Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng
công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT)
và Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo
vệ lưới điện (TTBVLĐ) và chống cháy cho hành lang lưới điện, vừa qua trong 3
ngày 7, 8 và 11/5, Truyền tải điện Phú Yên đã triển khai đợt TTBVLĐ năm 2015. Trong
đó CBCNV và đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đơn vị đã thực hiện sửa chữa điện cho
40 hộ gia đình, kết hợp tuyên truyền bảo vệ lưới điện tại 04 xã.
Qua tiếp xúc với bà con những năm
qua, nhận thấy đa số bà con đồng bào dân tộc ít người dọc theo tuyến ĐZ không
biết chữ và có cuộc sống, điều kiện sinh hoạt còn rất khó khăn, để công tác
TTBVLĐ đạt hiệu quả cao, TTĐ Phú Yên đã lựa chọn mô hình ra quân sửa chữa lưới
điện cho các hộ gia đình kết hợp tuyên truyền trực tiếp và phát tờ rơi.

Tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện và ký cam kết không đốt mía với người dân
Đúng 7h ngày 7/5, cùng các bạn ĐVTN,
chúng tôi lên đường để thực hiện nhiệm vụ. Có mặt trong đoàn còn có 3 phóng
viên của đài phát thanh và truyền hình tỉnh Phú Yên (PTP) và báo Phú Yên. Điểm
đến là xã Suối Bạc, Sơn Hà của huyện Sơn Hòa.
Đoàn chúng tôi chia thành từng tốp
nhỏ, tốp tuyên truyền, tốp sửa điện cho dân. Tại từng nhà, từng nhóm một sẽ
kiên nhẫn đọc và giải thích cho bà con hiểu từng điều trong tờ rơi vì bà con
không biết chữ. Ngoài đường, hệ thống loa phóng thanh lắp trên xe cũng đồng
thời phát những nội dung tuyên truyền trong băng, đĩa ghi âm.
8h20 đoàn có mặt tại nhà đầu tiên,
gia đình chỉ có một cụ bà đã 82 tuổi, gia tài của cụ chỉ có một chiếc võng dù
đã cũ, xoong nồi và vài cái bát để ăn cơm. Sau khi lắp đặt dây, bảng điện và 02
cái bóng cho cụ, anh em muốn lắp thêm cho gia đình 01 bóng điện chiếu sáng sân
nhà để đêm hôm gia đình sử dụng, biết được ý định của đoàn, cụ kiên quyết chối
từ với một lý do mà nghe xong ai cũng thấy vừa thương vừa tội: Cụ sợ không có tiền
trả tiền điện, và muốn để dành cơ hội cho bà con.

Lắp đặt điện cho các hộ dân
Rời nhà cụ, lúc đầu, ai cũng nghĩ
chắc do cụ đã lớn tuổi hơn nữa ở một mình nên gia tài đơn sơ cũng là điều hợp
lý, nhưng càng đi chúng tôi càng kinh ngạc, nhìn quanh, trong từng gia đình đều
chẳng có một tài sản gì đáng giá. Cả một xóm nghèo giống hệt như nhau.
Mặt trời dần lên, 11 giờ, rồi 13 giờ...,
từng nhóm một vẫn mãi mê công việc. Trong những gian nhà thấp nhỏ lợp tôn, giữa
trưa hè nắng gắt với nhiệt độ có khi lên tới trên 45 độ, lưng áo anh em ướt đẫm
mồ hôi nhưng không một gia đình nào có quạt, tất cả cùng chung một lý do: Không
có tiền mua quạt và trả tiền điện.
Theo kế hoạch, tại mỗi xã, đoàn chỉ
sửa điện cho 10 hộ gia đình, nhưng thực tế, từng thành viên trong đoàn đã phải
bỏ tiền túi mua thêm vật tư do những trường hợp "Phát sinh".
Làm sao có thể từ chối được khi đến
một gia đình, bà con xung quanh lại: "Chú thợ điện ơi, gia đình em cháy
cái bóng lâu rồi, mất cái ánh sáng cả năm nay rồi nhưng không có tiền thay bóng
điện", vậy là lại phải "Phát sinh" thôi.
Khi không còn tiền, không thể mua
thêm bóng điện, anh em đã phải cố giúp bà con bằng cách sữa chữa những gì có thể.
Đáp lại, đến nhà nào, đoàn cũng được bà con mang những ly nước đun sôi để nguội
ra mời, được nghe những lời cám ơn chân thành, những lời hứa sẽ luôn nhớ mãi
những nội dung tuyên truyền và sẽ luôn phối hợp với đơn vị để bảo đảm an toàn
lưới điện.
Theo chân đoàn, các phóng viên cũng
có một ngày bận rộn, hết quay phim, chụp hình rồi lại phỏng vấn. Tôi đã thực sự
chứng kiến vai áo ướt đẩm mồ hôi và những giọt nước mắt lăn dài trên má của nữ
phóng viên đài PTP khi chứng kiến điều kiện sinh hoạt và những lời nói mộc mạc
mà chân thành của bà con khi trả lời phóng vấn.
Trời dần về chiều, một ngày bận rộn
rồi cũng kết thúc, anh em đã thu xếp đồ đạc chuẩn bị lên xe thì chúng tôi lại
một lần phải sửng sốt khi một cán bộ xã đoàn, suốt một ngày phối hợp cùng đơn
vị đi sửa điện cho bà con lúc này mới rụt rè lên tiếng: Truyền tải ơi, nhà mình
cũng cháy cái bóng lâu rồi mà chưa thay được....
Lại phải lấy đồ, chạy gần 3 km đến
nhà thay cho anh một "Cái bóng". 17 giờ, kết thúc công việc, chia tay
bà con mà trong lòng chúng tôi đọng mãi
những hình ảnh về điều kiện sống, sinh hoạt cùng với tấm lòng mộc mạc, chân
tình của bà con.
Riêng đối với tôi, xen lẫn trong
những niềm vui, không nén được một chút buồn man mác. Buồn vì ngành Điện còn
nhiều khó khăn, kinh phí còn hạn hẹp nên chưa thể giúp đỡ được nhiều gia đình
hơn nữa; chưa thể tổ chức được nhiều hơn nữa những đợt giao lưu tuyên truyền
trên nhiều địa bàn khác nữa.
Đợt giao lưu TTBVLĐ khép lại với
nhiều những niềm vui và một ít nỗi buồn xen lẫn, với những kinh nghiệm và bài
học cho những đợt TTBVLĐ tiếp theo.
Hẹn gặp lại trong những đợt TTBVLĐ
tiếp theo với hy vọng tràn trề: Những niềm vui sẽ mãi được nhân lên và những
nỗi buồn sẽ không còn lặp lại./.