Cung ứng điện cho miền Bắc - Bài 1: Tập trung gỡ vướng về mặt bằng

Thứ tư, 16/2/2022 | 11:54 GMT+7
Dự án Đường dây 220kV mạch kép đấu nối với TBA 220kV Bắc Quang để tăng sản lượng điện mua từ Trung Quốc từ tháng 5/2022 vẫn đang gặp vướng mắc trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Công nhân Công ty CP Sông Đà 11 đang lắp lắp dựng cột vị trí 111. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) đang quản lý điều hành cụm công trình truyền tải điện khu vực Tây Bắc gồm dự án Đường dây 220kV mạch kép đấu nối Trạm biến áp (TBA) 220kV Bắc Quang và Đường dây 220kV Lào Cai - Bảo Thắng. Đây là các dự án do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, được triển khai trên địa bàn ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Hà Giang. Các dự án này có nhiệm vụ truyền tải hết công suất phát của các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc và nhập khẩu điện từ Trung Quốc nhằm đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang chỉ đạo EVNNPT sớm hoàn thành dự án Đường dây 220kV mạch kép đấu nối với TBA 220kV Bắc Quang để tăng sản lượng điện mua từ Trung Quốc từ tháng 5/2022. Mặc dù vậy, đến thời điểm này, dự án vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, đoạn tuyến qua địa bàn huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Lãnh đạo EVNNPT tặng quà cho nhà thầu thi công tại vị trí móng 86. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Dự án Đường dây 220kV mạch kép đấu nối với TBA 220kV Bắc Quang được khởi công từ ngày 17/10/2020 với chiều dài khoảng 43,3 km, gồm 117 vị trí móng. Riêng đoạn qua địa bàn huyện Bắc Quang, Hà Giang có 82 vị trí và 32 khoảng néo.

Ông Phùng Bảo Anh, Phó Giám đốc NPMB cho biết, đến đầu tháng 2 này, địa phương đã bàn giao 78 vị trí móng cột cho đơn vị thi công, còn 4 vị trí chưa bàn giao mặt bằng là 37, 40, 51 và 94 là nhà của ông Đỗ Thanh Tùng, hộ mới xây sau khi cắm mốc; nhà ông Đoàn; vào đất ở của 4 hộ gia đình và vướng nhà ông Tuấn (Hoa), các hộ đều kiến nghị đơn giá thấp.

Mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Bắc Quang có văn bản số 325/UBND-TNMT ngày 20/01/2022 về việc phối hợp giải quyết vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) các vị trí chân móng cột 37, 40, 51 và 94 dự án Đường dây 220kV mạch kép đấu nối TBA 220KV Bắc Quang. Trong đó UBND huyện Bắc Quang đề nghị dịch chuyển 3 vị trí 37, 51 và 94.

Cũng theo ông Phùng Bảo Anh, về phần hành lang tuyến còn 21 khoảng néo, với 68/432 hộ dân chưa nhận tiền theo phương án bồi thường, hỗ trợ được UBND huyện Bắc Quang phê duyệt. Nguyên nhân các hộ chưa nhận là do đơn giá bồi thường, hỗ trợ thấp. Đồng thời, các hộ có nhà ở trong hành lang an toàn lưới điện đều đề nghị di dời ra khỏi hành lang và yêu cầu được tái định cư.

Cụ thể có 3 nhóm vướng mắc trong hành lang tuyến đường dây như sau: Thứ nhất là trường hợp nhà ở và các công trình phục vụ sinh hoạt xây dựng trên đất nông nghiệp không đủ điều kiện tồn tại trong hành lang phải di dời.

Thứ hai, là trường hợp nhà ở và các công trình phục vụ sinh hoạt không đủ điều kiện tồn tại trong hành lang an toàn theo điều 13 Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện và bị cắt xén một phần nhưng có thể di chuyển. Trong thực tế, có một số hộ gia đình có nhà sàn cột gỗ, mái lợp cọ; Một số trường hợp có diện tích nằm trong hành lang khoảng 10 m2 có trường hợp chỉ 2-3 m2. Đối chiếu với các quy định nêu trên thì hộ gia đình chỉ được bồi thường đối với diện tích nhà nằm trong hành lang. Tuy nhiên, không thể cải tạo để tồn tại mà bắt buộc phải di chuyển.

Thứ ba là trường hợp nhà ở và các công trình phục vụ sinh hoạt có một phần kết cấu làm bằng vật liệu dễ cháy. Tại Mục a, Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP quy định: “Nếu chưa đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định này thì chủ đầu tư công trình lưới điện cao áp phải chịu kinh phí và tổ chức thực hiện việc cải tạo nhằm đáp ứng các điều kiện đó”.  Nội dung cải tạo một phần kết cấu của tài sản để đủ điều kiện tồn tại (bằng vật liệu không cháy) không quy định trong phương án bồi thường, hỗ trợ.

