.JPG)
Dàn tụ bụ dọc 500kV 502 đã hoàn thành.
Công trình thay bộ tụ bù dọc 500kV TBD502 tại Trạm biến áp 500kV Pleiku đã được Công ty Truyền tải điện 3 tổ chức thi công hoàn thành vượt tiến độ 04 ngày so với kế hoạch đề ra. Đây là bộ tụ bù dọc 500kV cuối cùng thuộc dự án “Nâng dung lượng tụ bù dọc đường dây 500kV Pleiku – Phú Lâm” do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Công ty Truyền tải điện 4 đại diện chủ đầu tư quản lý điều hành dự án, Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) trực tiếp thi công, quản lý vận hành, được nghiệm thu đóng điện đưa vào vận hành an toàn.
Bộ tụ bù dọc 500kV TBD502 mới và các thiết bị đi kèm do hãng GE của Mỹ chế tạo. Bộ tụ có tổng số bình là 864, dòng điện tải định mức là 2000A và công suất định mức là 366 MVAR. (Bộ tụ TBD502 cũ có tổng số bình là 360, dòng điện tải định mức là 1000A và công suất định mức là 124.5 MVAR).
Dự án nâng dung lượng tụ bù dọc đường dây 500 kV Pleiku – Phú Lâm, có tổng mức đầu tư trên 857 tỷ đồng, bao gồm 06 bộ tụ bù dọc có dòng điện định mức 2000A thay thế các bộ tụ bù dọc tại các trạm biến áp 500kV Đăk Nông, Di Linh, Pleiku. Trong đó 02 bộ tụ tại TBA 500kV Đắk Nông (01 cho ĐZ 500kV Đắk Nông – Phú Lâm; 01 cho ĐZ 500kV Pleiku – Đăk Nông) đã được đóng điện đưa vào vận hành từ tháng 6/2013; 02 bộ tụ tại TBA 500kV Di Linh (01 cho ĐZ 500kV Pleiku - Di Linh; 01 cho ĐZ 500kV Di Linh – Tân Định) được đóng điện đưa vào vận hành vào cuối tháng 7/2013; riêng 02 bộ tụ lắp đặt tại TBA 500kV Pleiku (01 cho ĐZ 500kV Pleiku – Đắk Nông; 01 cho ĐZ 500kV Pleiku – Di Linh) thì 1 bộ tụ đã được đưa vào vận hành từ tháng 6 năm 2012 khi thi công giai đoạn 1 của Dự án này.
Thời gian thi công giai đoạn 2 bắt đầu từ đầu tháng 4 năm 2013. Công trình được thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt do đặc thù của mùa mưa Tây Nguyên: nắng thì nắng gay gắt, nhưng lại mưa ngay được, mưa to, mưa như trút nước, mưa kéo dài (đặc biệt là chịu ảnh hưởng của cơn bão Utor); Các thiết bị cồng kềnh, tải trọng lớn, luôn thi công trên độ cao 12m so với mặt đất, xung quanh các thiết bị khác vẫn đang mang điện áp vận hành 500kV cũng làm nảy sinh không ít khó khăn cho các đơn vị công tác.
.JPG)
.JPG)
Đ/c Trần Quốc Lẫm – Phó Tổng Giám đốc EVNNPT – trực tiếp kiểm tra công trình trước giờ nghiệm thu đóng điện.
Nhưng với sự quyết tâm lớn, sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo; đặc biệt là sự quan tâm, trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo tiến độ thi công của đồng chí Đặng Phan Tường – Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT, đồng chí Trần Quốc Lẫm – Phó Tổng Giám đốc EVNNPT, đồng chí Hoàng Xuân Phong – Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3, cùng với lãnh đạo các đơn vị trực tiếp thi công thường xuyên bám sát công trường; sự nỗ lực làm việc hết sức mình của các CBCNV trên công trường nên các công đoạn thi công đều được thực hiện nhanh chóng, chính xác, đảm bảo đúng chỉ tiêu kỹ thuật đề ra của nhà cấp hàng và an toàn tuyệt đối về người cũng như thiết bị.
Các đơn vị của PTC3 tham gia thi công gồm: Xưởng cơ điện, Đội Thí nghiệm, Đội xe, Phòng Kỹ thuật Công ty, Truyền tải điện Pleiku, Truyền tải điện ĐăkNông, Truyền tải điện Cao Nguyên và Trạm biến áp 500kV Pleiku. Bằng kinh nghiệm thực tế và tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực, các đơn vị trực thuộc của PTC3 đã đảm nhận và hoàn thành xuất sắc toàn bộ khối lượng công việc của Dự án, từ phần đào đúc móng trụ, tháo dỡ các dàn tụ bù cũ, tháo dỡ máy cắt nối tắt, đến việc thi công lắp đặt các dàn tụ mới, lắp đặt phần nhất thứ, lắp đặt các tủ bảng bảo vệ, kéo dải cáp và đấu nối mạch nhị thứ, thí nghiệm đưa vào vận hành.
.JPG)
.JPG)
Đ/c Trần Quốc Lẫm – Phó Tổng Giám đốc EVNNPT – chủ trì họp Hội đồng nghiệm thu đóng điện cấp EVNNPT
Đây là một trong những công trình trọng điểm của ngành điện trong năm 2013 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đầu tư xây dựng.
Việc thi công hoàn thành và đóng điện đưa vào vận hành các bộ tụ bù dọc 500kV thuộc dự án nâng dung lượng các bộ tụ bù dọc trên đường dây 500kV cung đoạn Pleiku - Phú Lâm cùng với các thiết bị liên quan có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tăng khả năng tải của đường dây này từ 1000A lên 2000A nhằm chuyển tải hết nguồn công suất từ các nhà máy thủy điện ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên hòa lên hệ thống điện quốc gia, nâng cao tính ổn định hệ thông cũng như tăng cường cung cấp điện cho phụ tải phía Nam, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của các tỉnh phía Nam nói riêng và cả nước ta nói chung.