Nữ trạm trưởng luôn trách nhiệm, tận tâm với nghề

Thứ năm, 22/12/2022 | 22:27 GMT+7
Nói đến Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), nhiều người nghĩ ngay tới một nghề đặc thù, vất vả, nguy hiểm, nơi không dành cho những người “chân yếu tay mềm”. Thế nhưng, cùng với sự phát triển của xã hội, sự bình đẳng về giới nên EVNNPT ngày nay đã “đón” thêm nhiều lao động nữ làm việc của “phái mạnh”. Đến thăm và tìm hiểu công việc của chị Lê Thị Kim Chi - Nữ Trạm trưởng duy nhất trong 157 Trạm biến áp (TBA) của EVNNPT, chúng tôi càng thấy ngưỡng mộ chị hơn bởi sự trách nhiệm, tận tâm với nghề của chị.

Nữ Trạm trưởng trách nhiệm, tận tâm với nghề

“…Người ta hay nói đến chữ “duyên”: gặp được nhau vì có duyên, nên vợ nên chồng là do duyên số và gắn bó với nghề cũng bởi cơ duyên…”. Chị Lê Thị Kim Chi - Trạm trưởng TBA 220kV Phố Nối - Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Chị Lê Thị Kim Chi (nữ duy nhất, đứng giữa) tham gia Khóa đào tạo

“Phân tích các dạng sự cố các chế độ vận hành trong máy biến áp lực và quản lý vận hành thiết bị giám sát dầu Online cho các máy biến áp" cho các Trạm trưởng

Chị kể “Tốt nghiệp Đại học Giao thông, mình công tác bên ngành Giao thông rồi lập gia đình. Ông xã làm ở Truyền tải điện. Không biết có phải do cơ duyên hay ông xã khéo động viên, “lôi kéo” mà năm 2002 mình quyết định chuyển công tác sang ngành Điện. Trái ngành, trái nghề nên mình đăng ký học văn bằng 2 tại Đại học Bách khoa Hà Nội vào buổi tối. Ròng rã suốt 3 năm trời, ngày nắng cũng như mưa, ngày đi làm ở Trạm, tối về Hà Nội để theo học đại học. Nhiều lúc, nghĩ đến quãng đường xa, mưa rét, tối tăm, thân gái một mình đi lại vất vả, mình cũng hơi nản. Nhưng được ông xã động viên và nhận thấy lĩnh vực truyền tải điện là một ngành kỹ thuật cao, quy trình công nghệ nghiêm ngặt, nếu không nắm vững lý thuyết, kinh nghiệm trong thực hành thì có thể gây ra những sự cố lớn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, cho cộng đồng, xã hội nên mình rất quyết tâm vừa học, vừa làm. Kết quả không phụ công sức, từ trực phụ, một năm sau, mình đã thi và chính thức trở thành trực chính…”

Học là một chuyện. Vận dụng được những kiến thức đã được đào tạo trong trường một cách linh hoạt, hiệu quả vào thực tế lại là chuyện khác. Với nam giới trong ngành đã vất vả, đối với chị em thì sự vất vả, khó khăn càng thêm gấp bội. Vì thế khi tham gia công việc, chị Chi đã phải nỗ lực hơn nhiều so với các đồng nghiệp nam. Chị bồi hồi nhớ lại “Lúc mới vào nghề, do chưa quen cầm kìm, tô vít nên nhiều lần làm việc xong, hai bàn tay phồng rộp lên, đau rát, về nhà cầm đũa cũng khó, nói gì đến làm các việc nặng khác!”. “...Năm 2011, Trạm thực hiện công việc hoàn công mạch nhị thứ đúng vào tháng 6 - đỉnh điểm nắng nóng mùa hè. Mình và một chị nữa căng bạt tại các tủ đấu dây ngoài trời để kiểm tra mạch hoàn công. Sau khi kết thúc, hai chị em nhìn nhau tủm tỉm cười, không nhận ra nổi mình vì quá đen do cháy nắng cộng thêm dị ứng với sợi Amiăng trên cánh tủ…”.

