Chị Thủ quỹ đơn vị tôi

Thứ hai, 27/3/2023 | 10:33 GMT+7

Cách đây hơn 10 năm, lúc tôi mới vào đơn vị làm việc, ấn tượng đầu tiên tôi gặp chị cho đến giờ vẫn là nét gần gũi, thân thiện, vui vẻ và lúc nào cũng hiện đại, thanh lịch…đây cũng là quan điểm mà nhiều đồng nghiệp, bạn bè và những ai đã từng tiếp xúc chia sẻ về chị Kim Anh mà chúng tôi hay gọi bằng cái tên thân mật: “chị Tèo” - nhân viên Phòng Tài chính Kế toán, Truyền tải điện Bình Định, Công ty Truyền tải điện 3.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh sinh năm 1968, quê ở xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Sau khi tốt nghiệp Trường Học viện Ngân hàng 2 Trung ương năm 1990, trải qua nhiều công việc khác nhau, đến năm 1997 chị được tuyển dụng vào làm việc tại Truyền tải điện Bình Định – Quảng Ngãi (nay là Truyền tải điện Bình Định, trực thuộc Công ty Truyền tải điện 3), được Lãnh đạo xem xét phân công công tác ở vị trí thủ quỹ, đến năm 2008 kiêm nhiệm thêm công tác văn thư. Là những việc cần phải có sự tỷ mỷ, cẩn thận và đặc biệt là đức tính thật thà, vì vậy chị đã tự nhủ phải tận tâm, tận lực, hết lòng trách nhiệm đối với công việc. Trải qua hơn 24 năm làm “tay hòm chìa khóa”, có một điều đáng khâm phục, không phải nói là quá khen khi chị chưa bao giờ mắc sai sót, làm thất thoát tiền bạc, tài sản mà mình quản lý dù là nhỏ nhất, bởi có mấy ai làm cái nghề nhiều rủi ro, nguy hiểm lâu năm mà không sai phạm? Trải qua một quãng thời gian dài công tác, chị luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được lãnh đạo tín nhiệm, đánh giá cao, bản thân luôn quan tâm, phát huy tốt vai trò trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong công việc, chị luôn nỗ lực tìm hiểu, học hỏi nâng cao trình độ bản thân và dành nhiều thời gian lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của cấp trên, đồng nghiệp.

Khi hỏi về bí kíp gì giúp chị hoàn thành tốt nghề “giữ tiền”, chị vui vẻ cho biết: “Ngoài việc chặt chẽ, minh bạch trong thu chi, thì mình luôn cẩn thận, sắp xếp chứng từ sổ sách thứ tự, ngăn nắp, khi cần truy lục thì phải biết ở chỗ nào,
làm thủ quỹ buộc phải cẩn thận mà cũng có lúc không tránh khỏi nhầm lẫn, nhất là những lúc công việc dồn dập, thời gian gấp rút, chưa kể những lúc tinh thần mệt mỏi, không được tập trung. Thế nhưng, sau đó tĩnh tâm trở lại, mình nhận biết ngay là sai ở chỗ nào để xử lý. Thời gian mới được bố trí làm thủ quỹ, kinh nghiệm chưa có, lại phải giữ những khoảng tiền lớn, cầm xấp tiền cứ đếm đi đếm lại, sợ sai số, rồi lần đầu sử dụng két sắt, khoá số, sổ thu chi nên rất lóng ngóng. Khi kiểm tiền khớp thu - chi mới thở phào nhẹ nhõm, tối về mới ăn ngon, ngủ yên” - chị vừa cười vừa kể.

Còn đối với công việc văn thư, chị tâm sự: “để làm tốt nhân viên văn thư, trước hết phải có trình độ chuyên môn giỏi và tận tâm với công việc. Đặc thù công việc liên quan đến quản lý công văn, tài liệu, soạn thảo văn bản, sử dụng con dấu… do đó mỗi nhân viên văn thư ngoài nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ, quy trình, thể thức soạn thảo văn bản còn phải có tính cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác, rõ ràng và phương pháp làm việc khoa học để làm sao xử lý nhanh, đúng quy định công văn đi – đến. Đồng thời phải luôn chủ động học tập, học hỏi thông qua đồng nghiệp, tài liệu để cập nhật những kiến thức mới, đáp ứng được yêu cầu công việc”.

