Để tri ân những người đã một thời đóng góp công sức vì sự thông suốt của dòng điện, trong khuôn khổ “hành trình về với chiến trường xưa”, ngày 25/4/2014, tại Đà Nẵng, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT) tổ chức buổi tọa đàm kỷ niệm 20 năm đóng điện và vận hành đường dây 500kV Bắc – Nam với sự tham gia của các vị cán bộ lão thành đã từng tham gia thiết kế, xây dựng và vận hành ĐZ 500 kV mạch 1.
Như một dịp ”ôn cố tri tân”, cũng nhau trở lại cội nguồn, buổi tọa đàm diễn ra với rất nhiều câu chuyện cảm động của những người đã từng tham gia công trình 500 kV mạch 1. Đó là những bài học kinh nghiệm, những hy sinh mất mát, những niềm vui, nỗi buồn, sự chia ngọt sẻ bùi của người trong cuộc với mục đích cuối cùng là đảm bảo đưa công trình về đích đúng tiến độ.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng, nguyên Phó Ban chỉ huy công trình đường dây 500kV Bắc Nam cho biết, đường dây 500kV Bắc Nam được thi công trong 2 năm với bao khó khăn, thách thức, bao mồ hôi, máu và nước mắt, với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị. Đúng 19 giờ 6 phút ngày 27/5/1994, tại Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện Miền Nam với 4 tổ máy của nhà máy thủy điện Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua đường dây 500kV, chính thức nối lưới đường điện Bắc Nam, đưa hệ thống 500kV vào vận hành, mở ra một trang sử mới cho hệ thống đường dây 500kV Bắc Nam nói riêng và ngành điện lực Việt Nam nói chung.
GS- Viện sỹ Trần Đình Long khẳng định, sự ra đời của ĐZ 500 kV mạch 1 có ý nghĩa rất lớn trong việc đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ truyền tải điện năng đi xa vào Việt Nam. Trong đó có việc xây dựng mô hình thiết kế sơ đồ, vận hành tụ bù dọc – kháng bù ngang, chế độ vận hành ổn định của hệ thống. Những thành tựu kỹ thuật mà công nhân kỹ sư VN đã học được và đảm đương vận hành cho đến ngày hôm nay, trong đó là việc hoàn thành được chuỗi công nghệ truyền tải với 22 trạm biến áp 500kV đang vận hành.
Cũng theo ông Trần Đình Long, việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 1 đã giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của miền Nam và miền Trung, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước, với tốc độ tăng trưởng GDP từ 5,1% (năm 1990) lên 9,5% vào năm 1995, bước đầu giải quyết bài toán cung ứng điện, đóng góp không nhỏ để phát triển kinh tế xã hội đất nước, trong đó tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt 12% - 14% trong giai đoạn 1990-1995.
Hơn 10 năm sau, ngày 23/9/2005, ngành điện Việt Nam lại tiếp tục đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 2. Việc này đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu điện rất lớn ở miền Bắc. Ngoài ra, cùng với việc vận hành cả 2 mạch đường dây 500kV đã thực sự là đường dây liên kết hệ thống truyền tải điện năng theo cả hai chiều, nâng cao độ an toàn, ổn định cung cấp và chất lượng điện, đồng thời tạo điều kiện để khai thác được tối ưu các nguồn điện hiện có trong hệ thống.
Qua 20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc – Nam, đến nay, lượng công suất truyền tải trên 2 mạch đường dây đảm bảo vận hành 1600-1800MW với sản lượng truyền tải trên 12 tỷ kWh/năm cao gấp 6 lần so với thiết kế ban đầu khi đường dây mạch 1 đưa vào vận hành.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Quốc Lẫm – Phó Tổng Giám đốc EVN NPT nhấn mạnh: Đường dây 500 kV mạch 1 đã làm nền tảng cho lưới điện truyền tải phát triển phủ khắp đất nước như ngày nay. Theo kế hoạch, ngày 29/4, đường dây 500 kV Pleilu - Mỹ Phước – Cầu Bông với tổng chiều dài 445 km và Trạm 500kV Cầu Bông sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành, góp phần tăng khả năng truyền tải đoạn từ Pleiku vào miền Nam lên 2.300MW, làm cơ sở để hình thành hệ thống liên kết lưới điện truyền tải 500kV của Việt Nam với các nước trong khu vực.
Cũng theo ông Lẫm, 20 năm qua, lớp lớp các thế hệ cán bộ, công nhân đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vận hành an toàn liên tục đường dây; thường xuyên kiểm tra sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, nâng cao năng lực truyền tải điện của đường dây; áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ mới trong quản lý vận hành, đặc biệt là đến năm 2013 Tổng công ty đã thực hiện xong việc lắp tụ bù dọc trên toàn tuyến đường dây, nâng khả năng tải của đường dây lên gấp 2 lần so với thiết kế ban đầu, từ 1000A lên 2000A, kịp thời tải công suất từ các nhà máy thủy điện từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung cho miền Nam.