diện này cho biết thêm.
 
"Chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền phát tờ rơi đến người dân thế nhưng, tình hình vẫn chưa được khắc phục", ông Phạm Thanh Tùng, Phó phòng kỹ thuật truyền tải điện 1 nói. 
 
dien2-1287-1385089752.jpg
Người dân thôn Cao Nhân trồng cây dưới đường điện cao áp để chờ được đền bù
Mới đây, Chính phủ ban hành nghị định xử phạt hành chính đối với các hành vi phi phạm với mức phạt tối đa lên tới 100 triệu đồng. Theo đó, mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng áp dụng đối với các hành vi vào trạm điện hoặc trèo lên cột điện khi không có nhiệm vụ; trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện; lắp đặt antenna tivi, dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo tại vị trí khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào lưới điện; thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện.
 
Ngoài ra, đối với các hành vi như sử dụng bất kỳ bộ phận nào của lưới điện vào mục đích khác khi chưa có thoả thuận với đơn vị quản lý vận hành lưới điện; đổ, đắp, sắp xếp nguyên vật liệu, phế thải, vật tư, thiết bị dưới dây dẫn điện của đường dây dẫn điện trên không và để khoảng cách từ dây dẫn điện đến nguyên vật liệu, phế thải, vật tư, thiết bị nhỏ hơn khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp... sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
Nghị định cũng nêu rõ, mức phạt đến 20 triệu đồng áp dụng đối với hành vi để cây đổ vào lưới điện. Mức phạt 40-50 triệu đồng áp dụng đối với các hành vi như đổ cột của đường dây dẫn điện hoặc thiết bị của trạm điện, nhà máy điện; nổ mìn gây hư hỏng bất kỳ bộ phận nào của lưới điện, nhà máy điện; sử dụng phương tiện thi công gây chấn động làm hư hỏng, sự cố lưới điện, nhà máy điện thì sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng. Mức phạt này áp dụng với đối tượng vi phạm là cá nhân và sẽ được nâng lên mức 100 triệu đồng, nếu là tổ chức. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2013.

Thanh Tùng - Vnexpress