Chị Kim Anh đang đóng dấu hồ sơ tài liệu

Bên cạnh công tác chuyên môn, chị còn tham gia sôi nổi các phong trào văn hóa, văn nghệ. Mỗi khi có hội diễn nghệ thuật do Đơn vị, Công ty hay Tổng Công ty tổ chức, chị cũng đều tham gia nhiệt tình, thậm chí còn đạt thành tích cao và để lại ấn tượng sâu sắc về vai diễn của mình khi hóa thân vào nhân vật như kiểu “đo ni đóng giày” mà mỗi lần nhắc tới ai cũng phải cười, tấm tắc khen “sao chị diễn hay quá, vui quá” chẳng hạn vai con gái bác Năm, trong vở kịch: “Cây thị nhà bác Năm” đạt huy chương vàng trong một lần tham gia hội diễn do Công ty tổ chức, hoặc gần đây hơn, là vào các vai phụ nữ công sở trong các tiểu phẩm tham dự các hội thi về Văn hóa Doanh nghiệp, hoặc đôi khi lại là diễn viên múa trong các tiết mục trong hội diễn Nghệ thuật quần chúng do Tổng Công ty tổ chức…Ngoài phong trào văn nghệ, chị còn nhiệt huyết với những phong trào an sinh xã hội, trách nhiệm vì cộng đồng do Công đoàn, Đoàn Thanh niên phát động. Với tấm lòng nhân văn, nhân ái, chị “tèo” cũng không bỏ sót chương trình Tuần lễ hồng nào do EVN phát động. Từ Tuần lễ hồng lần thứ I năm 2015, cho đến Tuần lễ hồng lần thứ V năm 2019, chị đều tham gia hiến máu hết cả 05 lần.

Chị Kim Anh trong một lần tham gia hiến máu nhân đạo

Đã “Giỏi việc nước”, chị còn “Đảm việc nhà”. Theo tìm hiểu, chị Kim Anh sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, lập gia đình năm 1990, đến năm 1992 sinh con trai đầu, năm 1995 có con gái sau. Một điều thú vị là “anh xã” của chị cũng làm trong ngành truyền tải, đặc biệt hơn lại là một “lính truyền tải” chính hiệu - Anh Liễu Vạn Tuế, hiện đang là công nhân quản lý vận hành đường dây bậc 7/7, Đội truyền tải điện Quy Nhơn, thuộc Truyền tải điện Bình Định.

Chị cho biết “Năm 1997, cả gia đình ra Quy Nhơn lập nghiệp, lúc đó, công việc thì mới mẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, con cái thì còn nhỏ, lại không có ông bà ở gần, đặc thù công việc của anh thì đi sớm, về khuya, có lúc phải đi xa nhà vài ngày nên ngoài “việc nước” thì công việc nội trợ, nhà cửa, lo cho con cái chị một tay gánh vác, một phần vì những “công việc không tên” thường được mặc định đó là việc của phụ nữ, một phần vì làm trong ngành, chị thấu hiểu đặc thù công việc của công nhân truyền tải vất vả và khó khăn thế nào…trèo đèo, lội suối, thường xuyên phải làm việc trên những đường dây điện cao áp ở tận mây xanh, không quảng ngại những lúc nắng như đổ lửa, lúc thì lạnh cắt da cắt thịt, chưa kể khi có thiên tai bão lũ cũng phải đi xử lý sự cố chứ đâu có được ở nhà… nên chị để anh toàn tâm toàn ý dành thời gian và công sức đảm bảo “dòng sáng cho đời”. Chị tiếp lời: “thời điểm anh mới vào làm năm 1995, được lãnh đạo phân công quản lý lưới điện ra tới Quảng Ngãi, cách nhà hơn trăm cây số, nên có khi đi cả tuần mới về nhà một lần. Lúc đó kinh tế gia đình cũng còn khó khăn, chồng lại ít khi ở nhà, nên tự mình phải khéo léo tính toán, sắp xếp thì mới chu toàn được mọi việc. Suốt một quảng thời gian dài đến năm 2007, khi chia tách lưới điện từ Quảng Ngãi trở ra, thì anh mới có thời gian ở nhà chăm lo cho gia đình nhiều hơn.”