Công ty TNHH Sông Đà 11-Thăng Long đảm nhận thi công TBA 220kV Bắc Quang

Như vậy đến nay các vướng mắc về giải phóng mặt bằng hành lang tuyến đường dây 220kV mạch kép đấu nối TBA 220kV Bắc Quang chưa có hướng giải quyết.

Thực hiện ý kiến của UBND huyện Bắc Quang về xem xét, di chuyển 3 vị trí chân móng cột 37, 51 và 94, NPMB đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn thiết kế Viện Năng lượng khẩn trương khảo sát, tính toán và nêu ý kiến dịch chuyển các vị trí này. Tuy nhiên, theo ông Phùng Bảo Anh, việc dịch chuyển các vị trí trên, mặc dù đáp ứng về mặt kỹ thuật, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo đó, thời gian thực hiện các thủ tục như: Đo đạc bản đồ; kiểm kê; lập, công khai và phê duyệt phương án; chi trả tiền sẽ bị kéo dài khoảng 45 - 60 ngày kể từ ngày bàn giao tim mốc trên thực địa. Bên cạnh đó, các hộ dân, sau khi dịch chuyển các vị trí móng cột, vẫn có đất, nhà cửa, công trình nằm trong hành lang an toàn nên vẫn có khả năng không chấp thuận phương án bồi thường. Mặt khác, phát sinh hộ mới trong hành lang an toàn sau khi di chuyển vị trí 51.

Với những khó khăn nêu trên, NPMB đã kiến nghị UBND tỉnh Hà Giang và UBND huyện Bắc Quang chỉ đạo và có giải pháp, quyết liệt điều hành như rút ngắn thời gian kiểm kê; lập, công khai và phê duyệt phương án bồi thường GPMB…. để bàn giao mặt bằng 3 vị trí móng cột trên trong tháng 2 này.

Riêng đối với vị trí 40, NPMB đề nghị UBND huyện Bắc Quang chỉ đạo Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng tiếp tục tuyên truyền, vận động và tổ chức chi trả tiền theo Quyết định đã phê duyệt. Trường hợp hộ dân cố tình không nhận tiền cần sử dụng biện pháp hành chính cần thiết và đảm bảo bàn giao mặt bằng trước ngày 20/2 tới.

Hiện các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ phần hành lang an toàn đã được EVNNPT/NPMB báo cáo UBND tỉnh Hà Giang tại văn bản số 8222/NPMB-ĐB, ngày 31/12/2020; UBND huyện Bắc Quang báo cáo tại các văn bản số 6580/BC-UBND, ngày 17/12/2021. Các kiến nghị, đề xuất của NPMB đã được liên sở, ngành của tỉnh họp bàn tuy nhiên đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Do đó các vướng mắc tiếp tục kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của dự án.

Ông Phạm Lê Phú, Tổng Giám đốc EVNNPT cho rằng với mục tiêu đóng điện dự án theo yêu cầu của EVN là cuối tháng 4 tới, thì địa phương phải bàn giao nốt 4 vị trí móng cho đơn vi thi công trong tháng 2 này và hành lang tuyến trong tháng 3 tới.

Thời gian còn lại rất ngắn, Tổng Giám đốc EVNNPT đề nghị UBND tỉnh Hà Giang và các sở, ngành của tỉnh đốc thúc việc bồi thường GPMB tại dự án này để Chủ đầu tư hoàn thành nhiệm vụ đóng điện theo kế hoạch nhằm tăng lượng điện từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong khu vực cung cấp cho hệ thống điện Quốc gia trong mùa khô năm nay.

Cụ thể, UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục xem xét, giải quyết các kiến nghị của EVNNPT/NPMB và UBND huyện Bắc Quang nêu tại các văn bản số 8222/NPMB-ĐB, ngày 31/12/2020;  báo cáo số 6580/BC-UBND, ngày 17/12/2021 của UBND huyện Bắc Quang để có hướng giải quyết các vướng mắc trong tháng 2 này nhằm tạo sự đồng thuận của các hộ dân.

UBND huyện Bắc Quang cũng chỉ đạo Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng tiếp tục tuyên truyền, vận động và tổ chức chi trả tiền theo các Quyết định đã phê duyệt. Trường hợp các hộ dân vẫn cố tình không nhận tiền, đề nghị UBND huyện Bắc Quang sớm xây dựng phương án tổ chức bảo vệ thi công để bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư thi công kéo dây trong tháng 3 tới. Đồng thời đôn đốc các hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ khẩn trương chặt hạ cây cối, di dời nhà cửa, vật kiến trúc ra khỏi hành lang an toàn lưới điện để bàn giao mặt bằng phục vụ kéo dây, sẵn sàng đóng điện công trình vào cuối tháng 4/2022./.

(Theo Bnews.vn)

Mai Phương/BNEWS/TTXVN