Năm 2016 có lẽ là năm có nhiều kỷ niệm nhất đối với chị. Trong một ca trực đêm tháng 8 năm 2016, mưa bão ập đến. Trời mưa to, giông gió mạnh ngoài trời, sấm chớp liên hồi, các cửa kính cứ rung lên sau mỗi hồi sấm. Khu dân cư bên cạnh, đường phố “vắng tanh, vắng ngắt”. Trao đổi công việc mà mấy chị em như “hét vào tai nhau”. “Lúc đó, chẳng ai còn kịp nghĩ đến mình nữa, trắng đêm chỉ lo làm sao để nước không tràn vào Trạm làm hỏng thiết bị, máy móc, gây sự cố mà thôi. Trời tảng sáng, tất cả thở phào nhẹ nhõm khi thấy Trạm “bình an vô sự!”, chị Chi chia sẻ.

Chưa kịp “hoàn hồn” sau trận mưa bão, chị lại đi hỗ trợ đấu nối mạch nhị thứ cho máy áp biến (MBA) AT1 của Trạm Thường Tín. “..Do yêu cầu tiến độ phải hoàn thành trong thời gian ngắn nên tất cả các đội công tác phải gần như tiến hành đồng thời. Trời giáp Tết thời tiết hanh khô, công việc đấu nối đòi hỏi sức nên sau 3 ngày “lăn lộn” trên hiện trường, công việc hoàn tất cũng là lúc hai bàn tay phồng mọng nước, mặt thì khô nẻ rớm cả máu...”.

“Khó khăn chồng chất khó khăn” khi chị Chi phải chỉ đạo, điều hành công việc của Trạm trong những ngày tháng 4/2020. Khi cả nước thực hiện “giãn cách xã hội” cũng là lúc chị cùng những cán bộ, kỹ sư trực Trạm biến áp tất bật gói ghém quần áo, chuẩn bị những vật dụng sinh hoạt cần thiết để vào Trạm làm việc xuyên suốt 15 ngày. Chị và anh em trong Trạm cô lập hoàn toàn với bên ngoài dẫu không thuộc F nào cả. Không thể kể hết những khó khăn vất vả, những tâm tư của chị Kim Chi khi thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe, tạo tâm lý yên tâm cho cán bộ công nhân viên (CBCNV), vừa phải đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo lưới truyền tải điện được vận hành an toàn, liên tục, ổn định. Cùng lúc, đôi vai nhỏ bé của chị đã phải “gánh” rất nhiều trọng trách: vừa là “linh hồn” của Trạm, chỉ đạo triển khai các phương án trực cô lập, vừa là điểm tựa tinh thần động viên, kiêm luôn “nội tướng” chăm sóc sức khỏe cho anh em. Vượt lên những bộn bề lo toan cuộc sống gia đình, nén cả những tình riêng khi hai vợ chồng cùng xa nhà trực Trạm, chị đã khéo léo thu xếp công việc gia đình chu toàn để hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với các y, bác sĩ, quân đội ở tuyến đầu chống dịch, những CBCNV Truyền tải điện như chị đã góp phần không nhỏ đưa điện đến các bệnh viện, khu cách ly và đến với mọi người dân, để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Khi chúng tôi bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần “thép” và nghị lực của chị, chị chỉ cười, nhỏ nhẹ đầy khiêm tốn “…Xã hội làm được thì mình cũng làm được mà em! COVID -19 cũng sợ nhưng sợ nhất anh em bị nhiễm bệnh, có sự cố xảy ra với Trạm mà thôi!...”

Chị Chi điều hành công việc trong Trạm giữa đại dịch COVID-19

Xứng danh phụ nữ EVNNPTTrách nhiệm - Tận tâm - Tài năng -Đảm đang”

Không ngại khó, ngại khổ, chẳng quản thức đêm, trèo cao, lại yêu ngành, yêu nghề, ham học hỏi, mày mò, chị Chị tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý và có nhiều sáng kiến hữu ích. Năm 2013, khi Trạm cải tạo nâng công suất MBA AT1, trước khi đóng điện chị cùng một người nữa đi kiểm tra lại các Rơle nội bộ MBA và đã phát hiện ra khiếm khuyết cặp tiếp điểm đi cắt MBA của van phòng nổ. Sự nhanh nhạy, phát hiện kịp thời của chị đã giúp MBA không bị cắt ra khi đóng điện.

