Chủ động trong công tác phòng chống cơn bão số 1 tại PTC1

Thứ sáu, 29/7/2016 | 11:00 GMT+7
Bão số 1 (tên quốc tế Mirinae) đã đổ bộ vào các tỉnh Đông Bắc bộ gây mưa to đến rất to. Do ảnh hưởng của bão, ở các tỉnh ven biển đã có gió mạnh cấp 9 - 10, giật mạnh cấp 10 - 13. Trong đó Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) có các Truyền tải điện (TTĐ) Đông Bắc 1, Đông Bắc 2 và Ninh Bình nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của Bão.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) về việc khẩn trương triển khai phương án phòng chống để đối phó với cơn bão số 1; trong ngày 27/7/2016, Công ty Truyền tải điện 1 đã có Công điện thượng khẩn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong vùng ảnh hưởng của bão, đồng thời đã khẩn trương triển khai phương án phòng chống để đối phó với cơn bão số 1, xử lý kịp thời các tình huống, đảm bảo lưới truyền tải điện vận hành an toàn, an toàn cho người, thiết bị, chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó Công ty cũng thành lập Đoàn công tác kiểm tra hiện trường ứng trực cùng các đơn vị. Về phía Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) cấp Công ty đã tổ chức trực chỉ huy để có thể chủ động điều phối công tác PCTT&TKCN cấp Công ty.

Các Truyền tải điện đã tăng cường kiểm tra để sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, trạm và có phương án xử lý kịp thời; phối hợp với BCH PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố trong công tác PCTT&TKCN. Tổ chức ứng trực lãnh đạo, quân số 24/24h nhằm ứng phó kịp thời khi có các tinh huống xảy ra.

PTC1Baoso1_290716_1.jpg
Dùng bạt dứa và đắp thành đập ngăn nước vào trong TBA 220kV Đình Vũ kết hợp bơm nước ra ngoài trạm

Cơn bão số 1 đã trực tiếp đổ bộ vào các tỉnh Thái Bình, Nam Định, thành phố Hải Phòng gây ra gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 13 kèm theo mưa dông lớn trên diện rộng trong phạm vi đồng Bằng Bắc Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tại khu vực lưới điện thuộc truyền tải điện Đông Bắc 1 quản lý, đơn vị đã thực hiện phương án PCTT&TKCN ứng phó sự cố khi có địa hình chia cắt; tập trung chặt tất cả các cây cao ngoài hành lang an toàn lưới điện cao áp có nguy cơ gió mạnh giật gây sự cố, kiểm tra và gia cố chằng néo các vị trí có nguy cơ sạt lở; bố trí sẵn sàng các phương tiện, xe chuyên dụng gầm cao túc trực tại đội TTĐ Hạ Long trong trường hợp địa hình chia cắt có thế xuất phát ngay nhằm kiểm tra và xử lý sự cố sớm nhất có thể.

Khu vực lưới điện thuộc TTĐ Ninh Bình quản lý, do tâm bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Thái Bình, Nam Định, đơn vị đã thành lập 03 đoàn công tác trực tiếp có mặt tại Thái Bình, Nam Đinh, Ninh Bình để kiểm tra các công tác chuẩn bị thực hiện phòng chống bão. Chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện ứng trực kiểm tra phát hiện sự cố nhanh nhất.

Khu vực lưới điện thuộc TTĐ Đông Bắc 2 quản lý, đơn vị đã tổ chức 02 mũi nhọn kiểm tra toàn bộ các hệ thống đường dây truyền tải điện 220 kV khu vực Đình Vũ, kiểm tra và triển khai phương án thoát nước cho nhà 22 kV TBA 220 kV Đình Vũ. Phối hợp với Sở Công Thương, các ban ngành thành phố Hải Phòng tổ chức nạo vét phần mương thoát nước do lấn chiếm. Huy động tối đa các lược lượng hiện có và phối hợp với đơn vị bạn tổ chức gia cố toàn bộ các cửa ra vào ngăn nước khi thời tiết có mưa lớn diễn biến phức tạp.

PTC1Baoso1_290716_2.JPG
Ông Phạm Xuân Hường (thứ 3 từ phải sang) - Giám đốc TTĐ Đông Bắc 2 phối hợp cùng đại diện các Ban, Ngành, đơn vị hữu quan bàn phương án khắc phục hậu quả mưa bão

Đối với khu vực lưới điện TTĐ Hà Nội, đơn vị đã tổ chức kiểm tra toàn bộ các trạm, kiểm tra hệ thống thoát nước TBA 220 kV Hà Đông đảm bảo thoát nước kịp thời khi có mưa lớn.

Do có sự chuẩn bị chu đáo trong khâu chuẩn bị như: Phương án tác chiến, nguồn lực về con người, vật tư, thiết bị… nên mặc dù lưới truyền tải điện đã xảy ra một số sự cố nhưng đã được khắc phục kịp thời ngay sau đó. Cụ thể: Đối với lưới 500 kV, lúc 03h42 ngày 28/7 - khi bão đổ bộ đã gây ra sự cố đường dây 500 kV Thường Tín - Nho Quan, nhưng đã được khắc phụ và đóng điện lại lúc 04h17 cùng ngày; đối với lưới 220 kV, lúc 01h00 ngày 28/7 đã xảy ra sự cố đối với đường dây 220 kV 274 Ninh Bình - Bỉm Sơn, nhưng chỉ sau 15 phút đã khắc phục xong. Hạn chế được đến mức thấp nhất về thiệt hại, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định. Đến nay không có Trạm biến áp nào bị ngập nước ngoài tầm kiểm soát, không có cột điện nào bị sạt lở, đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định./.

Mạnh Hùng - PTC1