Bên cạnh việc từng bước áp dụng BIM cho các dự án truyền tải điện cụ thể tại 02 dự án là: TBA 220kV Duy Xuyên (Quảng Nam) và TBA 220kV Krông Ana và đường dây đấu nối (tỉnh Đắk Lắk) được EVN giao cho Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) thực hiện. EVNNPT cũng đã có Văn bản số 0162/EVNNPT-ĐT ngày 11/01/2017, yêu cầu các Ban QLDA, các đơn vị tư vấn bắt buộc phải thực hiện mô hình khảo sát, thiết kế 3D trong quá trình lập hồ sơ các dự án đầu tư xây dựng trong Tổng công ty, để từng bước tiến tới áp dụng mô hình BIM trong công tác đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các dự án lưới điện truyền tải.
Lộ trình áp dụng BIM theo 258/QĐ-TTg
Ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 phê duyệt Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng, có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Lộ trình áp dụng BIM theo 258/QĐ-TTg
Với lộ trình áp dụng như sau: Giai đoạn 1 từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Giai đoạn 2 từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn khác, bắt buộc áp dụng BIM đối với công trình cấp I, cấp đặc biệt từ năm 2024; từ năm 2026, bổ sung thêm công trình cấp II. Trong đó, tệp tin BIM là một thành phần trong hồ sơ thiết kế xây dựng, hồ sơ hoàn thành công trình. Nội dung áp dụng và mức độ chi tiết của mô hình BIM do chủ đầu tư dự án quyết định.
Lợi ích của việc triển khai BIM
Việc áp dụng BIM trong quá trình thiết kế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thiết kế bằng cách dùng các công cụ cho việc phối hợp 3D như clash detection để giải quyết các va chạm giữa các bộ môn. Tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng thông qua E-submission (trao đổi thông tin trong môi trường dữ liệu chung). Hỗ trợ xây dựng phương án tổ chức thi công, tổ chức và quản lý các nguồn lực trong quá trình xây dựng, kiểm soát chất lượng xây dựng; trong quá trình nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng nhằm hỗ trợ quá trình nghiệm thu, phục vụ cho giai đoạn quản lý, vận hành công trình xây dựng. Việc làm sao để xác thực được một mô hình có phải là mô hình hoàn công không cũng là một vấn đề nan giải cần có hướng dẫn cụ thể.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, việc sử dụng mô hình BIM như là công cụ để hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; cấp phép xây dựng; quản lý xây dựng; kiểm tra công tác nghiệm thu...). Có rất nhiều công tác liên quan tới nhà nước đòi hỏi có thể làm quen với mô hình BIM, mở và review được mô hình BIM có đúng như bộ bản vẽ đi kèm theo hay không. Hiện nay đã có những công cụ giúp thực hiện dễ dàng việc mở và review mô hình BIM, tạo comments, v.v.
Tùy theo yêu cầu của thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, hồ sơ hoàn thành công trình, khi áp dụng mô hình BIM, tệp tin BIM cần phải đáp ứng một số yêu cầu tối thiểu sau: thể hiện được kiến trúc công trình, các kích thước chủ yếu; hình dạng không gian ba chiều các kết cấu chính của công trình; hệ thống đường ống điều hòa, thông gió, cấp thoát nước công trình. Một số bản vẽ các bộ phận chi tiết ở dạng không gian hai chiều nhằm bổ sung thông tin (nếu có) phải ở định dạng số khi nộp kèm theo tệp tin BIM. Các bản vẽ, khối lượng chủ yếu của các bộ phận công trình phải trích xuất được từ tệp tin BIM. Câu hỏi được đặt ra là tập tin BIM là gì và làm sao xác thực được bản vẽ xuất ra từ mô hình. Điều này cũng cần có hướng dẫn và quy định rõ ràng.
Trong thời gian sắp tới, các đơn vị rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước cho việc áp dụng BIM. Có những kế hoạch và hướng dẫn cụ thể cho từng loại dự án hoặc từng đơn vị để không gặp khó khăn khi áp dụng BIM. Hi vọng quyết định này sẽ là bước đệm để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành xây dựng Việt nam trong thời gian sắp tới mà Ngành điện không phải là ngoại lệ.
Một số nội dung cần làm rõ khi triển khai BIM tại đơn vị
Để tiếp cận và triển khai một cách có hệ thống liên quan đến BIM cho các dự án truyền tải điện, nhận thấy cần tập trung để tiếp cận và làm rõ các nội dung sau:
- Hiểu tổng quan về BIM và mức độ phát triển thông tin (LOD) cho các dự án Truyền tải điện (TTĐ).
- Cơ sở pháp lý BIM, tiêu chuẩn BIM cho các dự án Truyền tải điện.
- Các tiêu chuẩn áp dụng đối với công tác lập Hồ sơ mời thầu giai đoạn tư vấn thiết kế, thiết kế BIM và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam.
- Thống nhất danh mục các dự án Truyền tải triển khai BIM phù hợp với lộ trình của Chính phủ và đề xuất lộ trình áp dụng BIM trong công tác Đầu tư xây dựng các dự án TTĐ với từng giai đoạn.
- Trao đổi và đề xuất thống nhất về quy chế làm việc các bên liên quan trong môi trường BIM.
- Đề xuất phần mềm cho các vai trò của Tư vấn thiết kế, Chủ đầu tư, Quản lý vận hành và các bên liên quan.
- Quy trình thực hiện BIM cho các dự án (áp dụng chung cho Đường dây và Trạm biến áp).
- Dữ liệu dầu vào trong giai đoạn Khảo sát thiết kế để phục vụ cho Tư vấn thiết kế BIM cho các dự án.
- Triển khai cụ thể BIM cho Đường dây và Trạm biến áp.
- Sự tham gia cụ thể trong môi trường BIM đối với các nhà sản xuất cung cấp Vật tư thiết bị.
- Đào tạo nguồn nhân lực (xác định đối tượng tham gia và đề xuất các khóa đào tạo phù hợp).