CPMB triển khai việc xây dựng đề án BIM cho các dự án lưới truyền tải điện

Thứ bảy, 3/4/2021 | 05:58 GMT+7
Đề án áp dụng BIM (mô hình thông tin công trình - Building Information Modelling – BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016; Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 1057/QĐ-BXD ngày 11/10/2017 công bố hướng dẫn tạm thời áp dụng BIM trong giai đoạn thí điểm. Theo đó, Nhà nước khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các chủ thể liên quan áp dụng BIM, thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm nguồn lực trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.

Trạm biến áp không người trực

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-HĐTV ngày 31/12/2020 về các công việc và nhiệm vụ quan trọng cần tập trung triển khai thực hiện năm 2021 của Hội đồng thành viên với chủ đề năm 2021 là “Chuyển đổi số trong Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia” trong tất cả các mặt hoạt động, sản xuất của EVNNPT. Chỉ thị số 11/CT-EVNNPT ngày 05/01/2021 của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng thành viên; Căn cứ Quyết định số 61/QĐ-HĐTV ngày 22/3/2021 của Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia về việc Phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số trong Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia giai đoạn 2021-2025; Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung được giao nhiệm vụ triển khai xây dựng đề án mô hình thông tin công trình (BIM) cho các dự án lưới truyền tải điện 500 kV, 220 kV. Đối với ngành truyền tải điện đây là cơ hội để từng bước tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quốc tế để áp dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị trong công tác đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hiệu quả trong thời gian tới phù hợp với xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0 và chiến lược phát triển của EVNNPT, đây cũng là một nội dung rất quan trong trong việc giao cho đơn vị trong công tác chuyển đổi số. 

Với mục tiêu của dự án là tháng 6/2021 hoàn thành thí điểm BIM cho dự án TBA Krông Ana và đấu nối và Thí điểm BIM cho dự án TBA 220 kV Duy Xuyên; Năm 2021 duyệt đề án ứng dụng mô hình BIM trong các dự án lưới truyền tải điện; năm 2022: Hoàn thành triển khai xây dựng đề án ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) cho các dự án lưới truyền tải điện 500 kV, 220 kV. Đây có thể nói là cơ hội và thách thức cho CBCNV CPMB trong việc tiếp cận công cuộc chuyển đổi số của CPMB nói riêng và EVNNPT nói chung.

Mô hình thông tin công trình (Building Information Modelling – BIM) là một phương pháp để tối ưu hóa quá trình thiết kế thi công và vận hành của công trình xây dựng. Về cơ bản BIM được hình thành bởi một mô hình 3D trên máy tính và có thể được nâng cấp bằng cách thêm thông tin như thời gian, chi phí sử dụng và kết quả là dự án sẽ tạo ra một tập hợp các mô hình BIM với thông tin phong phú, có thể được sử dụng trong suốt vòng đời dự án.

Khi nói về BIM nhiều người nghĩ rằng đơn giản nó là một sản phẩm phần mềm, thực tế công nghệ BIM không bó hẹp trong việc diễn tả một thiết kế kiến trúc hay việc tạo ra một mô hình ba chiều trình bày phối cảnh của công trình sau khi công trình đã được thiết kế xong. BIM không đơn thuần chỉ là một mô hình 3D. BIM là tiến trình tạo dựng và sử dụng mô hình kĩ thuật số cho công việc thiết kế, thi công đến quản lý vận hành công trình. Phần mềm đơn giản chỉ là cơ cấu để tiến trình BIM được thực hiện. BIM chứa đựng những thay đổi mang tính cách mạng trong việc thông tin của công trình xây dựng được tạo ra, thể hiện, và sau này được sử dụng trong quá trình xây dựng. Do hợp nhất được thông tin từ tất cả các khía cạnh của quá trình xây dựng công trình nên BIM có thể làm tăng hiệu quả sử dụng và tính sẵn có của các thông tin này lên gấp nhiều lần.

