Công ty Truyền tải điện 3 : Tăng cường các giải pháp ngăn ngừa sự cố đường dây cao áp

Thứ hai, 15/4/2013 | 13:00 GMT+7
Tính đến cuối năm 2012, Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) quản lý vận hành 3.119,5 km 500kV- 220kV, dung lượng MBA là 4.543 MVA​

kiem tra DZ truoc mua mua bao.jpg

Thực trạng khó khăn

Khó khăn nhất của Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) là hầu hết các đường dây truyền tải do Công ty quản lý đều đi qua địa hình rừng rậm, núi cao, suối sâu và sình lầy, đường vào tuyến không có hoặc đã bị mưa lũ, thiên tai làm bào mòn gây sạt lở. Rất nhiều địa phận rừng núi hiểm trở khó đi lại như: Đèo Phượng Hoàng, đèo Dốc cao tỉnh Khánh Hòa; đèo 52, khu vực Krôngnô thuộc tỉnh Đăknông, khu vực EaHleo, Krôngbuk, CưMgar tỉnh Đăklăk, Khu vực đèo Mang Giang tỉnh Bình Định, khu vực đèo An khê, Iaphang tỉnh Gia Lai. Đây lại là vùng có khí hậu khắc nghiệt, vào mùa mưa thường xảy ra gió, bão và lũ quét, mùa nắng bụi và đất đỏ BAZAN rất nhiều, kèm với gió lốc mạnh, sương mù nên sứ cách điện bị nhiễm bẩn rất nhanh. Hành lang tuyến ĐDK 500kV hầu hết đi qua vùng canh tác cafe, nông trường cao su, các cánh rừng cây le, cỏ tranh... là loại cây phát triển mạnh vào mùa mưa, vào mùa khô thì dễ gây ra cháy. Đã có nhiều trường hợp cháy rừng ở bên ngoài lan vào hành lang tuyến gây phóng điện qua sứ gây sự cố.


Tất cả đã  ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý vận hành, đặc biệt là công tác kiểm tra đêm, kiểm tra và xử lý sự cố, đặc biệt là vào mùa mưa bão.

Đó là chưa kể, khí hậu khu vực miền Trung  rất nóng ẩm nên các tủ đấu dây trung gian của thiết bị ngoài trời thường bị nhiễm ẩm gây chạm chập.


Ngoài ra còn có những sự cố xảy ra do con người gây nên như: một số cung đoạn của công trình bị sự cố do tư vấn thiết kế lựa chọn cấp độ nhiễm bẩn của môi trường không phù hợp. Chuỗi cách điện dây dẫn không được lắp đặt sừng phóng sét để bảo vệ, khi xảy ra sự cố thường gây hư hỏng cách điện và đóng lặp lại không thành công. Một số công trình có hệ thống tiếp địa được thi công không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Vì vậy, mặc dù đã hết sức nỗ lực nhưng năm 2012, đường dây truyền tải điện PTC3 quản lý vẫn xảy ra 31 lần sự cố. Trong đó: sự cố đường dây do cháy rừng phòng hộ, cháy mía (5/31 lần), gió cuốn các đồ vật như cây, tấm bạt, xe ben,… vướng vào đường dây (4/31 lần), sét đánh (21/31 lần) và 1 lần không tìm ra nguyên nhân. Đối với sự cố TBA chủ yếu là do: chạm chập mạch nhị thứ, rơle tác động nhầm, hư hỏng bất thường của thiết bị, cài đặt cấu hình của rơle chưa phù hợp với thực tế; … Suất sự cố trạm đạt nhỏ hơn kế hoạch giao (đạt: 0,029/0,050).

Phòng là chính

Nhằm đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải an toàn liên tục, PTC3 đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp ngăn ngừa sự cố trên các tuyến đường dây và các trạm biến áp như sau:

Trên các tuyến đường dây:
Kiểm tra định kỳ ngày, đêm, đột xuất, kiểm tra sự cố, kiểm tra kỹ thuật, ... theo đúng quy trình, quy phạm. Tăng cường công tác kiểm tra đêm ở một số cung đoạn đặc thù thường xuyên bị nhiễm bẩn và sương mù nhiều để phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng bất thường của sứ cách điện; Kiểm tra, xử lý triệt để các trường hợp tiếp địa không đạt, tiếp địa bị mất, nơi có điểm tiếp xúc của tiếp địa xà cột không đảm bảo. Rà soát, xử lý hành lang tuyến đảm bảo HLATLĐCA, đặc biệt là dọn cây, cỏ khô ra ngoài hành lang tuyến, tạo hành lang chống cháy an toàn trong mùa khô tại các khu vực trồng mía trọng điểm như: Iaphang, Krôngnô, Đăknông, Mang Giang, An Khê, Ninh Hoà  là những vùng dễ xảy ra cháy rừng. Tăng cường công tác kiểm tra hành lang tuyến, cây cao ngoài hành lang thực hiện đền bù và chặt hạ theo quy định đề phòng cây có thể đổ vào đường dây; sửa chữa các vị trí kè móng bị hư hỏng, vét đất mương thoát nước trước mùa mưa bão. Phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức kiểm tra, tuyên truyền cho người dân sinh sống trong và gần khu vực đường dây biết về nguy hiểm của lưới điện cao áp khi vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện để đề phòng tai nạn và sự cố xảy ra. Nhắc nhở bà con không dùng bạt phơi nông sản, mang các dụng cụ, vật dụng vi phạm khoảng cách an toàn, xe cơ giới vi phạm khoảng cách, đốt rừng, đốt rẫy, đặt máy tuốt trong hành lang, trẻ em thả diều. Kết hợp các đợt thí nghiệm định kỳ TBA để sửa chữa, bảo dưỡng đường dây truyền tải như  vệ sinh sứ cách điện (các vị trí thường xuyên bị phóng điện triển khai kiểm tra kỹ thuật có cắt điện), kiểm tra tiếp xúc của tiếp địa xà cột, khoảng cách mỏ phóng... Điều động lực lượng để xử lý triệt để các tồn tại đảm bảo lưới điện 220 và 500kV vận hành an toàn, liên tục và ổn định, nhất là các ngày lễ lớn, tết dương lịch, tết nguyên đán. Trước và sau cắt điện có thực hiện công tác kiểm tra đêm đường dây đối với cung đoạn thực hiện công tác vệ sinh cách điện để đánh giá lại hiệu quả công việc sau bảo dưỡng.

Tại các trạm biến áp:
Kiểm tra và rà soát mạch tự động đóng lặp lại của các máy cắt đường dây nhằm đảm bảo cung cấp điện liên tục khi có sự cố thoáng qua trên các đường dây truyền tải. Tuy nhiên, việc này còn bị chi phối bởi một số nhà máy điện trong khu vực  phối hợp chưa tốt đóng lặp lại rơle nên khi có sự cố thoáng qua đường dây, không đóng lặp lại thành công gây ảnh hưởng đến phương thức vận hành hệ thống điện. Kết hợp công tác thí nghiệm định kỳ các TBA kiểm tra phát hiện và xử lý sớm các khiếm khuyết của thiết bị như các mạch điều khiển, bảo vệ để tránh các trường hợp tác động nhầm. Thường xuyên kiểm tra soi phát nhiệt các mối nối, mối nối lèo trên đường dây, trong TBA nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các khiếm khuyết còn tồn tại đảm bảo lưới điện truyền tải vận hành an toàn liên tục (đặc biệt lưu ý đối với các đường dây, MBA đang vận hành đầy tải, quá tải hoặc đang truyền tải công suất cao).
Có phương án và định kỳ tổ chức diễn tập các tình huống sự cố, diễn tập công tác sử dụng cột xử lý sự cố khẩn cấp KEMA. Tại các Truyền tải điện và Công ty luôn bố trí lực lượng trực vận hành nhằm nắm bắt và huy động lực lượng xử lý nhanh sự cố nghiêm trọng, tránh gây gián đoạn cung cấp điện. Sau sự cố có phân tích, xác định nguyên nhân và đề ra biện pháp khắc phục nhằm loại trừ sự cố lặp lại.

 

Và các kiến nghị
Lãnh đạo PTC3, cho biết, tuyến đường dây 220kV Di Linh - Bảo Lộc được xây dựng và đưa vào vận hành 1965 thường xuyên vận hành đầy tải và quá tải, có thời gian quá tải lên tới 15%. Vì vậy, PTC3 rất mong sớm được nâng cấp, cải tạo thành đường dây 02 mạch trên cơ sở tuyến hiện hữu theo như Tổng sơ đồ 7 đã được duyệt. Đề nghị Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc Gia và các Trung tâm điều độ hệ thống điện miền bố trí lịch cắt điện các đường dây 500kV trong các tháng mùa khô tối thiểu là 2 lần để Công ty tăng cường vệ sinh sứ bẩn, đồng thời với việc kiểm tra, phát hiện để xử lý, thay thế kịp thời các chuỗi cách điện bị phóng điện, bị suy giảm cách điện qua thời gian vận hành trong vùng nhiễm bẩn. Có giải pháp thay thế loại cách điện thuỷ tinh bị suy giảm cách điện do vận hành trong vùng nhiễm bẩn, qua đó tăng cường cấp độ nhiễm bẩn vùng đường dây đi qua khi lựa chọn cách điện. Hạn chế việc sử dụng loại tiếp địa tia với chiều dài >80m đối với các công trình ĐTXD mới, đồng thời giao cho các Công ty Truyền tải được giám sát các công trình ĐTXD trên địa bàn để đảm bảo chất lượng các công trình khi đưa vào vận hành.
​​
Ngọc Loan