CĂNG MÌNH VỚI MƯA BÃO

Thứ tư, 16/10/2013 | 16:00 GMT+7
Mặc dù không trực tiếp đi vào địa phận các tỉnh Tây Nguyên nhưng hoàn lưu của các cơn bão số 10 (bão WUTIP) và số 11 (Bão NaRi) đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải  do Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) quản lý. Do đã có sự chủ động từ trước nên các đơn vị của PTC3 đã triển khai ngay phương án vận hành lưới điện khi mưa bão về theo  các  phương án phòng chống bão lụt đã được xây dựng từ trước đó.​

1 Cang minh voi mua bao (anh tram Pleiku) .jpg

 

Khi cơn bão số 10 và 11 đổ bộ vào khu vực Miền Trung gây sự cố lưới truyền tải và làm mất điện trên diện rộng thì Trạm Biến áp 500kV Pleiku trở thành một điểm nút vô cùng quan trọng trong hệ thống điện quốc gia. Bởi Trạm Biến áp 500kV Pleiku mà được vận hành an toàn thì sẽ đảm bảo chắc chắn cho việc giữ và đưa nhanh lưới điện về điểm vận hành ổn định khi có hiện tượng dao động mạnh trên lưới (do ảnh hưởng của bão gió). Đồng thời sẽ là điểm nguồn lớn chuyển tải công suất cho phụ tải khu vực phía Nam khi nguồn từ phía Bắc bị mất, đặc biệt là trong chiến dịch 55 ngày đêm thi công đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông (mạch 3). Khi biết có bão về, trạm đã tăng cường thêm người ngay cho lực lượng vận hành, các vật tư, thiết bị dự phòng chuẩn bị sẵn sàng. Tất cả 100 phần trăm quân số của trạm đều phải ở vị trí trực chiến cao nhất, điện thoại luôn ở chế độ online, luôn sẵn sàng khi có lệnh điều động là phải lên đường được ngay, nhằm đảm bảo tính chủ động cao nhất, xử lý nhanh nhất khi xảy ra hiện tượng trục trặc hay sự cố lưới điện.


Cơn bão số 10 và 11 tuy không làm xảy ra sự cố tại Trạm Biến áp 500kV Pleiku, nhưng ảnh hưởng của nó đối với công tác vận hành cũng không hề nhỏ. Hệ thống luôn xảy ra hiện tượng dao động, các cao trào điện áp trồi sụt liên tục. Các xuất tuyến luôn trong tình trạng tải rất nặng, ba máy biến áp 500kV và hai máy biến áp 220kV luôn đầy và quá tải. Bởi vì các nhà máy thủy điện trên khu vực phát hết công suất để bù lượng công suất bị thiếu do lượng nguồn từ phía Bắc bị mất. Không khí tại phòng điều khiển tuy im ắng nhưng luôn ẩn chứa nhiều yếu tố bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các nhân viên trực vận hành luôn tập trung cao độ, mỗi người phụ trách một khu vực; theo dõi, giám sát chặt chẽ sự làm việc của thiết bị. Trời mưa to, độ ẩm tăng cao, rất nguy hiểm cho thiết bị khi độ cách điện giảm thấp. Gió giật mạnh làm rung, lắc các cấu kiện bằng thép, như các xà, cột đỡ, thanh giằng dẫn đến tình trạng tự ra của các ốc xiết nhanh hơn làm sai lệch chu trình truyền động các thiết bị. Nhất là các dao cách ly, dao tiếp đất khi thao tác đóng, cắt hay bị lệch, tiếp xúc không tốt sinh ra phóng điện hồ quang, làm rỗ bề mặt tiếp xúc, nếu nặng có thể làm cháy lưỡi dao. Ngoài ra do sự giãn nở các các chi tiết kim loại khác nhau nên sinh ra hiện tượng phát nóng cục bộ tại các điểm nối, các đầu cốt, điểm tiếp xúc (đã xảy ra hiện tượng phát nóng cục bộ tại điểm tiếp xúc các đầu cốt các dao cách ly 200kV; 232-2 và 235-1, trạm đã dùng máy cắt 200 thay thế cho các máy cắt  232 và 235 để xử lý, các phụ tải vẫn được cung cấp điện bình thường trong quá trinhg xử lý). Nắm chắc được các hiện tượng vật lý trên cũng như tình trạng làm việc của thiết bị nên ngay sau khi bão vừa đi qua, trời ngớt mưa là lực lượng kỹ thuật và nhân viên vận hành phải đến tận từng thiết bị để kiểm tra, dùng các thiết bị chuyên dùng để đo đạc, tính toán mức độ tin cậy làm việc để xử lý ngay hoặc có kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa.

2 Cang minh voi mua bao (anh tram Pleiku).JPG


Có thể nói “mỗi ca trực thực sự là một trận đánh” và niềm vui trào dâng sau mỗi ca trực an toàn. Để lưới điện được vận hành an toàn khi mưa bão đến thì cả một tập thể của Trạm Biến áp 500kV Pleiku đã phải căng mình ra và làm hết tâm trí và sức lực của mình, tất cả cho hệ thống truyền tải điện được thông suốt.
     ​
Trịnh Văn Hải – PTC3