Hội
nghị được tổ chức nhằm mục tiêu thúc đẩy quá trình thực hiện các dự án năng
lượng tái tạo, tạo cầu nối giữa các nhà máy điện độc lập (IPP), các tổ chức
phát triển dự án và nhà đầu tư nước ngoài để giúp Việt Nam phát triển các dự án
năng lượng sạch.
Tham
dự Hội nghị có đông đảo các doanh nghiệp thuộc ngành điện Viêt Nam, gồm: Tập
đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Trung tâm Điều
độ Hệ thống điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Công ty CP Tư vấn
Xây dựng điện 3, Công ty CP phong điện Thuận Bình.
Khai
mạc Hội nghị, ông Thomas Jakobsen - Giám đốc Điều hành Quỹ Quản lý tài sản Sài
Gòn vui mừng chào đón các đại biểu tới tham dự và cảm ơn Công ty Neoventure
cùng các nhà tài trợ đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà
cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo, nhà đầu tư
có cơ hội giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, cung cấp các thông tin hữu ích về
cơ hội,tiềm năng phát triển cũng như những thủ tục đầu tư, các thuận lợi, khó
khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam.
Mở
đầu Hội nghị là phần trình bày của ông Lê Hoàng Nam - đại diện Ban Thị trường
điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ông Nam giới thiệu ngắn gọn về tổng quan hệ
thống điện Việt Nam, tình hình hiện tại của năng lượng tái tạo và năng lượng
mặt trời. Theo ông Nam, tổng công suất năng lượng tái tạo theo Tổng sơ đồ 7
hiệu chỉnh giai đoạn 2016 - 2030 dự kiến khoảng 25.083 MW, trong đó năng lượng
mặt trời khoảng 12.000 MW.
Phó Tổng giám đốc EVNNPT
Nguyễn Tuấn Tùng thảo luận tại Hội nghị
Đại
diện cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Tuấn Tùng trình bày sơ lược về Quy
hoạch nguồn, lưới điện và nhà máy điện Năng lượng tái tạo (NMĐ NLTT), những cơ
hội và thách thức của EVNNPT trong
việc đấu nối hệ thống truyền tải điện Quốc gia với các NMĐ NLTT. Phó TGĐ cho
biết, theo QH7 hiệu chỉnh (QH7 HC), tổng công suất các nguồn điện mặt trời đến năm
2030 là 12.000 MWp. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số
11/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích các dự án điện mặt trời với các
ưu đãi về thuế, đất đai và đặc biệt là giá điện (đến tháng 6/2019), tính đến
tháng 12/2017 đã có trên 169 dự án trình hồ sơ xin bổ sung quy hoạch với tổng
công suất trên 15.243 MWp. Trong đó, 44 dự án với tổng công suất 4.350 MWp đã
được phê duyệt, đa số các dự án đều dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2019 - 2020.
Theo số liệu thống kê, đến năm 2020, công suất các dự án điện mặt trời đang xin
bổ sung quy hoạch đã vượt hơn 14 lần
so với QH7 HC.
Phó
TGĐ Nguyễn Tuấn Tùng nêu bật các cơ hội khi EVNNPT triển khai đấu nối hệ thống truyền tải điện Quốc gia với các NMĐ
NLTT: Là nguồn năng lượng sạch, sẽ dần thay thế năng lượng sản xuất từ nhiên
liệu hóa thạch và hạt nhân; đang được hỗ trợ về giá và có tiềm năng lớn. Bên
cạnh đó EVNNPT cũng phải đối mặt với
những thách thức không nhỏ: Các quy hoạch
NLTT/ Điện mặt trời nói riêng (trừ thuỷ điện nhỏ) mới quy hoạch về quy mô công suất theo vùng, khu vực mà chưa xác định địa điểm dự án, nên khó khăn trong việc quy hoạch
và phát triển đồng bộ lưới điện. Số liệu so sánh sơ bộ giữa khối lượng lưới 220
kV được phê duyệt so với đăng ký quy hoạch điện mặt trời Phó TGĐ Nguyễn Tuấn
Tùng đưa ra giúp cho các đại biểu tham dự có thể hình dung rõ ràng những khó
khăn EVNNPT phải đối diện, cụ thể: Tổng
công suất TBA 220 kV được phê duyệt là 4.346 MVA, ĐZ 220 kV được phê duyệt là