Mặc dù với hoàn cảnh như vậy, nhưng với tinh thần lạc quan, với tình yêu gia đình, tình yêu công việc, hết lòng say mê, trách nhiệm, tận tâm với nghề, chị đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vừa hỗ trợ chồng và bản thân hoàn thành nhiệm vụ Công ty giao, vừa hoàn thành xuất sắc thiên chức của người vợ, người mẹ. Với hơn 24 năm công tác, nhiều năm liền chị Kim Anh được tặng Giấy khen “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà” của Công ty Truyền tải điện 3 và nhiều Giấy khen của tổ chức tổ chức Công đoàn các cấp, còn về phần gia đình thì năm nào cũng được địa phương xếp loại và tặng Giấy khen “Gia đình Văn hóa”.

Đến thời điểm hiện tại, hai con đã lớn khôn, ăn học thành tài và cũng đã yên bề gia thất, cháu nội thì đã có, còn cháu ngoại thì cũng sắp được bế bồng. Sau 30 năm “góp gạo thổi cơm chung” nhưng tình cảm mà vợ chồng chị dành cho nhau vẫn nồng ấm như ngày mới quen. Mặc dù đã ngoài “ngũ tuần”, nhưng có những buổi chiều xong việc sớm, tôi vẫn thấy anh ghé văn phòng để chờ chị về cùng, tôi vẫn thường hay trêu anh “lại Grap miễn phí”. Tôi và chắc hẳn không ít người sẽ cảm thấy khâm phục rằng: để làm một công việc trong suốt hơn 24 năm mà không để xảy ra sai sót gì đã khó, để giữ ngọn lửa hạnh phúc gia đình lúc nào cũng nồng ấm trong suốt 30 năm lại còn khó hơn rất nhiều. Trước khi tham dự cuộc thi viết “Vẻ đẹp Phụ nữ EVN”, tôi có ngỏ ý sẽ viết về chị, chị khiêm tốn: “thôi, chị có gì đâu mà viết” nhưng tôi nhận thấy cái “có gì đâu” của chị có lẽ khiến nhiều người phải ngưỡng mộ và muốn hướng đến.

Ngoài chị Kim Anh, tôi còn may mắn khi được làm việc và gặp gỡ nhiều nữ công nhân điện “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà” khác như: chị Nguyễn Thị Cốm – Nguyên Phó chủ tịch Công đoàn Công ty Truyền tải điện 3 (đã về hưu), chị Đặng Thị Hải Yến – Phó Chánh Văn phòng Công ty Truyền tải điện 4, chị Nguyễn Thanh Hoa – Phó Chánh Văn phòng Công ty Truyền tải điện 1 và nhiều nữ đồng nghiệp khác mà tôi không thể kể hết một lúc. Có lẽ, cũng từ những nét văn hóa của chính CBCNV ngành Điện đã xây dựng nên hình ảnh những người phụ nữ giỏi giang, với những phẩm chất như thế: Trách nhiệm, Trí tuệ, Đảm đang, Thanh lịch. Họ, những nữ CNVCLĐ không chỉ tích cực học tập, sáng tạo, xây dựng hạnh phúc gia đình, mà còn đang cùng với toàn thể CBCNV ngành Điện tích cực đóng góp sức lực và trí tuệ của mình trong lao động sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục, phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, làm cho đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh, thịnh vượng.

Lê Hồng Việt (Phòng Tổng hợp, Truyền tải điện Bình Định - PTC3)