Chuẩn hoá cách xưng hô nơi công sở: Bắt đầu từ đại từ nhân xưng "tôi"

Thứ tư, 19/8/2015 | 00:00 GMT+7
​Nhìn vào cách xưng hô trong giao tiếp công sở hiện nay, nhiều người cho rằng rất lộn xộn, phức tạp, không theo một tiêu chuẩn, tiêu chí nào. Bộ Nội vụ đã có đề án về xây dựng bộ chuẩn hoá văn hoá công sở, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016. Có người ủng hộ cách làm này, nhưng người khác lại cho rằng, văn bản chuẩn hoá văn hoá giao tiếp công sở không thể áp dụng một cách máy móc. Vậy chuyện xưng hô, giao tiếp trong doanh nghiệp (DN) làm thế nào để phù hợp với các chuẩn mực chân- thiện- mỹ?

Thực trạng về xưng hô và giao tiếp trong doanh nghiệp

Sự phức tạp trong cách xưng hô nơi công sở ở Việt Nam  xuất phát từ việc sử dụng nhiều cách gọi khác nhau trong một DN. Đó là:
(1)    Theo quan hệ gia đình: Gia đình, gia tộc hoá công sở là xu hướng tự nhiên, có yếu tố truyền thống ở nước ta.
(2)    Theo định vị đại từ nhân xưng kiểu phương Tây. Đây là cách gọi đơn giản, văn minh vì trong giao tiếp chỉ cần định vị đúng 1 trong 3 ngôi của đại từ nhân xưng số ít hoặc số nhiều như tôi (I) – anh (You), cô ấy/họ (She/They). Việt Nam cũng đã du nhập cách xưng hô đơn giản bình đẳng giữa hai đại từ tôi – đồng  chí. Song phạm vi áp dụng của của nó thường bị giới hạn trong hội họp nội bộ, . Trong các DN nước ta cách xưng hô này không được nhiệt tình hưởng ứng vì nó khác/ trái với truyền thống và ngầm định nền tảng phát triển tình cảm gia đình trong tổ chức.
(3)    Ảnh hưởng của cách xưng hô của sách kiếm hiệp, diễm tình, thậm chí kiểu “xã hội đen” như đại ca - em, cô nương, chàng - nàng… cũng có trong một số DN Việt. Có thể coi đây là những “rác văn hoá” lọt vào nước ta trong quá trình giao lưu, hội nhập với khu vực và thế giới.

Đi tìm nguyên nhân và giải pháp…

Nguyên nhân sâu xa là do nước ta đã trải qua hơn nghìn năm Bắc thuộc, chịu ảnh hưởng nhiều của phong tục lễ giáo phong kiến Trung Quốc. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xã hội Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, những tàn dư của chế độ phong kiến vốn đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt qua nhiều thế hệ, không dễ thay đổi một sớm một chiều.

Trong tâm lý xã hội nước ta hiện nay vẫn có sự e dè với hai từ cá nhân, ai cũng sợ bị người khác hay tổ chức nhận xét là có biểu hiện cá nhân, theo chủ nghĩa cá nhân; kiểu người lãnh đạo, quản lý mẫu mực ở ta là không tơ hào tới lợi ích cá nhân, luôn hy sinh bản thân mình cho tập thể, xã hội… Vì vậy, trong xưng hô trong và ngoài công sở, người ta tìm mọi cách để tránh phải dùng đại từ “Tôi” ở ngôi thứ nhất, mà thay thế thế bằng các đại từ, chúng tôi, mình, bản thân, em, cháu, con; người làm việc này, người đọc, người nhận xét, người viết bài này .v.v… Mặc dù các cụm từ trên có thể dùng không đúng ngữ cảnh, không chính xác theo ngôn ngữ hành chính, (nhất là sự lạm phát thay thế tôi thành chúng tôi) nhưng vẫn trở thành phổ biến vì cách ứng xử này an toàn hơn, đã trở thành thói quen, là ngầm định chung trong giao tiếp của các tổ chức dân sự. Văn hoá xưng hô, giao tiếp công sở của ta đang ở trình độ thấp, lạc hậu và lạc điệu so với các nước phát triển trên thế giới và cần phải thay đổi.

Vì vậy, theo tôi cần có sự hướng dẫn và thực hiện quy chuẩn hoá cách thức xưng hô và văn hoá công sở bắt đầu từ việc dùng đúng các đại từ nhân xưng, tập trung vào việc dùng đúng nội hàm đại từ nhân xưng Tôi và Chúng tôi, Chúng ta. Tôi phải là chủ thể của mọi hành vi, hành động của mỗi cá nhân, nhất là cá nhân người làm lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu tổ chức thay vì thói khiêm tốn thái quá hoặc không thật hiện nay. Không thể nâng cao năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm cá nhân nếu nhân sự không dám khẳng định cái tôi của mình của trước chúng ta và họ. Sử dụng đúng đại từ nhân xưng “Tôi” là xác lập đúng vai trò, quyền và trách nhiệm của các chủ thể và các sự việc. Dùng đúng đại từ nhân xưng “Tôi” trong nói và viết sẽ góp phần hạn chế tệ quan liêu, ỷ lại vào bộ máy, đùn đẩy trách nhiệm và đổ lỗi cho tập thể, cho cơ chế… Đây là cơ sở, điều kiện để xây dựng đạo đức công vụ, văn hoá trách nhiệm, văn hoá từ chức… của người lãnh đạo.

Đối thoại, đối trọng với cái “Tôi” là cái “Chúng ta” và các chức danh, chức vị của tổ chức và xã hội như chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, trưởng ban, trưởng phòng hoặc đơn giản là đồng chí, thủ trưởng… Trong giao tiếp của các tập đoàn, DNNN lớn thì nên quy định gọi tôi kèm theo chức danh. Đối với các DN, cơ quan, đơn vị nhỏ và vừa, đặc biệt là hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, thì nên quy định “mềm” hơn - xưng tôi với anh. Người lớn tuổi hơn, trong các sự kiện trang trọng có thể xưng Tôi với Ông (Mr)/Bà (Mrs, Madam) nhưng không nên xưng mình là cháu/con với họ. Ông Lại Văn Sâm, Trưởng Kênh VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam và con trai là Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng thống nhất gọi nhau tại công sở là anh – em, khi về nhà lại là bố - con và được con anh đánh giá “anh Sâm là một MC rất chuyên nghiệp”. (*)  Trong DN, văn hoá xưng hô, giao tiếp trong các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao, liên hoan… cũng cần có quy định mềm hơn, phù hợp hơn trong từng điều kiện, hoàn cảnh.

Bài viết của PGS.TS Đỗ Minh Cương​

Tin đã đưa