930 km trong khi tổng nhu cầu đăng ký lần lượt là 15.228 MVA và 3.257 km. Ngoài
ra, nhằm mục tiêu tăng cường công tác quản lý chặt chẽ trong ĐTXD , công tác chuẩn bị đầu tư các dự án điện bị chi phối bởi nhiều Luật, Nghị định và thông tư… nên thời gian thực hiện dự
án bị kéo dài. Tổng thời gian thực hiện công trình lưới điện 220 kV đấu nối mất
khoảng 26 đến 30 tháng (kịch bản thuận lợi nhất, chưa bao gồm thời gian bổ sung
quy hoạch). Như vậy, khó có thể đáp ứng tiến độ hoàn thành trước tháng 6/2019. Thêm
vào đó, các công trình lưới điện được đầu tư với thời gian vận hành mang tải
khoảng 5.000h/năm trong khi các công trình lưới điện phục vụ truyền tải công
suất các NMĐ NLTT chỉ khoảng 2.000h/năm đặt ra những khó khăn, nan giải trong
việc giải bài toán đảm bảo hiệu quả đầu tư các công trình. Việc bố trí quỹ đất và công tác bồi thường giải phóng mặt
bằng ngày càng khó khăn, phức tạp... ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các dự
án điện. Mặt khác, công suất phát của các NMĐ NLTT không ổn định, thay đổi theo cường độ gió, bức xạ mặt trời…. Với quy mô công
suất lớn cần phải có các nguồn điện dự phòng thay thế cũng như các giải pháp nhằm đảm bảo vận hành an toàn và ổn định hệ thống điện.
Để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện
khi đấu nối nguồn NLTT, PTGĐ đưa ra 03 kiến nghị tổng thể cần xem xét:
- Quy hoạch: (i) Có quy định về tiêu
chuẩn kỹ thuật cho các nguồn NLTT nối lưới; (ii) Quy hoạch phát triển NLTT tổng
thể (xem xét đánh giá toàn diện về tiềm năng, quy mô, lộ trình và thời điểm phù
hợp triển khai các dự án theo từng khu vực/địa phương).
- Vận hành: Xây dựng, phát triển hệ thống dự báo cho NLTT.
- Đối với Năng lượng mặt trời cần xem
xét đến khả năng xử lý chất thải sau này khi các tấm pin bị hỏng hóc, hết tuổi
thọ cần thay thế.
Đại
diện của Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 3, ông Nguyễn Hoàng Dũng - Trưởng
phòng năng lượng tái tạo chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc lựa chọn các dự
án năng lượng tái tạo tại Việt Nam để có thể triển khai một cách nhanh và hiệu
quả nhất. Ông Dũng cho biết Việt Nam được xem là Quốc gia có tiềm năng lớn về
điện mặt trời, tương đương khoảng 843 triệu MWh/năm. Tính đến nay, đã có 17.000
MWp được đăng ký đầu tư, trong đó, riêng tỉnh Bình Thuận có 77 dự án với tổng
công suất 4.495 MWp; 40 dự án của tỉnh Ninh Thuận với tổng công suất khoảng
2.455 MWp; tỉnh Đắc Lắc 13 dự án với tổng công suất 6.483 MWp; tỉnh Khánh Hòa
09 dự án với tổng công suất 550 MWp và rất nhiều dự án khác ở các tỉnh: An
Giang, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Nai, Tây Ninh, Lâm Đồng,
Đắc Nông, Bình Định, Phú Yên, Quảng Trị… Dự kiến 10 dự án sẽ được khởi công
trong năm 2018. Bên cạnh đó, những thách thức trong việc phát triển nguồn năng
lượng tái tạo cũng được ông Dũng nêu ra: (i) thiếu chuyên gia giỏi; (ii) thiếu
kinh nghiệm phát triển dự án; (iii) khả năng thu xếp tài chính còn yếu.
Bên
cạnh đó, đại diện các hãng, nhà sản xuất, công ty tư vấn, ngân hàng, nhà đầu tư
đã cung cấp nhiều thông tin chi tiết liên quan đến năng lực, công suất, kinh
nghiệm… trong các lĩnh vực chuyên môn để các đại biểu tham dự có một bức tranh
tổng thể về sự phát triển của nguồn NLTT của Việt Nam trong thời gian tới.
Hội
nghị đã thành công tốt đẹp, các băn khoăn, thắc mắc liên quan đến nhiều lĩnh
vực, vấn đề kỹ thuật do các đại biểu đưa ra đều được lý giải, hướng dẫn thỏa
đáng. Các đại biểu tham dự thu nhận được các thông tin hữu ích, tạo tiền đề cho
việc mở ra cơ hội hợp tác trong tương lai./.