Chị Chi chỉ đạo anh em xử lý sự cố tụ trong đêm

Cũng trong quá trình công tác, nhận thấy Trạm có thiết kế đồng hồ đo dòng rò chống sét van của các MBA được lắp quá cao, không tiện cho việc kiểm tra trong quá trình vận hành, chị đã có sáng kiến hạ thấp chiều cao của đồng hồ. Đến nay, sáng kiến đã được áp dụng cho tất cả các Trạm biến áp. Với việc lắp thêm chuỗi sứ treo cho dây lèo biến điện áp thanh cái C21, C22  để đảm khoảng cách an toàn điện; lắp thêm giá treo giúp người vận hành không phải leo lên mặt MBA vẫn có thể kiểm tra rơle Ga quả là sáng kiến hiệu quả, thiết thực, đem lại giá trị làm lợi lớn cho đơn vị, cho Tổng công ty.

Với “con người của sáng kiến” như chị thì cả những thiết kế có sẵn, chị cũng tìm cách để hoàn thiện hơn. Năm 2018, Trạm của chị thi công lắp đặt hệ thống bơm chống úng. Nhận thấy đơn vị thiết kế không lường trước đến tình huống khi có mưa to nước bơm từ trong Trạm ra ngoài không thoát kịp dẫn đến mực nước bên ngoài cao hơn trong Trạm và tràn ngược lại qua cánh van chặn. Trước tình hình ngày mai có áp thấp nhiệt đới, chị đã huy động CBNV trong Trạm mỗi người một việc. Trong vòng một buổi chiều đã hoàn thành việc hàn nối thêm chiều cao cho cánh van. Kết quả, đêm hôm đó mưa như trút nước, dù bên ngoài ngập nhưng Trạm vẫn khô ráo.

Chị Chi chỉ đạo xử lý khiếm khuyết thiết bị

 

Nhỏ nhắn, ít nói là thế nhưng ở chị luôn toát lên năng lượng dồi dào, cân bằng khéo léo giữa việc “nước” và “nhà”, quan tâm, chăm lo đến anh em trong Trạm. Chỉ có 10 người trong Trạm với khối lượng công việc không giảm đi mà càng ngày càng tăng thêm, do đó khi có thao tác, sửa chữa thiết bị Trạm, chị đã phải rất linh hoạt điều phối. Anh Vũ Văn Vinh - Trạm phó và cũng là Tổ trưởng công đoàn của Trạm xúc động cho biết “Trong tháng 7 vừa qua Trạm có thi công di chuyển chống sét van, kết hợp với sửa chữa lớn thay cáp 22kV cho 02 MBA AT1, AT2. Lịch cắt điện sau nhiều lần hoãn và điều chỉnh cộng với thời tiết 37 độ thì thực sự đó là một thử thách với sức người. Chị Chi và tôi đã bàn nhau, thôi thì mặc dù chưa xin được kinh phí nhưng tạm thời cứ ứng tiền của mình ra để lo ăn uống tại chỗ cho các đội công tác để anh em có thời gian nghỉ ngơi tại Trạm không mất thời gian di chuyển đi ăn ở ngoài. Đêm thì ngoài khẩu phần ăn theo quy định, có thêm sữa tươi để bổ sung cho anh em các đội công tác tại Trạm. Đến khi công việc hoàn thành trả lưới đúng hạn thì tất cả đều “tay bắt mặt mừng” cảm ơn lẫn nhau vì đã nỗ lực hết sức giúp Trạm hoàn thành một khối lượng công việc gấp đôi các Trạm khác trong khi thời gian thi công ngắn, liên tục không ngơi nghỉ…”

Không chỉ anh Vinh mà toàn anh chị em trong Trạm sẽ nhớ mãi những ngày làm việc cùng nhau trong đợt dịch COVID-19. “... Lúc thực hiện giãn cách xã hội, cả hai vợ chồng chị Chi đều ở lại trực Trạm, xa con cái. Vừa lên phương án trực cô lập, Chị vừa gọi điện nắm bắt tình hình gia đình từng người để phân công lịch trực cho phù hợp. Lo cho anh em xa nhà, xa gia đình, sức khỏe không đảm bảo, ngơi tay công việc ở Trạm là Chị lại trực tiếp xắn tay lên vào bếp, nấu nướng cho anh em ăn. Bưng bát cơm nóng hổi với những món ăn chế biến vừa miệng, ai cũng cảm thấy như ở nhà vậy! Đến tối, nghe tiếng Chị vỗ về, động viên các con ở nhà tự giác sinh hoạt, học tập, ai nấy đều xúc động, lấy Chị làm tấm gương, động lực để vượt qua khó khăn trong mùa dịch…”, Anh Vinh kể tiếp.

