
Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 2 viếng và dâng
hương các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn nằm
cạnh Đường Hồ chí Minh đoạn qua Tỉnh Quảng Trị. Con đường lịch sử nổi tiếng
trong chiến tranh đã không còn dấu vết gì của chiến tranh. Đường 9 gắn liến với
căn cứ Khe Sanh, nơi quân Mỹ đã rút chạy trong chiến dịch năm 1968 dưới sức ép
bao vây của bộ đội ta. Cũng nơi đây với trận Làng Vây, quân chủng tăng thiết
giáp đã có trận đánh đầu tiên. Còn chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1971 là trong
một chiến dịch lớn nhất trong chiến tranh chống Mỹ. Cũng tại nơi đây, tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh
bộ đội Trường Sơn đã chọn địa điểm này làm nghĩa trang cho nơi an nghỉ cho hơn 10
nghìn bộ đội, thanh niên xung phong đã hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh -
con đường huyết mạch từ miền Bắc tiếp tế cho miền Nam.
Và khi đến thăm, chúng tôi được biết Nghĩa
trang Trường Sơn được khởi công vào tháng 2/1975, trước khi quân ta mở chiến
dịch Ban Mê Thuột (trước đó tôi vẫn nghĩ là nghĩa trang được xây dựng sau khi
chiến tranh đã kết thúc). Chúng tôi lần lượt đi thắp hương và dâng hoa ở các
đài ghi công, các nhà tưởng niệm. Bạt ngàn những nấm mồ. Nếu để ý, đa phần các
anh chị hy sinh khi tuổi chưa tròn đôi mươi. Chiến tranh đã cướp đi bao nhiêu
sinh mạng. Các anh chị ngã xuống để có chiến thắng, để có sự thống nhất Việt
Nam sau hơn 30 năm của 2 cuộc chiến tranh.
Chúng tôi, những người may mắn không phải tham
gia chiến tranh, càng hiểu được những mất mát khi đến đây - Nghĩa trang Trường
Sơn. Cái giá cho độc lập tự do sao lớn vậy? Và phải làm sao đây để xứng với cái
giá đó. Các anh chị ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, còn chúng tôi và lớp con cháu,
phải dựng xây Tổ quốc sao cho xứng với các anh chị.
Đi viếng cùng chúng tôi là đoàn khá đông của
hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên. Trong bộ trang phục với nhiều huy chương
trước ngực, họ đến viếng khu nghĩa trang của tỉnh Bắc Thái (nay là Bắc Kạn và
Thái Nguyên). Có nhiều đoàn như đoàn chúng tôi. Ai ai cũng kính cẩn, trang
nghiêm trước anh linh của thế hệ trước. Có một nhận xét nhỏ: Nghĩa trang Trường
Sơn thực ra là nghĩa trang cho các chiến sỹ chủ yếu quê ở miền Bắc, mà mỗi tỉnh
đều có khu mộ riêng.

CBCNV Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 2 thắp hương tại
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn
Rời Nghĩa trang Trường Sơn, chúng tôi về thăm
Thành cổ Quảng Trị, bây giờ chỉ còn giữ lại cái cổng nhỏ, đài tưởng niệm và một
chút vài ba mét bờ thành cổ. Nơi đây đã nổi tiếng với trận chiến giữ thành 81
ngày đêm của bộ đội ta trong những ngày hè đỏ lửa năm 1972. Đây là trận chiến
ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cả thế giới theo dõi trận chiến
này.
Chúng tôi đi ngang cầu Thạch Hãn, nơi có đài
tưởng niệm ghi công tiểu đội anh hùng đã chốt chặn không cho quân VNCH tràn
sang bên này sông. Và từ bên này sông, hàng ngày bộ đội ta vượt sông để bổ sung
lực lượng cho thành cổ. Biết bao chiễn sỹ đã hy sinh khi vượt sông dưới hỏa lực
của Mỹ ngụy. Chúng tôi dừng ở bờ sông Thạch Hãn. Ai cũng có cảm nhận sự âm u
của dòng sông này, không giống như những con sông khác. Hình như cần phải có
một lễ đại cầu siêu ở nơi đây. Hai bên bờ sông đã có nhà tưởng niệm được xây
khá bề thế. Có khá nhiều hoa tưởng niệm trôi trên sông. Nhân dân vẫn thả hoa
trên sông vào những ngày rằm, ngày tưởng nhớ. Bốn câu thơ của nhà thơ Lê Bá
Dương như nhắc tất cả mọi người khi đặt chân đến nơi đây:
Đò
lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy
sông còn đó bạn tôi nằm
Có
tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm
Một ngày ý nghĩa với mỗi người chúng tôi. Càng
ý nghĩa hơn khi toàn thể CB-CNV Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 2 đã hiểu được phần
nào về sự ác liệt của cuộc chiến tranh tại mảnh đất tuyến đầu miền Nam này,
hiểu được sự thiêng liêng của Nghĩa trang Trường Sơn, của Thành cổ Quảng Trị.
Từ đó có những suy nghĩ và hành động nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong lao động sản
xuất, đóng góp một phần công sức nhỏ đền đáp công ơn to lớn của các Anh hùng đã
ngã xuống./.