Tiến trình BIM liên quan đến các bên tham gia trong toàn bộ vòng đời (life cycle) của dự án (kiến trúc sư, kĩ sư, nhà thầu, chủ công trình, quản lý thiết bị…), tất cả những người góp sức và trao đổi thông qua việc chia sẻ mẫu thiết kế. Những mẫu thiết kế này bao gồm sự kết hợp giữa mô hình thông minh 2D và 3D trước đây sử dụng để lập bản vẽ thiết kế công trình, cùng với các yếu tố ngoại vi như  trí địa lý và điều kiện thực tế ở địa phương, cho đến dữ liệu ảo của công trình cung cấp nguồn cho mọi thông tin phục vụ việc thiết kế công trình. Bằng cách này các đối tác tham gia dự án có thể xem xét trước và đánh giá hiệu quả của nó trước khi thực hiện.

Ứng dụng BIM trong các dự án đầu tư xây dựng mang lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây dựng và cả cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Trong đó các lợi ích lớn nhất mang lại đó là: Giúp hiểu tốt hơn các phương án thiết kế. Từ đó giảm thiểu các rủi ro phải xử lý các yêu cầu thay đổi có liên quan đến thiết kế; BIM có khả năng phân tích và tạo môi trường giả lập dẫn đến những thiết kế hợp lý đem lại hiệu quả đầu tư tối ưu nhất; Kiểm soát được các mốc tiến độ xây dựng công trình; Kiểm soát, kiểm tra được các khối lượng xây lắp, VTTB được bóc tách trực tiếp từ mô hình thông tin công trình; BIM giúp loại trừ gần như triệt để các cái xung đột về thiết kế ở trong quá trình xây dựng (chậm tiến độ thi công, các chi phí đập đi làm lại ) v.v…

Các đối tác, các chủ thể liên quan đến công trình xây dựng như chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các tổ chức tài chính, ngân hàng đầu tư cho công trình đấy được kết nối với nhau, chia sẻ thông tin một cách chính xác, kịp thời. Qua thống kê tình hình đầu tư xây dựng hiện tại, kế hoạch phát triển lưới truyền tải điện trong những năm tới, cũng như xem xét chỉ thị của EVN về việc áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động đầu tư xây dựng của EVN có thể nhận thấy; Lĩnh vực đầu tư xây dựng là một trong các lĩnh vực trọng yếu của EVNNPT với số dự án đầu tư và vốn đầu tư rất lớn, việc áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) cũng sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến công tác đầu tư xây dựng, quản lý vận hành phục vụ truyền tải điện của EVNNPT khi dự án được đưa vào sử dụng.

Việc xây dựng và tiến đến áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động ĐTXD, QLVH các công trình lưới điện truyền tải là thật sự cần thiết để mang lại hiệu quả đầu tư cao nhất do những lợi ích mà BIM mang lại như sau, cụ thể: BIM cung cấp công cụ để lên kế hoạch toàn diện và nâng cao khả năng điều hành, quản lý đối với cả vòng đời dự án ở trình độ công nghệ tiên tiến; BIM cung cấp cho ban quản lý dự án một mô hình trực quan, cùng với các yếu tố tích hợp như tiến độ thi công, biểu đồ nhân công, biểu đồ phát triển giá thành công trình… giúp cho Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án thực hiện công việc một cách dễ dàng và có sự chuẩn bị tốt về huy động nguồn vốn, theo dõi kế hoạch nhân lực hay các kế hoạch tổ chức thi công ngoài công trường, kiểm soát chi phí trong quá trình thực hiện; BIM là cơ sở để Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án điều phối việc phối hợp thực hiện dự án giữa các nhà thầu và các đơn vị liên quan; giúp xử lý và lường trước các tình huống có thể xảy ra tại công trường. Việc ứng dụng BIM thông qua việc tiêu chuẩn hóa tất cả các công đoạn thực hiện, cách thức chuyển giao dữ liệu… bằng các hướng dẫn, quy định, các file mẫu. Trong đó, các quy trình dễ được kiểm soát xuyên suốt nhờ ứng dụng chặt chẽ các tiến bộ công nghệ thông tin, phần mềm. Nhờ đó các Ban quản lý dự án sẽ theo dõi, giám sát việc thực hiện thiết kế, thi công thuận lợi hơn, chính xác hơn, giúp giảm thiểu lãng phí và tăng hiệu quả thực thi.

Việc hoàn thành triển khai BIM là nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số của CPMB được EVNNPT giao và trong bức tranh toàn cảnh của chuyển đổi số của Tập đoàn diện lực Việt Nam.

Đường dây 500kV mạch 3 đấu nối nhà máy điện Nghi Sơn

CPMB