Quanh năm “gói gọn” trong những bức tường, xung quanh là máy tính, tủ, bảng, làm bạn với máy biến áp, kháng, tụ, cột, trụ…, chị đã tự mày mò nghiên cứu, học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để giờ đây chỉ cần “Nhìn -  Nghe - Ngửi” qua các thiết bị là đã “bắt bệnh”, khám chữa kịp thời cho những “đứa con” của mình. Vất vả đấy, gian nan đấy nhưng chị Chi luôn gắn bó, tận tâm với công việc, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần cùng đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Gần 20 năm gắn bó với Trạm biến áp, dù thời gian có làm xuân sắc phai dần nhưng lòng yêu ngành, yêu nghề của chị thì vẫn như thời xuân thì con gái. Khi được hỏi, nếu được chọn lại có chọn ngành Điện, chọn Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia không, chị Chi vẫn giữ niềm tin với nghề, bởi theo chị, càng làm càng thấy yêu nghề và hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của lĩnh vực Truyền tải điện, của công việc trực vận hành Trạm biến áp hơn. Với chị, niềm hạnh phúc đâu chỉ là được nhận những bằng khen, giấy khen, danh hiệu thi đua mà đơn giản là được ngắm ánh trăng lấp ló sau các trụ điện, nghe “bản giao hưởng” từ tiếng côn trùng hòa với tiếng máy “ro ro”, thoang thoảng mùi cây cỏ xanh tươi, hương hoa hồng thơm ngát trong Trạm, cảm giác thật thư thái, yên bình!

Nhận xét về nữ Trạm trưởng duy nhất của Công ty, ánh mắt đồng chí Nguyễn Văn Hưng - Trưởng phòng Kỹ thuật PTC1 ánh lên niềm tự hào xen lẫn cảm phục. Đồng chí cho biết “…Kim Chi là một trong những Trạm trưởng có chuyên môn vững, nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc. Rất tích cực và động viên CBCNV của Trạm tham gia phong trào Trạm tiêu biểu. Kim Chi luôn hòa đồng với anh em trong công việc cũng như cuộc sống. Đây thực sự là một gương sáng của nữ cán bộ công nhân viên EVNNPT với đầy đủ phẩm chất: Trách nhiệm - Tận tâm - Tài năng -  Đảm đang…”

Tạm biệt chị ra về, qua kính xe, nhìn những hàng cột điện thẳng tắp lùi dần về phía chân trời, trong tôi trào dâng niềm xúc động. Chị đến với nghề bằng cái duyên nhưng đã trụ lại với nghề bằng một trái tim quả cảm, một nỗ lực phi thường và lòng yêu nghề hiếm có. Tự dưng trong tôi bỗng ngân nga lời ca của bài hát “Một đời người - Một rừng cây,” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn:

“….Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng

Gian khổ sẽ dành phần ai?”

Vâng, thay vì chọn việc nhẹ nhàng, chị đã chọn một con đường khó khăn hơn. Trên con đường ấy, không khẩu hiệu, cũng chẳng truyền thông, chị cứ lặng thầm, cần mẫn, gắn bó với công việc của Trạm biến áp, giữ cho lưới truyền tải điện luôn được vận hành an toàn, liên tục, ổn định, góp phần đem ánh sáng điện năng tới muôn nơi, góp phần “Truyền niềm tin”, “Thắp sáng niềm tin”, tô thêm nét đẹp Văn hóa EVNNPT trong cộng đồng, xã hội./.

 

Nguyễn Huy Thắng, Lê Duyên Hải - Công đoàn EVNNPT